Miền Trung tang thương sau lũ: Hàng trăm ngàn người cần cứu trợ khẩn cấp !

15/11/2007 01:09 GMT+7

* Đã có 36 người chết, 3 người mất tích, 27 người bị thương * Xơ xác Quảng Nam * Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp tại vùng biệt lập * Người dân "tái mặt" vì giá cả tăng vọt * Quảng Ngãi: Gạo cứu trợ vẫn chưa đến được Tây Trà

Xơ xác Quảng Nam

* 15 người chết, 1 người mất tích, 19 người bị thương, thiệt hại lên đến 1.500 tỉ đồng 
*  200.000 người đang cần cứu trợ khẩn cấp!



Nhận quà cứu trợ bằng bè chuối - ảnh: Vũ Phương Thảo

Chiều 14.11, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, xác nhận trong đợt lũ có đến 15 người chết, 1 người mất tích và 19 người bị thương nặng. Mưa lũ đã làm trên 3.600 ngôi nhà, phòng học, trạm y tế bị sập đổ, cuốn trôi. Dù đã cảnh giác cao độ nhưng do nước ngập quá sâu (85 xã có lũ với 130.000 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1 đến 4 mét) nên đã có 15.000 tấn lương thực, 2.000 tấn lúa giống trong dân bị hư hỏng và cuốn trôi; trên 2.000 ha lúa, 3.000 ha ruộng bị bồi lấp, 500 nghìn cây lâm nghiệp bị ngã đổ, 48 tàu cá bị chìm và mất tích, 1,2 triệu con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 550 công trình thủy lợi lớn nhỏ bị cuốn trôi, hư hỏng; 250 cầu cống các loại bị sập; 52 trạm biến áp điện, 30 km đường dây trung, hạ thế và hàng trăm km đường dây thông tin liên lạc bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do đợt lũ này của Quảng Nam lên đến 1.500 tỉ đồng.

Ngay trong mưa lũ, tỉnh Quảng Nam đã huy động 5.500 cán bộ, chiến sĩ cùng 70 phương tiện đến các khu vực trọng điểm để giúp đưa 70.000 người dân vùng ngập lũ sơ tán đến nơi an toàn và đưa hàng trăm tấn hàng của người dân về nơi an toàn. Tỉnh cũng đã kịp thời xuất 900 tấn gạo dự trữ, hàng chục tỉ đồng cùng số gạo, mì tôm của Chính phủ hỗ trợ, kịp thời đưa về từng xã, phường chống thiếu đói cho dân vùng lũ. 

Chiều qua, 14.11, Trung đoàn trực thăng C54, Sư đoàn Không quân B72 đã dùng 2 máy bay trực thăng chở 500 thùng mì tôm hỗ trợ cho H.Quế Sơn. Tại vùng tây Quế Sơn, có 2 thôn Tý Bôi và Cấm La (xã Quế Lâm) đang bị cô lập. Địa phương đã chuyển hơn 10 tấn lương thực và nước uống lên cứu đói cho người dân 5 xã vùng tây của huyện. Cũng trong hôm qua, hơn 5.000 chiến sĩ của các lực lượng công an, biên phòng, quân đội và lực lượng xung kích tại Quảng Nam đã tham gia cứu trợ, cấp phát lương thực, khắc phục hậu quả lũ lụt. 

Các nhóm công tác xã hội Báo Thanh Niên cùng với bạn đọc đã và đang tiến hành các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị nạn do lũ lụt ở những nơi tang thương nhất. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp cùng bạn đọc trong và ngoài nước tiếp tục góp sức nhiều hơn nữa mới có thể cứu giúp một phần sự khốn cùng của hàng trăm ngàn đồng bào ta đang trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn thiếu mặc và đối mặt với bệnh tật đang hoành hành.

Mọi sự đóng góp xin gửi về tòa soạn và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trong cả nước.

Thanh Niên

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện cả tỉnh có đến 200.000 người đang cần cứu trợ khẩn cấp mà nguồn dự trữ của địa phương đã cạn kiệt.  

