Liền chị Nguyễn Thị Khuyên đọc lại một lần nữa bài thơ ghi trên tờ giấy A4 gập đôi rồi cất tiếng xin phép. Chị Hai Khuyên nói: “Hôm nay người khách từ Yên Bái xa xôi lặn lội về đây đã làm tặng liền anh liền chị chúng tôi một bài thơ, tôi xin phép đọc rồi ngâm bài thơ này”. Rồi chị bắt đầu đọc bài thơ ngắn bốn câu của ông Nguyễn Văn Hồi, trong đó có câu: “Nhớ người quan họ làng Lim/Nối tầm tên lửa cũng tìm đến nhau”. Sau lưng chị Hai Khuyên, ông Hồi ngồi đầu gật gù theo từng chữ.
Không còn vóc dáng hội làng
“Tôi ở rất xa về đây. Biết đến canh hát này nhờ một người trong làng”, ông Hồi nói. Canh hát ông Hồi dự tối 21.2 ở làng Lim do gia đình ông Dự - một cựu chiến binh tên lửa - tổ chức. Người làng mách, người xã trong xã ngoài biết, suốt trong buổi hát, người ra, người vào tấp nập không phải ai cũng quen biết nhau. Phần lớn họ đều được giới thiệu về canh hát mà tìm đến, nghe được vài bài đối đáp, họ lại đứng dậy đi tiếp. Chỉ ít người ngồi lại được thâu canh. Thế nhưng, dù khách chưa hiểu nhiều cũng hài lòng với không gian ấm áp mà rút tiền “mừng tuổi”. Tiền đặt trong một chiếc đĩa nhỏ, cạnh chiếc đĩa nhỏ hơn đựng quất để nhấp giọng, và khay đựng trầu cánh phượng rạng nồng.
|
“Thực ra lên nghe hát trên đồi, đi hội Lim phần lớn là người từ nơi khác đến”, chủ một quán ăn gần đồi Lim cho biết. Điều này khá giống với nhận định của các nhà nghiên cứu âm nhạc. Theo đó, những người sành nghe quan họ và sợ nghe thứ “quan họ tăng âm (ampli)” đến biến dạng trên đồi Lim từ lâu đã “rút” vào những buổi hát tại nhà. Quan họ Đặng Xá còn phục dựng canh hát giả cổ để phục vụ khách muốn tai nghe mắt thấy lối chơi quan họ. Và với những canh hát như thế, người nghe cảm kích muốn mừng tuổi người quan họ cũng là lẽ thường tình.
Chính vì thế, việc nhà quản lý “thiết quân luật” cho hội Lim không dùng tăng âm, không ngả nón xin tiền hoàn toàn không ảnh hưởng tới những nhóm chơi nhỏ tại gia như thế này. Bởi ở đây mối giao lưu giữa khách và người quan họ rất hẹp, đúng quy mô hội làng như nó đã từng có bao năm. “Tại đó, liền anh liền chị quan họ cứ hát giao duyên. Khách đến lặng lẽ nghe mà không được làm ảnh hưởng”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nói.
|
Nhưng giữ được lối hát như vậy không dễ. Bởi không gian sinh thái văn hóa của hội Lim, theo ông Loan, đã không còn. “Ngày trước đó là một ngọn đồi, cây cối hữu tình. Đến mức trong lời hát quan họ nó được mô tả là trèo lên dãy núi Thiên Thai... Thế nhưng những công trình của xã xây xung quanh cao hơn đã khiến đồi Lim chỉ còn thấp bé. Người xem cũng nhiều và xô bồ hơn trước. Lại thêm xe ô tô áp sát được gần đồi hơn nên hội đã không còn vóc dáng hội làng. Nó đã bị quá tải”, ông Loan phân tích.
Bản thân nhà nghiên cứu này từng đề nghị phải quy hoạch để phục hiện lại không gian cũ. Khách để xe từ xa đi bộ vào nghe hát. Tuy nhiên, kế hoạch “giải đông” hội Lim của ông giờ cũng chưa đi đến đâu.
“Chả khác gì dùng thuốc phiện”
Cũng bởi không giải đông được bằng cách tái hiện không gian trải dài xưa cũ, giờ đây quan họ phải gắn với tăng âm. Ngay tối 21.2, hội Lim có quan họ tỉnh về hát, cũng phải dùng thiết bị tăng âm này. Mà tăng âm với nhạc dân tộc, trong đó có quan họ, theo ông Loan “chả khác gì dùng thuốc phiện”. Có nghĩa là càng dùng, càng tăng liều, càng phải mở to. Càng dùng, thể trạng càng yếu, càng khó có thể hát thiếu micro. Người nghe nghe riết rồi cũng quen, cũng nghiện thứ tăng âm này.
Thậm chí, theo ông Loan: “Bắc Ninh còn có sáng kiến karaoke hóa quan họ. Nghĩa là họ sinh ra đĩa karaoke hát quan họ. Có nơi, cả làng cùng hát karaoke di sản văn hóa này. Việc này hại quan họ không ít, khi âm thanh của dàn karaoke khiến thẩm mỹ về quan họ trở nên dễ dãi và méo mó”. Thẩm mỹ về âm thanh này có phần còn quan trọng hơn cả việc cấm ngả nón xin tiền. Bởi khi nhu cầu mừng tuổi người quan họ là có thật, khách tới chơi sẽ tìm mọi cách đưa tiền. Trên thực tế, hội Lim năm nay chứng kiến những màn dúi tiền tận tay hoặc đặt lên khay trầu của liền anh liền chị. Trong khi đó, nhận thức về một lối hát - một lối chơi quan họ lại không nâng lên được nhiều.
Nhưng chuyện đáng nghĩ về quan họ không chỉ có thế. Giờ đây, theo các nghiên cứu điền dã, người hát quan họ ở làng Lim không còn nhiều. Nếu so với người quan họ ở làng Diềm hay Đặng Xá thì Lim đã tụt lại cả về số lượng lẫn chất lượng giọng ca. Trong khi trước đây ba làng này không dễ gì chịu kém nhau trong lối chơi quan họ. Tuy nhiên, cả ba làng đều “chung một nỗi đau”. Đó là họ không còn hát quan họ sáng tạo như thời trước nữa. “Quan họ trước là đối đáp. Anh ra một câu, tôi ra một câu đối lời đối giọng là chính. Do đó, quan họ hấp dẫn bởi sự sáng tạo. Nhưng giờ quan họ hát lại những bài đối đáp cũ. Hát có thể vẫn hay nhưng không còn sáng tạo ấy nữa”, ông Loan phân tích.
Cũng theo ông Loan, cái mất gốc này mới là điều lớn nhất. Vì thế, hội Lim giờ chỉ thu hút được khách chơi không quá sành sỏi. Và việc quan họ không được ngả nón nhận tiền dù có thể cứu phần nào hình ảnh người quan họ, vẫn không phải vấn đề văn hóa gốc của hội Lim. Vấn đề là làm sao để giữ và phát triển được lối chơi quan họ trong cộng đồng.
Trinh Nguyễn
>> Nghe hát quan họ cổ tại gia
>> Quan họ của tôi
>> “Đám đông hóa” quan họ
Bình luận (0)