Miền xa thôi thúc

12/04/2013 03:40 GMT+7

Càng đi về các miền quê xa, chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả, cực nhọc của các cô, cậu học trò nghèo; thấy được sự thiếu thốn về vật chất nhưng đầy tinh thần hiếu học của học sinh những nơi này.

Miền xa thôi thúc
PGS-TS Đặng Văn Tịnh (ĐH Y Dược TP.HCM) tư vấn tại lớp cho các em học sinh vùng xa tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Uớc mơ đỗ đạt

Chúng tôi nhớ trưa 27.1, sau khi kết thúc tư vấn truyền hình trực tiếp tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoàn tư vấn của Báo Thanh Niên gồm hơn 30 trường ĐH, CĐ đã không quản ngại thời tiết nắng nóng và sự mệt mỏi, tiếp tục lên xe đi thêm hơn 60 km để đến với học sinh (HS) huyện miền núi Bù Gia Mập.

Những nỗi vất vả tan mất khi chúng tôi nhìn thấy HS lớp 12 của Trường THPT Võ Thị Sáu ngồi trong lớp đợi đoàn tư vấn. Đây là HS khối 12 đầu tiên của trường, hầu hết có gia cảnh nghèo khó. Phó hiệu trưởng Đinh Đức Lâm kể: “Vì gia đình các em đều khó khăn nên hằng năm chúng tôi phải đợi đến mùa thu hoạch điều mới thu được học phí. Nếu vụ mùa thất thu, các em không có tiền đóng, nhà trường cũng không nỡ để các em nghỉ học”.

Hoàn cảnh như thế nhưng HS ở đây vẫn luôn lạc quan và nuôi dưỡng ước mơ đỗ đạt. “Các em đạp xe mấy chục km đi học nhưng hiếm ai bỏ buổi nào. Mỗi khi có thông tin mới về kỳ thi, chúng tôi đều phổ biến cho các em, tuy nhiên chắc chắn chưa thể đầy đủ, chi tiết. Báo Thanh Niên đưa các thầy cô về đây tư vấn chính là dịp quý báu giúp các em tự tin và như được tiếp thêm sức mạnh", ông Lâm cho biết. Một HS Trường THPT Võ Thị Sáu vui mừng nói: “Nhờ những lời khuyên bổ ích của thầy cô trong đoàn tư vấn, em sẽ chọn một trường ĐH vừa với sức học của mình, mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ phụ giúp ba mẹ”.

Trường Đắk Ơ thuộc xã Đắk, một trong 2 xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập giáp biên giới Campuchia, cũng có 70% HS thuộc gia đình khó khăn. Chính vì thế, khát vọng học ĐH, CĐ để có một nghề nghiệp ổn định là mong muốn của bất cứ HS nào.

Cũng không thể quên được hình ảnh những cô cậu học trò Trường THPT Tiểu La (huyện Thăng Bình), Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn) tỉnh Quảng Nam háo hức đặt nhiều câu hỏi giữa cái nắng miền Trung gay gắt. Xúc động trước chương trình tư vấn, có cô học trò Trường Trần Đại Nghĩa gửi ban tổ chức bức thư viết vội rằng sẽ quyết tâm thi vào ngành báo chí. 

Dường như, chẳng nghèo khó nào có thể ngăn cản được bước chân của các em trên hành trình đến với tương lai, bằng hành trang là sự hiếu học…

Nghĩa tình phụ huynh

Trong suốt hành trình của chương trình Tư vấn mùa thi năm nay, chính các phụ huynh đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Không quản ngại khó khăn, vượt bao nẻo đường xa để đến với chương trình, mong muốn duy nhất của họ là có thông tin tuyển sinh để con vào được ĐH, CĐ.

Trong chương trình diễn ra tại Hậu Giang vào ngày 1.3, số lượng phụ huynh theo dõi không thua gì HS. Hôm ấy, chương trình trực tiếp diễn ra tại điểm Trường THPT Nguyễn Minh Quang (thị xã Ngã Bảy). Từ sáng sớm, khoảng 1.000 HS và phụ huynh đã có mặt, háo hức chờ đợi chương trình. Phụ huynh tham gia chương trình rất đông và chăm chú theo dõi, ghi chép tỉ mỉ từ đầu cho đến cuối buổi, như chính mình là những người sắp đi thi. Đến chiều cùng ngày, chương trình diễn ra tại Trường THPT Tầm Vu 2, H.Châu Thành A (Hậu Giang). Điều mà cả chúng tôi, những người làm công tác tổ chức và các chuyên gia tư vấn, cảm thấy xúc động là khi bước vào lớp, phụ huynh đã tập trung đông đủ cùng với con em mình. Có nhiều trường hợp phải thu xếp việc nhà từ nhiều ngày trước đó để mong được nghe đoàn tư vấn truyền tải thông tin tuyển sinh.

Cũng trong hành trình mang thông tin đến với HS tại các tỉnh Tây nguyên, chúng tôi không khỏi xúc động trước một phụ huynh đã ngoài 60 tuổi nhưng đã đón xe, vượt

80 km đến Trường THPT chuyên Hùng Vương (thành phố Pleiku, Gia Lai) nghe tư vấn. Một phụ huynh tâm sự: “Mình cùng con chọn đúng, để con có thể tiếp tục học. Để lại cho con cái chữ thì còn mãi, chứ để lại gia tài mà con không biết tính toán, thì tiền núi cũng bèo tan bọt nước”.

Những câu chuyện như trên là động lực để chúng tôi, những người thực hiện chương trình tư vấn mùa thi cùng các chuyên gia, luôn cảm thấy thôi thúc muốn đi, đến thật nhiều nơi, cho dù đường xa, dù phải ăn những bữa ăn vội, phải đối mặt với những cơn đau đầu, nhức mỏi thỉnh thoảng xuất hiện trong chuyến đi dài…

Mỹ Quyên - Minh Luân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.