 UBND tỉnh Quảng Nam đã quy định mức hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt trong đợt thứ 4, ngày 11.11. Theo đó, địa phương hỗ trợ thiệt hại với mức: 3 triệu đồng/trường hợp cho gia đình có người chết, mất tích; 1 triệu đồng cho người bị thương nặng. Những gia đình có nhà ở chính bị sập, trôi, hư hỏng hoàn toàn được hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà; đồng thời trợ giúp cứu đói đối với những gia đình thật sự khó khăn theo mức 10 kg/người/tháng.

Hồ Trọng - H.X.Huỳnh

Mất tàu thuyền, ngư dân "chìm trên cạn"

Cho đến chiều qua 14.11, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, số tàu thuyền bị nhấn chìm, trôi ra biển khi đang trú ẩn tại âu thuyền Hồng Triều (H.Duy Xuyên) là 62 chiếc, tập trung ở xã Bình Minh, Bình Dương (H.Thăng Bình) và Duy Hải (H.Duy Xuyên).  

Chiều qua, Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trương Công Hùng vừa rời cuộc họp "bàn cách cứu tàu, cứu ngư dân" đã đưa ra số liệu đáng lo ngại: 36 tàu của ngư dân đã bị chìm! Ông Hùng than thở: "312 ngư dân đang mất tàu, cũng có nghĩa 1.212 nhân khẩu thiếu đói theo. Chúng tôi vừa đề nghị huyện cứu tế đột xuất cho họ. Các đoàn thể thì chia nhau đến động viên người dân, nhiều người khóc lóc suốt mấy ngày nay". Lo ngại lớn nhất với Bình Minh vẫn là nợ vay. Khoảng 10 tỉ đồng đã bị lũ cuốn, ngư dân chờ ngày được ra khơi để vớt vát ít lưới mành và tìm cách trục vớt tàu. "Họ rất cần cơ chế vay ưu đãi nào đó để được tiếp tục ra khơi" - ông Hùng đề nghị.

Trước đó Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã xác định có đến 72 tàu thuyền của ngư dân bị chìm hoặc trôi dạt. Còn theo BĐBP Quảng Nam, ngoài 15 chiếc tàu và 43 ngư dân Duy Hải được ứng cứu đưa ra trú ẩn tại Cù lao Chàm, vẫn còn hơn 60 chiếc khác bị lũ cuốn chìm...  

Lúc này, ở Quảng Nam, cuộc truy tìm tàu mất tích cũng cấp thiết như việc tìm giải pháp để "cứu" hàng trăm ngư dân đang trắng tay. 

Hứa Xuyên Huỳnh

Người dân "tái mặt" vì giá cả tăng vọt

Trong khi lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vượt đỉnh năm 1999, thì giá cả tiêu dùng tại các vùng này trong những ngày qua cũng nhanh chóng vượt đỉnh...

Trong những ngày qua, giá cả trên thị trường Đà Nẵng tăng chóng mặt. Nhiều mặt hàng giá lên gấp rưỡi, có nơi tăng gấp đôi so với thời điểm mới xảy ra lụt lội, tập trung chủ yếu là thịt heo, thịt gà, đường, mì ăn liền và rau xanh. Giá thịt heo nạc từ 5.000đ/lạng nay dao động từ 6.500 - 8.000 đ/lạng (trong ngày 12-13.11, khi lụt lội còn hoành hành giá mặt hàng này có nơi tăng đến 10.000đ/lạng), thịt bò từ 70.000đ/kg, nay đã tăng lên 120.000đ/kg; giá thịt gà tam hoàng từ 45.000đ/kg nay tăng lên 55.000-60.000đ/kg, rau xanh tại các chợ từ 2.000đ nay tăng trung bình lên 5.000 -7.000 đ/bó; mì tôm, sữa đều tăng từ 8.000-10.000đ/thùng... Giá gạo là mặt hàng tăng đột biến nhất. "Trước lụt, cầm 30.000đ cũng đủ đi chợ cho nhà 3 người ăn cả ngày, giờ bước ra chợ 50.000đ, bữa ăn cũng chẳng ra gì. Nếu không khống chế giá cả tiêu dùng, ai mà sống nổi!" - chị Lê Thị Hoa, nhà ở P.Hòa Cường, Q.Hải Châu thở dài trước chiếc giỏ vẫn còn trống trơn.

