'Men tình' là có thật

31/01/2017 21:04 GMT+7

Có lẽ từ khi con người xuất hiện trên hành tinh thì tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở để văn chương, thi ca, nhạc họa thăng hoa.

 Nhìn ở góc độ khoa học, những khái niệm tưởng chừng rất lãng mạn như “men tình”, “con tim cùng chung nhịp đập”... được lý giải rất rõ ràng mà khi hiểu được nó người trong cuộc cũng sẽ biết cách giữ lửa tình yêu của mình được bền lâu và mãi nồng nàn.
Một khi phải lòng nhau, cả hai người bắt đầu tự dẫn mình vào một cuộc phiêu lưu, tự biến mình trở thành nạn nhân của niềm hạnh phúc có tên gọi tình yêu. Ban đầu chỉ mới là cảm giác hấp dẫn giới tính lẫn nhau, như là cả hai đều có thụ cảm đặc hiệu để nhận nhau.
Khi đôi uyên ương đã quấn quýt, gắn bó với nhau dài lâu thì họ như là sinh ra để cho nhau - người ta cho rằng đã say "men tình". Khi đó giữa hai con người như hòa nhập, đồng điệu với nhau. Tất cả những điều đó tưởng chừng như là sự tưởng tượng bay bổng của những tâm hồn đang yêu. Nhưng quả thật, khoa học đã có nhiều dữ kiện cho thấy "men tình" đó là có thật, nó là những chất xúc tác không thể thiếu được trong tình yêu và ngay cả sự hòa nhập nhịp tim cũng không phải là sản phẩm của sự tưởng tượng.


Đặc biệt hơn cả, vừa mới đây, một nghiên cứu tâm lý học đã công bố kết quả thử nghiệm cho thấy các đôi yêu nhau có thể đạt đến nhịp tim giống như nhau





