Miền Trung ứng phó bão số 7

23/11/2007 11:53 GMT+7

(TNO) Khi những thiệt hại nặng nề trong các đợt lũ lụt liên tiếp vừa qua còn chưa kịp khắc phục, giờ đây, người dân miền Trung lại phải tiếp tục đương đầu với 2 cơn bão số 7 và số 8 đang tiến vào đất liền. Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online vào sáng 23.11, các địa phương đang tích cực triển khai chống bão.

Bình Định: Trăm nỗi lo khi bão ập đến

8 giờ sáng 23.11, UBND tỉnh Bình Định đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với sự có mặt chỉ đạo của 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện và Lê Hữu Lộc. Giám đốc các sở, ban ngành và lãnh đạo 11 huyện, thành phố đều đến dự để cùng bàn biện pháp ứng phó bão số 7 đang đe doạ đến đất liền.

Diễn biến hết sức phức tạp cộng với cường độ bão số 7 có thể giật mạnh đến cấp 12 khiến mọi người đều lo lắng. Tỉnh Bình Định vừa trải qua 5 trận lụt kinh hoàng, 28 người chết, thiệt hại hơn 300 tỉ đồng. Phần lớn người dân kiệt quệ, đang đối mặt nguy cơ thiếu đói.

Thanh niên xung kích Bình Định gia cố đê bao bảo vệ khu dân cư - Ảnh: Đình Phú

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thiện khẩn thiết đề nghị lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương tập trung thời gian, nhiệt huyết và dốc toàn lực để nhanh chóng triển khai hiệu quả các phương án phòng chống bão, giúp dân giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra; không được nói nhiều mà lại không triển khai thực hiện gì. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo PCLB tỉnh Bình Định Võ Thành Tiên lo âu: “Nhiều kho giống cây trồng của tỉnh có cơ sở vật chất không đảm bảo, tránh lũ thì được nhưng gặp bão thì sợ không trụ nổi. Cần phải tăng cường lực lượng canh quản, bằng không 47.000 ha diện tích vụ đông-xuân phải bỏ trống vì thiếu giống. Dung lượng chứa 154 hồ thuỷ lợi hiện đã “vượt đèn đỏ”, trong đó có 16 hồ bị sạt lở, hư hỏng nặng, nguy cơ đe doạ đến sự an toàn của hồ và khu dân cư là rất lớn”.

Phó giám đốc Sở Thuỷ sản Nguyễn Văn Mong bày tỏ thêm những mối bận tâm và yêu cầu các đơn vị liên quan sớm can thiệp để hạn chế thiệt hại: “Hiện các cảng neo đậu tàu thuyền ở Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan lên đến hơn 6.000 chiếc (chưa kể tàu của các tỉnh phụ cận) đã quá tải. Mật độ ken kín như vậy thì tàu thuyền sẽ bị đánh vỡ vụn khi có gió lớn. Mỗi đài dự báo bão đi mỗi hướng khác nhau nên hiện có nhiều tàu cá cứ chạy tránh trú bão luẩn quẩn ngoài khơi, rất nguy hiểm đến tính mạng ngư dân”.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Bình Định, mưa lớn trên diện rộng kể từ ngày 22.11 đến nay. Sáng 23.11, lượng mưa đo được tại An Hoà (huyện miền núi An Lão) 119mm; tại huyện ven biển Phù Cát 103mm; tại TP Quy Nhơn 62mm... Rất có thể tỉnh này phải đối mặt với bão lớn kèm lũ quét. Các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị phương án di dời dân ra khỏi các khu vực xung yếu. UBND tỉnh Bình Định đã khẩn cấp lập 2 sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 7 với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban đặt tại huyện Hoài Nhơn (phía Bắc) và TP Quy Nhơn (phía Nam).

Phú Yên: Huy động lực lượng vũ trang giúp dân

Tại tỉnh Phú Yên, sáng 23.11, Tỉnh uỷ đã quyết định hoãn họp Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để triển khai phòng chống bão số 7. Tất cả các cán bộ chủ chốt của tỉnh được phân công về các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống bão. Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã huy động toàn bộ phương tiện cùng 200 cán bộ chiến sỹ có mặt tại các vùng xung yếu để giúp dân di dời.

Bộ đội Biên phòng Phú Yên giúp dân neo đậu tàu thuyền tránh bão - Ảnh: Trình Kế

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã chuẩn bị lực lượng khoảng 300 chiến sỹ của tỉnh đội, kết hợp 160 chiến sỹ quân khu 5 đang tăng cường tại Phú Yên và 3.000 dân quân của hơn 100 xã sẵn sàng ứng phó với bão. Từ chiều nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đặt sở chỉ huy tiền phương tại Phú Yên để chỉ đạo chống bão do Thiếu tướng Trần Minh Hùng, Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ huy.

Quảng Ngãi: Cứu tàu ngư dân gặp nạn

Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này cho biết, tàu đánh cá QNg 9424 của ông Nguyễn Hữu Phước ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ trên đường tránh bão số 7 bị chết máy tại toạ độ 10 độ 21 phút kinh Bắc và 109 độ 44 phút kinh Đông thuộc vùng biển tỉnh Ninh Thuận (trên tàu có 10 lao động). Nhận được tin báo, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đề nghị Vùng IV hải quân cấp cứu.

Tàu thuyền neo đậu ken kín ở Quy Nhơn rất dễ bị đánh vỡ khi có gió lớn - Ảnh: Đình Phú

Đến chiều ngày 22.11, tàu hải quân tiếp cận được tàu của ông Nguyễn Hữu Phước và kéo về neo đậu tại tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn trên 100 tàu thuyền với trên 500 lao động đang hoạt động tại các vùng biển trong cả nước. Đáng lo ngại là còn 3 tàu với gần 40 lao động đang hoạt động trên vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa. Các phương tiện khác vẫn giữ được liên lạc với đất liền.

Trăm nỗi lo đang đè nặng lên các cấp chính quyền và người dân các tỉnh có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 7.

Đình Phú - Trình Kế - Thái Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.