Cuối cùng, những nỗ lực kháng án của Michel Platini vẫn bất thành. Mức án 'trục xuất' khỏi thế giới bóng đá chỉ giảm có 2 năm (từ 8 năm xuống còn 6 năm). Và trong ngày FIFA bầu chọn Chủ tịch mới, Platini chính thức trở thành 'ông vua bị phế truất'.
Platiini đã trở thành một chính trị gia lọc lõi sau 9 năm làm quản lý - Ảnh: AFP
|
Thế hệ CĐV bóng đá sinh ra trong thập niên 60 và 70 hẳn không thể nào quên một Michel Platini hào hoa, nhàn nhã, tinh tế. Ông là chuyên gia đá phạt trực tiếp, “vẽ” những đường bóng thần sầu vào lưới đối thủ. Ông là người định nghĩa số 10 cho bóng đá hiện đại. Ông là người đầu tiên, và sau này cũng chỉ có Lionel Messi, giành Quả bóng Vàng 3 lần liên tiếp. Ông là “Le Roi - Quốc vương” trên sân cỏ.
Với người hâm mộ, Platini là cầu thủ có khuôn mặt điển trai và mái tóc xoăn điệu đà. Với người làm bóng đá, Platini là vị Chủ tịch UEFA giàu ý tưởng sáng tạo, là đồng minh của những LĐBĐ “thấp cổ bé họng” ở châu Âu. Với những người chống Sepp Blatter, Platini là cánh tay phải cần bị bẻ gãy đầu tiên.
Khi cuộc khủng hoảng tham nhũng bóng đá bùng phát và những bóng áo đen FBI ập vào trụ sở FIFA, Platini khi đó như người “cứu rỗi tinh thần” đối với thế giới bóng đá, bằng câu châm ngôn lấy cảm hứng từ chiến dịch tranh cử Tổng thống của Barack Obama: “Thay đổi - Chúng ta tin tưởng”.
“Tôi tự hào rằng UEFA đã bảo vệ và ủng hộ một động thái thay đổi ở FIFA”, Platini tuyên bố, đánh dấu sự kiện Sepp Blatter từ chức hồi tháng 6.2015. “Thay đổi có ý nghĩa quan trọng nếu tổ chức này muốn giành lại uy tín của mình”.
9 năm hoạt động bóng đá trên cương vị một nhà quản lý, Platini trở thành chính trị gia lọc lõi, biết “nhảy tàu” đúng lúc, khi dấu hiệu chìm là không thể tránh khỏi. Nhưng, Platini quên rằng Blatter trước hết không chỉ là đồng minh, mà còn là nhà bảo trợ cho người đàn ông Pháp trong những ngày đầu tiên chập chững bước vào cái “thế giới lọc lừa” của FIFA.
Platini và Blatter từng là thầy trò, đồng minh - Ảnh: AFP
|
Khi ủng hộ thay đổi ở FIFA, Platini có lẽ không tưởng tượng được nó cũng mở ra một hành lang, hút cơn lốc chống tham nhũng của FBI và cơ quan tư pháp Thụy Sỹ, cuốn sạch quyền lực trên tay ông, đúng vào thời điểm Blatter tưởng như đã khuất mắt.
Sự nghiệp sân cỏ lẫy lừng và sự nghiệp chính trị - bóng đá hào nhoáng giúp Platini thừa hưởng mọi điều kiện để trở thành “Quốc vương” mới ở FIFA, chứ không chỉ trên sân cỏ.
“Trạng chết, Chúa cũng băng hà”. Blatter không đơn giản là người đàn ông Thụy Sỹ 79 tuổi, thích hợp ngồi trên chiếc xe lăn, dạo trên những con đường quanh co rải sỏi 2 bên lề và hồi tưởng về những câu chuyện xa xưa. Trên hết, ông ta là một vị luật sư, một nhà quản lý bóng đá với thâm niên 40 năm gắn bó với FIFA. Và nếu như liệt kê danh sách độc tài trên thế giới, Blatter cần được xếp một vị trí trang trọng, với chức danh Chủ tịch FIFA từ 1998 đến 2015 (5 nhiệm kỳ).
Và trong cơn hoảng loạn muốn giũ sạch mọi vết ố, chứng minh rằng những ngày đen tối đã lùi xa, từ những ngày đầu năm 2015 đã qua, FIFA “treo giò” bộ đôi thầy trò - đồng minh trong 90 ngày, trước khi bật đèn xanh cho Ủy ban Đạo đức tiến hành điều tra và kết thúc bằng lệnh “trục xuất” họ khỏi thế giới bóng đá.
Bị đá đít khỏi ngôi nhà yêu quý và sân chơi quen thuộc, Platini chỉ có thể yếu ớt chống cự, như một cầu thủ hụt hơi phút cuối trận, rằng “tất cả chỉ là những cáo buộc bịa đặt”, được “thiết kế để hủy bỏ tư cách ứng viên của tôi trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA”.
Platini giờ đây chỉ còn biết trông chờ vào CAS - Ảnh: AFP
|
Cũng như khi tuyển Pháp bị loại ngay từ vòng bảng Euro 1992, ai còn dành thời gian nghe lời phân trần của một kẻ thất bại?
Chuyên gia đá phạt người Pháp trong thâm tâm hiểu rằng mình đã sút hụt, lần này không phải là một quả phạt trực tiếp có hàng rào, mà là quả penalty đáng xấu hổ trong trận tứ kết Pháp - Brazil tại Mexico ’86.
“Tôi muốn chiến đấu chống lại sự bất công. Nếu tôi làm điều gì đó xấu hổ với bản thân, tôi sẽ tự giấu mình ở Siberia với nỗi ô nhục”, Platini nói trước phiên điều trần đơn kháng án tại FIFA.
Thất bại. Vẫn còn chút hy vọng cứu vãn, bởi tuyển Pháp đã thắng Brazil 4-3 sau cú sút vọt xà ngang của Platini 30 năm về trước. Platini còn trông chờ vào quyết định của Tòa án Thể thao (CAS), khôi phục lại vị trí Chủ tịch UEFA cho ông, vì lý do duy nhất mà cũng quan trọng nhất: Euro 2016.
Năm 1984, ông là ngôi sao đưa tuyển Pháp tới vương vị châu Âu. Năm 1998, ông là kiến trúc sư thiết kế chiến dịch đăng cai và chiến thắng World Cup 1998. Lần này là “Quốc vương” châu Âu thay vì FIFA?
Hy vọng rất mong manh, xét trên thói quen thường thấy trong những quyết định của CAS đối với các vụ việc gây tranh cãi. Thực tế, FIFA hay UEFA cũng chẳng tồi tệ hơn nữa nếu vắng ông.
Và khi CAS ra phán quyết - bất kể ra sao - đó cũng sẽ là thời điểm “Quốc vương” treo vương bào của mình, trên đôi giày đinh phủ bụi từ lâu.
Bình luận (0)