Tình yêu thường trải qua ba giai đoạn: phải lòng, hấp dẫn và gắn bó. Các nhà khoa học đã tìm thấy những biến đổi hóa học đặc biệt trong cơ thể trong các giai đoạn này của tình yêu.
Sự phải lòng nhau thường khởi đầu bằng những hấp dẫn về dáng vẻ bên ngoài, chiếm đại đa số, tới 55% các trường hợp, kế đến là sự phải lòng về giọng nói, từ âm điệu đến ngữ điệu của giọng nói chiếm 33%; chỉ có 7% các trường hợp phải lòng nhau vì những mỹ từ mà thôi.
Trong giai đoạn phải lòng, cơ thể cả nam và nữ đều tăng sản xuất lượng nội tiết tố giới tính (nam testosterone và nội tiết tố nữ eostrogen), tỷ lệ tăng này khác nhau ở hai giới. Chính nội tiết tố giới tính này tăng lên làm cho họ càng trở nên lôi cuốn nhau hơn.
Sau giai đoạn phải lòng, đôi tình nhân sẽ bước sang giai đoạn hấp dẫn nhau. Khi đó, trong tâm tưởng lúc nào cũng chỉ nghĩ về nhau từ những chi tiết nhỏ nhất. Mọi hành động cử chỉ đến dáng đi và lời nói của nhau đều trở thành đáng yêu và gợi tình.
Quá trình đó do sự điều khiển của các hóa chất dẫn truyền thần kinh bao gồm adrenaline, dopamine và serotonin. Adrenaline làm cho người đang trong giai đoạn đầu của yêu đương trở nên hưng phấn, hồi hộp, tim đập nhanh, thao thức.
Dopamine thúc đẩy sự khao khát, đắm say và khắc khoải. Khi đó con người trở nên thấy dư thừa năng lượng và lắng nghe từng nhịp điệu của tình yêu. Và serotonin là một trong những hoạt chất quan trọng nhất trong tình yêu để đẩy tâm trạng của người đang yêu lên mức hưng phấn, say mê nhau cao độ.
Những tác động của các hormone này có thể giải thích tại sao người ta lại có thể yêu đắm say một người và người ấy lúc nào cũng hiện hữu trong tâm trí, trong suy nghĩ của nhau. Những người bị trầm cảm được cho là thiếu serotonin, cho nên không bao giờ thấy ai đang trong cơn yêu đương cuồng say mà lại trầm cảm cả.
Một khi cả hai đã yêu nhau đắm say thì sẽ có ước muốn được kết gắn lâu dài. Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trọng giai đoạn này là oxytocin, nó được tiết ra nhiều nhất trong lúc ân ái. Ân ái tái lập, oxytocin được tiết ra đều đặn trở thành một thứ men kết dính đôi uyên ương hơn.
Điều này tương tự trong trường hợp con bú mẹ, sự gắn bó giữa mẹ con cao hơn là trẻ bú bình, do lượng oxytocin trong cơ thể mẹ tăng cao khi cho con bú. Một hormone khác được cho là đóng vai trò giữ được mối quan hệ bền vững kéo dài sau giai đoạn và thời kỳ ân ái là vasopressin. Nó giải thích cho sự gắn bó lâu dài của đôi uyên ương mà không cần có mối quan hệ tình dục.
Đặc biệt hơn cả, vừa mới đây, một nghiên cứu tâm lý học đã công bố kết quả thử nghiệm cho thấy các đôi yêu nhau có thể đạt đến nhịp tim giống như nhau. Trong thực nghiệm này, các nhà khoa học ở Đại học California (Mỹ) tiến hành trên 32 đôi đang yêu nhau. Các đôi được yêu cầu chỉ nhìn nhau từ xa, nghĩ về nhau mà không chạm vào nhau.
Họ không ghi cụ thể số lần nhịp tim đập trong một phút mà ghi lại phức hợp thay đổi nhịp tim của hai người. Người ta cho rằng phức hợp thay đổi nhịp tim đó của mỗi người do tác động của sự tự điều chỉnh và đồng điều chỉnh. Điều ngạc nhiên là họ thấy kết quả rất nhất quán là ở các cặp đôi này biến đổi nhịp tim gần như trùng khớp với nhau.
Thú vị hơn, người ta thấy người nữ có sự điều chỉnh nhịp tim của họ cho đồng bộ với người yêu của mình hơn. Hiện tượng này chưa có lời lý giải xác đáng và các tác giả suy luận có thể là nữ giới có sự gắn kết mạnh hơn, dễ hòa nhập với người yêu mình hơn.
Nếu giải thích cơ chế tình yêu bằng khoa học chúng ta có thể dễ hiểu kết cục của các cuộc tình. Có những đôi yêu nhau dài lâu đến đầu bạc răng long. Nhưng cũng có những tình yêu ban đầu rất thắm thiết, rồi dần nhạt phai. Hai yếu tố quan trọng cho thấy có thể duy trì được tình yêu bền vững là giai đoạn hấp dẫn lẫn nhau và gắn bó với nhau.
Một khi sự hấp dẫn ở nhau bị giảm xuống hay không còn thì các nội tiết tố tình yêu trong giai đoạn đó cũng sẽ bị sụt giảm, hệ quả là cảm giác khao khát, khắc khoải, và sự hiện hữu trong nhau bị phai nhạt dần. Hệ lụy là sợi dây gắn bó không còn bền chặt nữa.
Khi đó ước muốn gần gũi và trao nhau niềm ân ái sẽ thưa thớt dần, rồi các nội tiết tố trong giai đoạn này cũng sẽ vì thế mà lần lượt giảm tiết. Tất cả đi vào một vòng xoáy, “dấu chấm hết” của một tình yêu gần như được báo trước.
Tuy nhiên, dẫu có nói gì thì nói, tình yêu muôn thuở vẫn là một ẩn số. Tình yêu không phải là một đại lượng có thể đong đo hay đếm được. Tình yêu là vô sắc vô lượng. Cho nên khó có một quy luật khoa học nào, một hệ quy chiếu nào, một đơn vị định lượng hay định tính nào có thể áp dụng được cho tình yêu cả.
Một khi đôi tim đã hòa chung một nhịp đập, thì hãy cứ để tình yêu dẫn lối. Chỉ có những trái tim đang yêu mới có thể cảm nhận được đại lượng của tình yêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.