Không hiểu sao sau bao nhiêu lo lắng, chăm sóc, tình cảm dành cho con gái mà nó vẫn cứ lạnh lùng và xa cách với mẹ.
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Tấm gương
Chị là người phụ nữ thành đạt - giám đốc của một công ty kinh doanh địa ốc, thừa khả năng lo cho gia đình, cho cô con gái duy nhất một cuộc sống sung túc hơn người. Cũng như bao nhiêu người mẹ khác, chị muốn con mình khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Và ở một góc độ nào đó, chị cũng có thể được cho là đã thành công trong việc “nhào nặn” ra một “sản phẩm” - kết quả của sự giáo dục “có bài bản” - cũng có thể được gọi là “hoàn hảo”. “Sản phẩm hoàn hảo” đó là một cô bé xinh xắn, khỏe mạnh về thể chất, đang học tại một trường quốc tế chất lượng cao, luôn luôn được giáo viên khen ngợi về thành tích học tập. Hằng xóm không thấy cô bé tụ tập đi chơi đi bời với bạn bè cùng lứa, chỉ thấy đi học, học và học... hằng ngày còn nghe tiếng đàn piano thánh thót từ trong nhà vang vọng ra. Trong một số buổi họp, tổ trưởng dân phố còn thông báo thành tích của cô bé trong các cuộc thi cấp quốc gia... Chị cũng tự hào với bạn bè, người quen của mình là con gái đang học cùng lúc hai ngoại ngữ Anh và Nhật.
Các bà mẹ biết về gia đình chị đều lấy con gái chị ra làm tấm gương sáng cho con cái soi vào, nếu cô bé được 10 phần thì mong muốn con cái mình được 3 - 4 đã là mừng lắm. Còn các bé gái biết về mẹ con chị cũng ao ước có được cuộc sống đủ đầy, sung sướng mà chị đã mang lại cho con gái mình. Ai cũng lấy mẹ con chị ra làm hình mẫu lý tưởng để ao ước, để phấn đấu.
Nhưng... !
Mặc dù lòng đầy hãnh diện về con gái của mình, với tình yêu thương vô bờ bến, nhưng chị vẫn đầy nỗi niềm, tâm tư mà không phải với ai chị cũng thổ lộ. Chị rất trăn trở rằng: Vì sao, mình yêu con như vậy, hết lòng hết sức với con như vậy, tạo mọi điều kiện cho cuộc sống hiện tại của con được tiện nghi, tương lai của con được tươi sáng như vậy, mà chị thấy con cứ giữ một khoảng cách nhất định với mình, thậm chí có lúc con bé nhìn chị một cách sợ sệt? Chẳng lẽ nó vẫn chưa hài lòng với sự chăm sóc của mẹ với nó hay sao? Hay nó có vấn đề gì về tinh thần?
Hóa ra chị yêu con, hãnh diện với con bao nhiêu chị để ở trong lòng bấy nhiêu, một mình chị biết, đến con chị cũng không được chị để cho biết! Vì yêu thương con, muốn con ngày càng tiến bộ, ngày càng hoàn hảo, chị gò con bé vào một cái khuôn cứng nhắc: Học, học và học! Phấn đấu, phấn đấu và phấn đấu! Lẽ ra là phụ nữ, chị phải gần gũi với con, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con gái, xử sự với con bằng tình cảm yêu thương của một người mẹ, bằng lời nói dịu dàng của người phụ nữ. Đằng này chị giáo dục con với “tâm thế” của một người cha nghiêm khắc, thậm chí đến mức cứng rắn!
Có lẽ cách dạy con của chị bị ảnh hưởng bởi vị trí của chị trong công việc nên mỗi khi muốn nói gì với con chị đều ra mệnh lệnh “con phải”, “con cần”, “con không được”, “mẹ cấm”... để hướng con chị vào một cái khung “hoàn hảo, đẹp đẽ” chị đã tạo sẵn, định sẵn. Cái tâm của chị, mục đích của chị thì tuyệt vời, nhưng phương pháp, hành động của chị có cực đoan quá không khi con gái chị - vốn dĩ đặc thù giới tính của nó là cần sự dịu dàng, mềm mại, thân mật - thì cả ngày, cả tháng, cả năm chỉ biết đến mẹ với một ứng xử duy nhất: mệnh lệnh. Gần như không bao giờ chị bày tỏ ra ngoài tình cảm, tình yêu và sự tự hào của chị với con gái. Trong tư tưởng của con bé chỉ có mệnh lệnh và ý chí phấn đấu. Lúc nào con bé cũng thường trực tâm trạng mình chưa hoàn thiện, mình vẫn cần phải phấn đấu hơn nữa.
Chắc chị thừa hiểu cuộc đời đâu chỉ có mỗi lý trí, có mỗi thành công? Cuộc đời còn cần phải có tình cảm, có tâm hồn và còn phong phú bao nhiêu điều khác nữa chứ?
Bình luận (0)