Trong 3 - 4 ngày tới, miền Bắc tiếp tục có thời tiết xấu do chịu ảnh hưởng bởi rãnh gió mùa đi ngang qua kết hợp với vùng áp thấp trên vịnh Bắc bộ, có mưa giông, trên diện rộng, vùng núi và trung du có nơi mưa to đến rất to, đề phòng giông lốc và gió giật mạnh.
Như vậy, khả năng xuất hiện lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng đồng bằng trũng thấp có thể xảy ra. Từ giữa đến cuối tuần mưa sẽ giảm dần.
[VIDEO] Quốc lộ 18 đoạn qua thành phố Cẩm Phả biến thành sông
|
Miền Trung đang có dấu hiệu chuyển mùa, nắng mưa xen kẽ, chủ yếu là mưa giông với lượng mưa nhỏ trên diện hẹp. Từ ngày 8 hoặc 9.8, có khả năng một vùng áp thấp hoạt động ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Bình Định, gây mưa vừa mưa to một số nơi vùng núi và ven biển. Sau những tháng mùa khô gay gắt, cần đề phòng giông sét, lốc xoáy, gió giật rất nguy hiểm.
tin liên quan
Cuộc sống người dân vùng lũ Hà Nội dưới ánh nến mờTây nguyên và Nam bộ mưa tập trung vào chiều và tối, giữa tuần sau có lúc mưa đêm về sáng do gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Mưa to có thể xảy ra ở Kiên Giang, Cà Mau, và bắc miền Đông Nam bộ. Miền Nam cũng cần đề phòng giông lốc và gió giật mạnh. Cuối tuần mưa sẽ giảm dần và có nắng nhiều hơn. Do độ ẩm cao nên gần sáng có sương mù trên diện rộng, có lúc kéo dài đến gần trưa mới tan dần, ảnh hưởng đến giao thông.
Về diễn biến lũ sớm đầu mùa, hai ngày qua mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm hẳn so với tuần trước, mỗi ngày chỉ tăng 1 - 3 cm. Trong vài ngày tới, mực nước ít biến đổi, qua tuần sau sẽ lên lại theo đợt triều cường đầu tháng 7 âm lịch, kết hợp với mưa trên thượng nguồn sông Mê Kông (Bắc, Trung Lào và Thái Lan). Theo dự báo, đến ngày 10.8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu và trên sông Hậu tại Châu Đốc xấp xỉ mức báo động 1. Như vậy, năm nay lũ về sớm do tổ hợp nhiều nguyên nhân, trong đó có sự cố vỡ đập thủy điện ở nam Lào. Trong tháng 8 nước có khả năng chững lại hoặc lên chậm, nhưng từ trung tuần tháng 9 lũ chính vụ sẽ đổ về nhanh hơn, đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng diễn biến lũ còn khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ngoài dự báo. Do vậy, cần gia cố đê bao chống lũ, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái.
Thời tiết mưa ẩm liên tục khiến cho nhiều loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt trên các vườn sầu riêng ở Tây nguyên, Nam bộ bị bệnh thối thân xì mủ trong điều kiện trồng dày, tán rậm, bón phân thừa đạm và thoát nước kém.
Đối với các vùng sản xuất 3 vụ ở ĐBSCL đang xuống giống vụ lúa thu đông theo lịch thời vụ từ ngày 1.8 - 15.9 ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An cần tranh thủ gia cố đê bao, tiêu úng vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh rạch ngoài đê bao. Các đối tượng gây hại cho lúa và hoa màu, cây ăn trái có xu hướng gia tăng, đặc biệt là rầy nâu, bệnh đạo ôn lá - cổ bông, ốc bươu vàng và bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu.
Bình luận (0)