Công trình được Hội đồng nghệ thuật chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Bà mẹ Nguyễn Thị Thứ, nay đã 106 tuổi, ở Điện Bàn, Quảng Nam với 9 người con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã hy sinh, là một trong những bà mẹ VN tiêu biểu đã được các tác giả chọn làm nguyên mẫu cho sáng tác của mình.
Theo phác thảo, toàn khối tượng đài có chiều cao 18,5m; chiều dài theo đường cong 117m với chất liệu bằng sa thạch. Đặc biệt là bên trong khối tượng sa thạch này sẽ là nhà tưởng niệm ghi danh gần 50 ngàn Mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ đối với đất nước; một phần là khu trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật và các tư liệu khác về đề tài người mẹ VN.
Nhân dịp lễ khởi công, đơn vị thi công là Công ty Xây dựng mỹ thuật Đà Nẵng 2 đã ủng hộ 60 triệu đồng để xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa và tặng quà cho 6 Bà mẹ VNAH tại TP Tam Kỳ. Trước đó, họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận đã đến chúc sức khỏe và tặng quà cho mẹ Nguyễn Thị Thứ, thượng thượng thọ 106 tuổi đang nghỉ dưỡng tại gia đình con trai ở TP Đà Nẵng. |
Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước lớn, rộng gần 1.000m2 có hình dáng hồ bán nguyệt phía trước. Ở chính giữa và phần cao nhất của toàn khối tượng đài là chân dung bán thân Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, thể hiện một chiều sâu nội tâm: Mẹ đã nén lại những đau thương, mất mát lớn lao bằng một nghị lực phi thường mà vẫn thể hiện vẻ đẹp của sự nhân hậu và lòng bao dung. Hai bên khối tượng mẹ là hai vách đá được tạo hình tự nhiên kết nối bằng những hình khối đa dạng, đa chiều với các cung bậc và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng tráng, biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá và thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng làm tôn vinh thêm hình tượng bà mẹ và gợi mở nhiều suy tưởng sâu sắc về đất nước, về con người VN cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai...
Tượng đài Mẹ VNAH là một công trình mang tầm vóc quốc gia, mang tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Theo nhà lý luận phê bình Lê Quốc Bảo, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội: “Nhịp điệu tạo hình nào cũng phải bắt đầu từ cuộc sống. Với tượng đài Mẹ VNAH, đó là nhịp điệu của cuộc chiến tranh anh hùng, thần thánh của dân tộc. Các tác giả Đinh Gia Thắng và Nguyễn Luận rất có ý thức và khổ công xử lý nhịp điệu tạo hình với mong muốn thể hiện ý tưởng nghệ thuật về huyền thoại của người mẹ VN. Không gian ba chiều của tượng đài và 8 trụ cột phù điêu tròn được đặt đúng chỗ trong không gian thiên nhiên -kiến trúc cảnh quan, tạo ra được nhịp điệu tổng hòa với “cái thế muôn dặm” trong cảnh sơn thủy hữu tình. Cái thế muôn dặm đó chính là tiếng nói đặc thù của nghệ thuật không gian... Tượng được đặt dựa lưng vào một thế núi yên ngựa, hướng ra biển Đông theo hướng Đông Bắc, hướng về đất Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc...”.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)