Hình ảnh một bà mẹ quỳ ở nơi công cộng cầu xin con gái chăm học đang là vấn đề gây tranh cãi không chỉ trên báo chí mà còn trong cộng đồng mạng nhiều nước.
|
Thương con như vậy bằng mười hại con
Vụ việc gây chấn động tại Trung Quốc, bởi nó báo động sự đảo chiều bất thường trong quan hệ gia đình và sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, đặc biệt đối với quan niệm của người phương Đông rằng như vậy là con bất hiếu.
Nhiều phóng viên và hàng ngàn dân mạng Trung Quốc đã ráo riết tìm kiếm địa điểm ghi lại hình ảnh xót xa này và ban đầu nghi vấn là ở TP.Thâm Quyến. Tuy nhiên, báo giới Đài Loan xác nhận bà mẹ hết lòng vì con này đã quỳ gần tàu điện ngầm khu quảng trường tưởng niệm Trung Sơn ở TP.Đài Bắc, Đài Loan. Suốt thời gian 5 phút quỳ xin con chăm chỉ học hành, cô con cưng học cấp 2 vẫn lạnh lùng làm thinh. Cuối cùng, những người đi ngang qua cảm thấy quá chướng mắt đã khuyên bảo và đỡ bà mẹ bất hạnh này đứng lên.
Tờ Tin tức Bắc Kinh ngày 14.3 đã chua xót bình luận, sở dĩ xảy ra vụ việc trên là do ảnh hưởng từ quan niệm quá cũ kỹ và lâu đời của người Trung Quốc: “Việc học là lớn nhất trên đời”. Và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sai lầm trong cách giáo dục của người mẹ này cũng như của vô số những ông bố bà mẹ khác, sẵn sàng làm mọi điều miễn chỉ để con đồng ý chăm học, dẫu những việc họ làm rất phi lý hoặc thái quá.
Nhiều cư dân mạng Giáo dục Hoa ngữ (edu.hsw.cn) bất bình phản đối: “Thương con như vậy bằng mười hại con. Trẻ con thì biết gì, lời lẽ ăn nói và đặc trưng tính cách của chúng được thừa hưởng từ di truyền và tác động của gia đình thôi”, “Quỳ như vậy, người mẹ còn gì là tự trọng của chính mình? Con gái bà mẹ đó làm sao có thể học được cách tôn trọng chính mình và người khác?”, “Cách làm đó có đúng không? Dạy con mà vậy sao?”...
Nhiều bài báo cũng đi sâu vào phân tích vấn đề “Cha mẹ có cần hy sinh mọi thứ vì việc học của con cái?”. Theo ông Vương Đông Sinh, một giáo viên trung học ở Trung Quốc, việc học tập là nhu cầu nội tại sẵn có bên trong mỗi con người. Việc chán học chứng tỏ nhu cầu này đang bị cản trở, tắc nghẽn. Nhiều khi xã hội như một kẻ đồng mưu cùng gây áp lực, khiến cha mẹ đành ép buộc con cái cùng chịu đựng, tiếp tục học. Điều này theo ông Sinh là vô cùng đáng sợ.
Phải học cách làm cha mẹ
Ông Dương Đông Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục thế kỷ 21 - thừa nhận trong xã hội Trung Quốc đương đại, đặc biệt đối với những gia đình nông thôn thua kém vị thế, đều rất chú trọng điểm thi cử, bất chấp việc học tập vất vả, vẫn liên tục ép con học, không quan tâm tới việc chuyện trò, tâm sự với con cái. Ngược lại, con cái sẽ nhận thấy bố mẹ chỉ quan tâm tới điểm số, chứ không quan tâm tới quá trình trưởng thành của mình. Trẻ chán học phát sinh từ chế độ học tập hà khắc hoặc do gia đình không hạnh phúc.
Cũng theo ông Bình, Trung Quốc hiện thiếu hụt truyền thống kinh nghiệm làm cha làm mẹ. Bố mẹ luôn chứng tỏ uy quyền trước mặt con. Khi đứa con đã có nhận thức riêng và ý thức độc lập thì quyền uy của cha mẹ tự khắc tiêu tan. Vì vậy khi xảy ra chuyện gì, cha mẹ hoàn toàn bất lực. Ông Bình nhấn mạnh rằng làm cha mẹ là một việc cần phải nghiên cứu, học tập.
Trên diễn đàn webtretho.com, clip mẹ quỳ trước con gái cầu xin con chăm học cũng tạo nên nhiều phản ứng: “Hành động này là sỉ nhục con chứ còn gì nữa, không biết bà mẹ làm như vậy là do bột phát hay phương pháp giáo dục riêng. Nhưng mình nghĩ dù có bột phát hay không cũng đều sai lầm, vì chúng làm ảnh hưởng tệ hại đến sự phát triển nhân cách của con”. (bạn lãng du) “Lỗi của trẻ em hoàn toàn do người lớn chúng ta gây ra, người lớn nước nào cũng vậy thôi, chỉ khác nhau về trí tuệ và năng lực giải quyết vấn đề”. (bạn vnposh) “Hành động của bà mẹ là phản giáo dục, làm vậy để được gì, bà ấy có nghĩ rằng hình ảnh này sẽ đeo đuổi con gái bà ấy suốt cuộc đời không?”. (bạn xiaodandan) “Mỗi người một cách dạy con các mẹ à, đứa sợ đòn roi thì lôi về nhà cho một trận là nó sợ rồi, nhưng có nhiều đứa ương bướng làm cách nào cũng không xong chắc bà mẹ không còn cách nào khác nữa thì mới làm như vậy”. (bạn nguoidanba) |
Đ.M.L
Bình luận (0)