Hoạt động nuôi tôm trở thành nghề chính của bà con nông dân ở các tỉnh ven biển miền tây Nam bộ, đặc biệt là ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tôm nuôi gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trong đó giá trị kinh tế của tôm sú cao hơn, thường được coi là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn đem lại nhiều lợi nhuận cho cả nông dân và nhà thu mua chế biến.
Thế nhưng trong nhiều năm qua, có một số đại lý thu mua ở gần các vùng nuôi tôm làm ăn ma mãnh, nghe lời xúi giục của các thương lái Trung Quốc giấu mặt trá hình, đã giành thu mua tôm sú với các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Họ bơm tạp chất vào thân tôm bán cho thương lái Trung Quốc, khi thương lái Trung Quốc không thu mua thì lại lén tuồn ra thị trường trong nước. Hậu quả của việc làm phi pháp này thật tai hại, không hiểu sao các tỉnh trị không nổi, gây ảnh hưởng nặng nề đối với một ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ven biển miền Tây.
Tạp chất bơm vào tôm căn bản có hai loại - loại bột trắng CMC đổ nước vào quậy ra như keo (hồ) nhão và loại nước Aga có thể pha với thạch rau câu. Không hiểu ngành công thương quản lý như thế nào mà các tạp chất này được bán lềnh khênh từ các tiệm bánh pía danh tiếng ở ngã ba Vũng Thơm (Sóc Trăng) đến các tiệm tạp hóa bình thường nằm sâu trong các vùng nuôi tôm sú ở các tỉnh. Cần mua tạp chất, cứ hỏi loại “bột bơm tôm” là các chủ tiệm đưa ra ngay, không ngại ngùng, không e sợ.
tin liên quan
Dùng hóa chất công nghiệp làm giá đỗNgày 14.7, tin từ Công an TP.Cần Thơ cho biết cơ quan này đã kết hợp cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ) tiến hành kiểm tra, phát hiện 3 cơ sởsản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
Hãy lấy thí dụ về bột CMC - mà người buôn bán thường gọi tắt là chất C. Mỗi ký CMC giá 100.000 đồng, đổ nước vào quậy đặc hay lỏng tùy đơn đặt hàng của thương lái, có thể “chế biến” tăng trọng lượng 100 kg tôm sú ra thành 120 kg. Giá mỗi ký tôm sú hiện nay là khoảng 180.000 đồng, bơm tạp chất vào có thể thu lợi thêm 20%, nghĩa là một tấn tôm có thể lãi tại chỗ 36 triệu đồng. Con tôm ấy bị ta gọi là “tôm bẩn” nhưng biết làm sao được, chính thương lái Trung Quốc đặt hàng đại lý bơm mà !
Tạp chất bơm vào thân tôm sú (đã bỏ đầu) khiến con tôm mập lên, nhìn rất óng ả, riêng hai cánh đuôi xòe ra hai bên coi rất đẹp. Có lẽ thương lái Trung Quốc là những con người... duy mỹ hoặc ít ra cũng có đầu óc thẩm mỹ cao, ưa chuộng con tôm đẹp để xuất khẩu về Trung Quốc “phục vụ” cho thực khách của họ? Tạp chất nằm trong thân tôm được ướp lạnh công nghiệp đông cứng lại, giữ cho con tôm tươi đẹp mặn mà cho đến khi… nằm trên chảo lửa.
Việc bơm tạp chất vào tôm biến những nữ nông dân chất phác của miền Tây trở thành các “y tá” bất đắc dĩ mà thủ pháp sử dụng kim tiêm, nhận huyệt đạo con tôm để tống lượng tạp chất vào thân tôm là rất lành nghề. Chị y tá trong bệnh viện chích nhiều lắm mỗi ngày vài chục mũi, chích xong mỗi người bệnh đều bỏ ống, bỏ kim, dùng thứ mới cho người khác. “Y tá” bơm tôm chích mỗi ngày cả chục ngàn mũi, mỗi con tôm chích ba mũi, chích riết kim cong thì đổi kim mới để… chích nữa.
Thấy việc chích tôm kiểu này còn tiểu thủ công quá, nhiều đại lý mua máy áp suất về, gắn cả chục cây kim, quậy tạp chất đổ vào lòng máy. Máy hoạt động làm tăng áp suất, đẩy tạp chất lên ống dẫn, ống dẫn đưa tạp chất ra kim. Các “y tá” tôm chích lia lịa mà không tốn thời gian hút tạp chất vào kim và ống. “Công nghệ” chích tạp chất vào tôm đã được hiện đại hóa một bước rất gớm ghiếc, đẩy năng suất lên cao vòi vọi.
