Miền Tây cần khẩn vật tư y tế chống dịch Covid-19

Theo ghi nhận của Thanh Niên , trong ngày 9.10 và sáng 10.10, lượng người đi xe máy về các tỉnh miền Tây đã 'hạ nhiệt' so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, áp lực về đón tiếp, sinh kế, vắc xin, thiết bị y tế vẫn chưa giảm.

Theo ghi nhận của ngành chức năng An Giang, từ 1.10 đến nay, lượng người về địa phương bằng xe máy hơn 50.000 người.

Đồng Tháp kiến nghị hỗ trợ sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, vắc xin để tiêm cho người dân về quê

Trần Ngọc

Để tránh quá tải các khu cách ly người dân từ vùng dịch trở về địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh sau khi phân loại, xét nghiệm sàng lọc, nếu người dân âm tính với Covid-19 thì cho về cách ly y tế tại nhà và phân công cán bộ cơ sở giám sát chặt việc tự cách ly.

Bản tin Covid-19 ngày 9.10: TP.HCM đã qua đỉnh dịch | Chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ em

Đồng Tháp mong Trung ương sớm hỗ trợ

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 9.10, tỉnh tiếp nhận gần 1.000 người dân tự phát về quê, nâng tổng số người dân về tỉnh từ ngày 1 - 9.10 hơn 29.000 người. Qua khảo sát, trong số người về Đồng Tháp có 21% là lao động tự do; 66% là công nhân và gần 13% là học sinh, sinh viên, người lớn tuổi.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh xác định phải hỗ trợ chu đáo cho người dân về quê. Tuy nhiên, địa phương cũng chịu nhiều gánh nặng về chi phí đón tiếp, hỗ trợ người dân… Tỉnh đã yêu cầu khảo sát lại nhu cầu việc làm của người dân về quê để dạy nghề hoặc kết nối các doanh nghiệp giải quyết việc làm nếu người dân muốn ở lại tỉnh làm việc. Đối với trẻ em về tỉnh thì phải kết nối cho các em học hành để không đứt gãy việc học”.

Đồng Tháp hiện khó khăn về sinh phẩm, hóa chất, thiết bị xét nghiệm và nguồn vắc xin để tiêm cho người dân về quê, rất mong T.Ư sớm hỗ trợ”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hàng chục ngàn người dân trở về Đồng Tháp

TRẦN NGỌC

Sóc Trăng cần nhiều vật tư y tế, vắc xin

Trong ngày 9.10, tỉnh Sóc Trăng chỉ ghi nhận có khoảng vài trăm trường hợp người dân tự phát về quê, giảm đáng kể so với tuần lễ đầu tháng 10.2021, với trên 40.000 người.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, phần lớn những người tự phát về quê chưa tiêm vắc xin hoặc chỉ tiêm được 1 mũi; số người bị mắc Covid-19 khá nhiều, gây áp lực rất lớn đến công tác phòng chống dịch của địa phương; đồng thời gây quá tải cho các cơ sở cách ly, điều trị từ tỉnh đến cơ sở.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi văn bản đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 10 bác sĩ, 100 điều dưỡng, 500.000 test nhanh kháng nguyên, 100.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm PCR, 50 máy thở các loại; 100.000 bộ trang phục phòng, chống dịch cấp 3; 100.000 liều vắc xin Moderna và 900.000 liều vắc xin khác.

Do lượng người tự phát về quê quá lớn, Sóc Trăng phải kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp nhân lực, sinh phẩm, thiết bị y tế, vắc xin

Trần Thanh Phong

Cà Mau lo sinh kế lâu dài cho người về

Tại Cà Mau, tính từ 6 giờ đến 14 giờ ngày 9.10 chỉ ghi nhận 313 người dân từ các tỉnh thành khác về quê bằng xe máy, giảm sâu so với những ngày trước đó, với 23.273 người.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, cho biết: "Do lượng người dân Cà Mau từ các nơi tự phát về quê tăng đột biến, nên bên cạnh việc sử dụng các khu cách ly tập trung đã chuẩn bị, tỉnh đã phải trưng dụng hầu như các điểm trường học có điều kiện thuận lợi để làm nơi cách ly tập trung. Tỉnh cũng hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày cho các bếp ăn tập thể (tổ chức tại các khu cách ly tập trung) để chăm lo bữa ăn cho người dân”.

Cũng theo lời ông Nguyễn Tiến Hải, dù số lượng người dân về Cà Mau hiện nay đã giảm, nhưng có thể sẽ vẫn còn nhiều người tiếp tục về trong thời gian tới. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị của tỉnh rất hạn chế nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu lượng người về địa phương tiếp tục tăng.

"Ngoài việc chống dịch, lo lắng an toàn cho bà con, thì tỉnh cũng đang phải tính đến công ăn việc làm cho bà con khi họ quay về địa phương và cách ly xong. Tỉnh đang bắt tay vào khảo sát, thống kê ai có đất sản xuất, ai không có đất sản xuất; ai có nghề liên hệ doanh nghiệp xin việc làm, ai chưa có nghề, phải đào tạo... Đặc biệt, là lo chuyện học hành của con em họ trong thời gian tới", ông Hải chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.