Hiện nhiều vùng của Quảng Nam vẫn đang còn bị cô lập. Tại nhiều huyện của Quảng Nam, hiện người dân có tiền cũng không mua được gạo để ăn. Có hộ chứa gạo trong chum cho an toàn thì chum trôi mất, còn số gạo chứa trong bao thì cũng không dùng được sau 3 ngày dầm trong nước lũ. Mì tôm ở những vùng sâu, vùng xa của Quảng Nam lại càng khó mua, vì xe hàng vẫn chưa thể vào được, giá mì đứng ở mức cao từ 3.000đ-5.000đ/gói. Tại vùng lũ, giá cả các loại hàng hóa khác cũng tăng chóng mặt. Không chỉ có gạo, thịt, rau mà các loại thực phẩm như mắm, muối, tiêu đường cũng tăng thêm từ 2.000đ-3.000đ/kg. Đặc biệt là nước uống, từ 8.000đ/bình 20 lít, nay đã tăng lên 20.000đ/bình. Dầu hỏa và pin là 2 mặt hàng hiếm, và tăng giá cao nhất từ trước đến nay. 

D.H - V.P.T - B.N.L

Đến vùng biệt lập

Đến với bà con vùng lũ - ảnh: Lê Văn Thọ

Ngày 14.11, đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Đức Mạnh đã đến với người dân vùng lũ Điện Phong, Điện Phương, 2 địa phương bị ngập sâu nhất của huyện Điện Bàn (Quảng Nam). 

Lũ chồng lên lũ. Nước rút. Mất mát chồng chất tang thương. Mặc dù nước đã rút khá nhiều nhưng đến chiều 14.11, một số thôn của xã Điện Phong vẫn còn bị chia cắt. Bà Nguyễn Thị Dân (68 tuổi), bán nước ngay bên cạnh bến tập kết hàng của đoàn cứu trợ thẫn thờ: "Chừng này tuổi đầu, lần đầu tiên tôi thấy nước lớn và lên nhanh như vậy. Chắc chắn là cao hơn cả lụt năm 64. Ở ngoài này gần đường lớn còn đỡ, mấy cô mấy chú cố gắng giúp bà con ở trong đó (thôn Thy Phương, Gò Nổi) được chừng nào quý chừng ấy". 

Vào thôn Thy Phương, Điện Phong đến lúc này phương tiện duy nhất cũng vẫn là ghe. Nước rút dần để lộ những rặng tre, cây cối bạc trắng phù sa, bèo và rác hãy còn vương mắc kín trên cành. Bốn chuyến ghe chở 700 thùng mì tôm và 700 thùng nước vừa cập bến đội 13, thôn Thy Phương, bà con vui mừng ùa ra đỡ giúp. Từ người lớn cho đến thanh niên, trẻ em đều phụ đoàn vác những thùng hàng cứu trợ cập đất liền trong sự vui mừng khôn xiết. Không thể trực tiếp cầm trên tay thùng hàng cứu trợ bởi tay trái đã bị gãy trong lúc dọn lũ, chị Phạn Thị Sáu, 46 tuổi rưng rưng. Hoàn cảnh gia đình chị thuộc vào hộ đặc biệt của thôn vì một nách, chị nuôi 2 đứa con nhỏ cùng 2 đứa cháu ruột mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những hạt gạo làm nông được người đàn bà còm cõi này tích cóp nuôi chừng ấy miệng ăn. Nước lên, ruộng lúa mất trắng, căn nhà tồi tàn co ro trong lũ. Khi người đàn bà khắc khổ này cố dọn dẹp để giữ gìn tài sản ít ỏi thì bị trượt té. Con, cháu còn quá nhỏ, may có những người hàng xóm tốt bụng chèo ghe trong lũ chở chị lên bệnh viện băng bột.

