Miền Nam chuyển mình nhờ điện

10/06/2014 09:43 GMT+7

Nguồn điện ổn định, đầy đủ được xem là nhân tố then chốt giúp các tỉnh thành phía Nam có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội.

Miền Nam chuyển mình nhờ điện

Bảo trì đường dây tại Vĩnh Long, góp phần cung cấp nguồn điện ổn định, đầy đủ cho nhu cầu phát triển - Ảnh Đình Tuyển

Đầu tư toàn diện

Những năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vẫn có nhiều nỗ lực đáng khích lệ để đảm bảo nguồn điện ổn định, đầy đủ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tính riêng năm 2013, EVN SPC đã đóng điện và đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng, góp phần đủ điện cho khu vực phía Nam, như: trạm biến áp phân phối 220 kV Sa Đéc, Cần Đước, Long Xuyên, tổng công suất 750 MVA. Hoàn thành và đóng điện 39 công trình lưới điện 110 kV, với hơn 230 km đường dây 110 kV và tổng công suất trạm hơn 1.000 MVA… EVN SPC cũng đưa vào vận hành gần 300 công trình lưới điện với khối lượng gần 2.700 km đường dây trung - hạ thế, tổng công suất trạm phân phối là hơn 111 MVA…

Nhờ những đầu tư trên mà sản lượng điện thương phẩm của EVN SPC liên tục tăng vọt. Nếu như năm 2009, điện thương phẩm chỉ đạt 19,6 tỉ kWh thì đến nay, sản lượng này đã lên đến gần 40 tỉ kWh. Những kết quả rất có ý nghĩa này của ngành điện miền Nam đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Theo EVN SPC, năm 2013, Tổng công ty đã đầu tư gần 4.300 tỉ đồng để thực hiện sửa chữa lớn và xây dựng lưới điện. Đây là con số không hề nhỏ nhưng bù lại năng lực truyền tải được tăng cường, chất lượng điện áp được cải thiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phụ tải của khách hàng. Chưa kể, những nơi đèo cao heo hút hay những cồn bãi cách xa thị trấn, thị tứ, đất liền hàng chục, hàng trăm cây số, lưới điện quốc gia cũng đã được đưa đến tận mọi ngõ ngách ở từng xóm, ấp. Nhiều dự án như cấp điện cho các hộ đồng bào Khmer; dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn; đường dây cấp điện cho Phú Quốc… cũng đã và đang mang lại những hiệu quả to lớn, tích cực.

Công, nông nghiệp chuyển mình

Trong số các tỉnh thành phía Nam, Long An được xem là một trong những nơi có ngành công nghiệp phát triển nhanh và mạnh nhất. Nhiều vùng đất trũng nhiễm phèn hoang hóa nay đã hình thành nên những khu công nghiệp, cụm công nghiệp sầm uất như: khu công nghiệp Nhựt Chánh, Thạnh Đức, Tân Bửu, Cầu Tràm, Long Hậu… Một trong những nền tảng quan trọng của ngành công nghiệp Long An là hạ tầng về điện tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều được đầu tư trước một bước. Tương tự, tại các tỉnh thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ, nguồn điện đảm bảo đang góp phần giúp các địa phương này đẩy mạnh phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng, bền vững.

Không chỉ cung cấp điện cho công nghiệp chuyển mình, các công trình đầu tư của ngành điện miền Nam còn mang ánh sáng văn minh về nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo… 98% hộ dân nông thôn vùng sâu, vùng xa, biên giới có điện sử dụng thực sự là một kỳ tích của ngành điện nếu nhìn lại khoảng 15 năm trước.

Bên cạnh đó, nguồn điện ổn định cũng là bệ phóng vững chắc để nông nghiệp phát triển. Đơn cử tại ĐBSCL, EVN SPC hiện đang triển khai nhiều đề án cấp điện cho các trạm bơm điện, tiếp tục thực hiện mục tiêu điện khí hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là mô hình cánh đồng mẫu lớn do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang khởi xướng, đang thu hút sự quan tâm của ngành nông nghiệp cả nước. Theo kế hoạch, những năm tới, công ty này sẽ phát triển 12 cụm nhà máy chế biến so với 5 cụm hiện có, mở rộng vùng trồng lúa nguyên liệu lên hơn 300.000 ha so với khoảng 100.000 ha hiện nay và ngành điện chính là người bạn đồng hành quan trọng góp phần vào sự vận hành mô hình này.

Chưa kể, tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, hàng chục ngàn ha thanh long được chong đèn rực sáng cho trái quanh năm, góp phần giúp nhà nông có những vụ mùa bội thu, cuộc sống thêm ấm no mỗi ngày.

Đ.Tuyển - Đ.Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.