Tôm chích tạp chất được gọi là tôm bẩn. Một nhà nghiên cứu vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết con tôm bẩn ở chỗ các tạp chất thường chứa con E. coli gây ra bệnh đường ruột. Con tôm bị chích CMC hay Aga lại dư chất kháng sinh cloramphenicol! Mà đâu phải chỉ có tôm sú ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau mới bẩn. Ở Phú Yên, các thương lái Trung Quốc cũng đặt hàng như vậy và đại lý cũng làm y như vậy. Nói chung con tôm sú của ta chết rồi mà vẫn được các “thầy thuốc” quan tâm “chữa bệnh”!
Điều lạ là trước đây, các đơn vị quản lý thị trường từng bắt được nhiều đại lý chích tạp chất và đã xử phạt hành chính. Nhưng không hiểu sao tình trạng chích tạp chất vào tôm nay lại công khai hoạt động, y như là một nghề chính đáng như vậy! Xem phóng sự của các đài truyền hình, thấy các chủ đại lý tỉnh bơ, các “y tá” chích tôm tỉnh bơ, lại còn tranh thủ giảng giải cách chích, cách pha chế tạp chất làm sao cho đạt yêu cầu. Một vị phó chủ tịch tỉnh thì phát biểu rằng tình hình chích tạp chất vào tôm là khá phức tạp và đang lan rộng!
Chích tạp chất vào tôm gây ra thiệt hại lớn cho ngành chế biến, xuất khẩu tôm sú. Phần lớn những công ty xuất khẩu tôm sú ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau không mua được tôm sú để chế biến. Cái chính là họ không cạnh tranh nổi với các đại lý thu mua tôm sú theo ý muốn của các thương lái Trung Quốc đang ăn dầm nằm dề trong các vùng nuôi tôm. Thương lái Trung Quốc cứ mua sa cạ, lớn nhỏ mua tuốt trong khi các nhà máy xuất khẩu thì mua theo kích cỡ, trọng lượng.
Chính vì vậy, các đơn vị chế biến xuất khẩu mua được tôm thẻ chân trắng thì nhiều, số lượng tôm sú ngày càng ít. Có nhà máy mỗi ngày chế biến được 30 tấn thẻ chân trắng, trong khi tôm sú chỉ đạt 5 tấn. Nhiều vị lãnh đạo các nhà máy chế biến xuất khẩu đã đặt thẳng câu hỏi với lãnh đạo các địa phương rằng tại sao tình trạng thu mua bất hợp pháp ngang nhiên diễn ra như vậy. Theo họ, việc chích tạp chất vào tôm sú là hành vi gian lận thương mại và phải bị xử lý hình sự chứ không thể xử lý hành chính bình thường.
Việc chích tạp chất làm mất uy tín kinh doanh mặt hàng tôm sú VN. Một nhà kinh doanh của Hiệp hội Xuất khẩu tôm Nhật Bản cho biết nếu cứ chích tạp chất kiểu này thì hiệp hội sẽ không thu mua con tôm sú VN nữa. Có ba lý do khiến ông e ngại: (1) đó là thực phẩm bẩn; (2) đó là thực phẩm có hại cho sức khỏe và (3) là hành vi gian lận thương mại. Nhà kinh doanh đã nói thẳng thắn, hết lòng hết dạ như vậy vì mong muốn hoạt động thu mua, chế biến tôm sú của chúng ta ngay ngắn lại. Không hiểu chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng nghĩ sao mà cứ buông thả cho… con tôm sú “phồn vinh giả tạo” vì tạp chất.
Ngay đến bà con nông dân nuôi tôm sú cũng rất đau khổ vì tình trạng bơm chích tạp chất này. Được sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn về nuôi tôm, họ đã chọn giống tốt, nuôi tôm với những giải pháp sinh học, không cho tôm ăn thực phẩm có chất kháng sinh, gìn vàng giữ ngọc cho con tôm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trên thực tế, đến ngày tháng thì họ bán, ai mua trả giá tốt thì họ bán. Chính họ cũng không ngờ con tôm sạch của mình đi vào đến chỗ chế biến của đại lý lại trở thành con tôm bẩn. Và nếu uy tín con tôm sú VN bị mất trên thương trường quốc tế thì sau này họ làm sao yên tâm nuôi nữa?
Người tiêu dùng trong nước hãy thận trọng khi mua loại tôm sú - con tôm có những vằn xanh trên lưng, đã được bỏ đầu và ướp lạnh. Tốt hơn hết, bà con ta cứ mua loại tôm sú sống (còn bơi được trong nước) hay tôm sú ướp lạnh còn nguyên con, chưa bỏ đầu. Loại tôm này mình không mập, thon thả cân đối, hai nan đuôi không xòe ra. Đó mới là tôm sạch.
Bình luận (0)