"Đây là món hàng cứu trợ đầu tiên mà tôi nhận được kể từ ngày lũ", cụ Đặng Tha (75 tuổi) móm mém tâm sự. Cơn đại hồng thủy vừa rồi quả là vượt sức chịu đựng của cặp vợ chồng già sống đơn chiếc. Mấy hôm nước lớn, hai ông bà phải "bỏ của chạy lấy người", đi trú lụt ở nơi khác. Đến lúc lũ rút dần, về dọn dẹp nhà, cụ bà Nguyễn Thị Bôn (74 tuổi) - vợ ông, chẳng may bị trượt té. Đưa đi bệnh viện thì được bác sĩ cho biết bị thương đốt sống lưng, phải nằm điều trị. Đã nghèo nay lại gặp eo, ông bà ráng động viên nhau vượt qua cơn hoạn nạn. 

Hiện tại, lương thực và đặc biệt là nước sạch vẫn là nỗi mong mỏi của bà con. Vì vậy, số lương thực gồm 1.400 thùng mì và 1.400 bình nước lọc, trị giá 50 triệu đồng của đoàn cứu trợ Công ty cổ phần Đức Mạnh và Báo Thanh Niên đến đồng bào hai xã Điện Phong và Điện Phước tuy không nhiều nhưng cũng đã chia sẻ và giúp đỡ bà con kịp thời.

Vũ Phương Thảo

Quà của bạn đọc Thanh Niên  đến với đồng bào

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi (giữa) trao 10 triệu đồng của bạn đọc Báo Thanh Niên cho gia đình nạn nhân Trần Quang Nhân

Hôm qua 14.11, đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh Quảng Ngãi và Đài PTTH tỉnh này tổ chức đợt cứu trợ đồng bào vùng lũ Quảng Ngãi. Điểm đến đầu tiên là xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Chỉ cách TP Quảng Ngãi hơn 5 km, nhưng đời sống của bà con nơi đây hết sức khó khăn. Phó chủ tịch UBND xã Bùi Tấn Đức cho biết, mấy ngày qua, có gần 1.000 nhà dân ngập lũ, hư hỏng nặng; hàng trăm ha hoa màu bị mất trắng. Ước tính thiệt hại gần 1 tỉ đồng. "Nước vừa mới rút thì Báo Thanh Niên đã có mặt chia sẻ sự mất mát của bà con", ông Đức nói. 

Đợt cứu trợ của Báo Thanh Niên đã trực tiếp chuyển 150 phần quà gồm tiền mặt và mì tôm (tổng trị giá hơn 30 triệu đồng) cho 150 hộ gia đình đang gặp khó khăn nhất. Người đến trụ sở UBND xã nhận hàng cứu trợ chủ yếu là các ông già, bà lão. Hoàn cảnh của cụ Ngô Thị Liễu, 80 tuổi, khiến mọi người có mặt đều cảm thương. Con cháu bươn bả đi làm ăn xa, chồng cũng đã qua đời từ lâu, bà Liễu côi cút một mình sống cậy nhờ lối xóm. Bà rất khó khăn xoay xở giữa lúc nguy khó. Bà Liễu tâm tình: "Hay tin Báo Thanh Niên về cứu trợ, được nhận quà tui mừng lắm. Quan tâm đến những cảnh đời đơn chiếc như tui quả thật là việc làm khiến bà con không thể nào quên". 

Cũng trong hôm qua, dù bận rộn với công tác kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trương Ngọc Nhi vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa để cùng Báo Thanh Niên trực tiếp đi thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền cho gia đình nạn nhân bị thiệt mạng vượt qua khó khăn. Tại xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, thay mặt đoàn cứu trợ, ông Trương Ngọc Nhi đã trao số tiền 10 triệu đồng cho ông Trần Nhuận, 43 tuổi (bố của nạn nhân Trần Quang Nhân, 23 tuổi). Ông Trương Ngọc Nhi chân thành: "Thời gian qua, Báo Thanh Niên đã luôn sát cánh cùng đồng bào nghèo Quảng Ngãi. Nhiều cảnh đời đã được cứu giúp hiệu quả, xây dựng nhiều căn nhà tình thương... Chúng tôi rất ghi nhận nghĩa cử của Báo Thanh Niên và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Lúc hoạn nạn thì điều quý nhất là tinh thần tương thân tương ái. Tỉnh cũng sẽ cố gắng hết mình để sớm ổn định cuộc sống của bà con". 

