MECA 2021-2022: Trao cơ hội phát triển ngành tự động hóa vào tay thế hệ trẻ

16/05/2022 13:00 GMT+7

Không chỉ là sân chơi dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật, cuộc thi Mitsubishi Electric Automation Cup (MECA 2021 - 2022) còn là sự kiện truyền cảm hứng và ươm mầm các tài năng trẻ ngành tự động hóa công nghiệp.

Hiện thực hóa tư duy sáng tạo của sinh viên, hướng đến tương lai bền vững

Tự động hóa là một trong những chuyên ngành đào tạo nổi bật trong các trường đại học hiện nay. Rất nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề này gắn với sự phát triển tương lai của mình. Các bạn được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và tư duy đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, sinh viên các trường đại học chưa có nhiều cơ hội để triển khai ý tưởng thành các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế.

MECA là sân chơi thể hiện tài năng và mang tính cạnh tranh, giao lưu cho sinh viên khối ngành kỹ thuật của các trường đại học

Với mong muốn ươm mầm các tài năng công nghệ tự động hóa tương lai, Mitsubishi Electric Việt Nam kết hợp cùng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức cuộc thi MECA (Mitsubishi Electric Automation Cup). Đây là sân chơi thể hiện tài năng và mang tính cạnh tranh, giao lưu cho sinh viên khối ngành kỹ thuật của các trường đại học. MECA 2021 - 2022 càng có ý nghĩa hơn khi mang chủ đề “Giải pháp tự động hóa thông minh trong nhà máy” hướng đến việc phát triển các sáng kiến tự động hóa trong sản xuất.

Cuộc thi là cơ hội để các sinh viên thể hiện năng lực ở rất nhiều khía cạnh, từ việc thuyết trình ý tưởng, làm bài báo cáo, thể hiện kiến thức, kỹ năng tay nghề, sự khéo léo, chính xác trong việc lắp ráp, vận hành thiết bị. Việc tự tin, mạnh dạn triển khai khối kiến thức đã tích lũy, dám nghĩ dám làm, phát huy tính sáng tạo là hành trang để các kỹ sư tương lai bước vào đời, đóng góp cho đất nước, hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Các nhóm sinh viên được tiếp cận và sử dụng các thiết bị tiên tiến của Mitsubishi Electric

Mitsubishi Electric Việt Nam luôn tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ sinh viên các trường trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng của mình. Các nhóm sinh viên tham dự cuộc thi được tiếp cận và sử dụng những thiết bị lập trình, vận hành tiên tiến như bộ điều khiển lập trình, camera công nghiệp với độ nhận diện hình ảnh cao và phần mềm quản lý, vận hành GENESIS64 (trang bị đồ họa 3D, hiển thị trực quan tình trạng vận hành của thiết bị theo thời gian thực).

Chân dung các tài năng trẻ trong ngành tự động hóa sản xuất

Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của sinh viên từ 6 trường đại học gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Trà Vinh. Điển hình như tại Đại học Cần Thơ, có đến 11 đội gồm 35 sinh viên thuộc 6 ngành của Khoa Công nghệ gồm: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật máy tính và Kỹ thuật cơ khí đã tham gia thi đấu.

Khởi động từ tháng 2.2021, MECA 2021 - 2022 đã bước qua vòng sơ loại cấp trường với hơn 160 bài dự thi về ý tưởng sáng tạo tự động hóa công nghiệp đến từ 6 trường Đại học.

Vượt qua 17 đội xuất sắc có mặt tại vòng chung kết, Đội CT_SPKT của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã đoạt giải nhất với đề tài “Điều khiển và giám sát phân loại ống nghiệm qua Webserver”.

Đội CT_SPKT của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã đoạt giải nhất cuộc thi MECA 2021

Hai giải nhì thuộc về đội Beatrix và Phoenix của trường đại học Công Nghiệp TP.HCM với các đề tài lần lượt là “Máy đóng bao tự động” và “Mô hình nhà kho thông minh kết hợp bộ điều khiển PLC Mitsubishi và công nghệ thị giác máy tính”.

Và 3 giải ba được trao cho 3 đội:

  • Đội DLP của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với đề tài “Xây dựng và điều khiển máy CNC dùng G-CODE trong mạng SSCNET, phân biệt cách thức gia công sản phẩm bằng mã vạch”.
  • Đội MATT của trường Đại học Tôn Đức Thắng với đề tài “Smart Warehouse”.
  • Đội A1 Automation của trường Đại học Công nghệ TP.HCM với đề tài “Ứng dụng mạng CC-LINK và GOT MOBILE điều khiển tự động cho nhà kính thông minh”.

Nói về các đội thắng giải trong cuộc thi, đại diện ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo mang tính khả thi, có thể triển khai vào thực tế của các đội dẫn đầu. Tôi hy vọng các em sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai và đem tài năng của mình đóng góp cho đất nước”.

Cuộc thi mang đến cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến ​​thức, tạo nên cộng đồng trẻ tích cực và hướng đến xây dựng xã hội bền vững trong tương lai

Thông qua cuộc thi học thuật MECA, Mitsubishi Electric mong muốn các bạn trẻ có thể tư duy vượt ra ngoài những kiến thức hàn lâm đã học để giải quyết những vấn đề thực tế còn tồn tại trong ngành công nghiệp, cũng như được tạo cảm hứng từ những công nghệ tiên tiến của Mitsubishi Electric để đáp ứng các nhu cầu sản xuất của xã hội một cách hiệu quả và bền vững, như việc ứng dụng công nghệ AI vào quản lý dữ liệu, giám sát, hay như việc làm quen với việc vận hành robot trong dây chuyền sản xuất.

Mitsubishi Electric cũng hy vọng rằng sinh viên không chỉ tiếp cận các công nghệ tự động hóa và khái niệm e-F@ctory mà còn mang đến cơ hội học hỏi và chia sẻ kiến ​​thức từ đó tạo nên cộng đồng trẻ tích cực và hướng đến xây dựng xã hội bền vững trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.