VP đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung đã phối hợp với các đơn vị, cá nhân sau đưa hàng cứu trợ đến vùng lũ lụt: 

- Công ty cổ phần Dệt-May 29-3 ( Đà Nẵng): 30 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt và 20 triệu đồng hàng hóa) hôm nay 15.11 lên huyện Quế Sơn, Quảng Nam.  

 - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng khu công nghiệp và đô thị QN-ĐN: 1.100 thùng mì trị giá 15 triệu đồng, hôm qua đã đến các xã Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc (thuộc huyện Điện Bàn).

 - Khu du lịch Palm Garden Resort đưa 600 thùng mì đến từng hộ dân 3 xã Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang tại khu vực Gò Nổi (Quảng Nam) đang còn bị cô lập.  

 - Ông Đinh Gia Thắng, tặng 100 thùng mì và 30 két nước tinh khiết cho quê hương Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. (T.Đ.T)

Đình Phú - Thái Anh

Quảng Ngãi: Gạo cứu trợ  vẫn chưa đến được Tây Trà 

Gần 9.000 người có nguy cơ đói, 3.000 người cần phải di dời khẩn cấp

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 14.11 cho biết đợt lũ mới nhất toàn tỉnh có 9 người chết, 5 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập. Hiện vẫn còn 5.600 căn nhà bị ngập lụt. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 44 tỉ đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị hủy bỏ các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt với phương châm "nước rút đến đâu, khắc phục đến đó", huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tu sửa hệ thống thủy lợi, giao thông, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, nhất là ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp, xử lý kịp thời tình trạng tăng giá, bình ổn thị trường. 

Đà Nẵng: Tiếp tục chi viện thêm 100 tấn gạo cho các vùng đang còn ngập lụt. Riêng vấn đề nước uống, sáng hôm qua, 14.11, 13 xe tải, xe của lực lượng cứu hỏa... đã chuyển nước đến phục vụ cho đồng bào vùng lũ. Xã Hòa Khương đã bắt đầu xuất hiện hơn 50 người bị bệnh đau mắt đỏ, 3 người mắc bệnh tiêu chảy.  

Thừa Thiên-Huế: Ngoài 2 người chết đã thông tin, đến chiều qua 14.11, tại Thừa Thiên-Huế đã có thêm 1 người chết là bà Trương Thị Mai, 80 tuổi, ở thôn Lại Thế Thượng, xã Hương Vinh, H. Hương Trà. Ngoài ra, tại thôn Xước Dũ, xã Hương Hồ (H.Hương Trà) cũng đã có một người mất tích là anh Trần Văn Hiệp, 40 tuổi. 

Bùi Ngọc Long

Chiều cùng ngày, ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, mưa đã dứt nhưng việc cứu đói khẩn cấp cho hàng ngàn hộ dân vẫn chưa thể triển khai được vì tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đều bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Riêng trên tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà vẫn còn 5 điểm có nguy cơ sạt lở cực kỳ nguy hiểm. Do vậy 265 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp của UBND tỉnh hỗ trợ vẫn chưa lên được Tây Trà, hơn 8.800 người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói. Trong khi chờ thông đường, trước mắt, huyện Tây Trà xuất 20 tấn gạo dự trữ tại chỗ cứu trợ khẩn cấp cho dân nhưng chậm nhất đến 16.11 mới có thể cấp gạo cho dân hai xã Trà Thanh và Trà Nham.  Theo báo cáo của Chi cục HTX và PTNT, toàn tỉnh xuất hiện 16 điểm ở vùng núi, ven sông có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Do vậy trên 743 hộ dân, hơn 3.000 nhân khẩu cần phải được di dời khẩn cấp.

Hiển Cư - Thái Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.