Loạt bài được khởi đăng từ ngày 15 - 17.9 trong bối cảnh dư luận xã hội đang rất quan tâm về sao kê nhằm mục đích cho người hảo tâm biết được số tiền mà mình đóng góp có đến đúng và đủ cho người cần hỗ trợ hay không. Cùng với những phản ánh xuất phát từ thực tế, ý kiến của các chuyên gia, người trong cuộc và những đề xuất rõ ràng, hợp lý…, loạt bài được bạn đọc đánh giá cao vì đã phác thảo được một bức tranh toàn cảnh về từ thiện tại Việt Nam - một vấn đề vốn nhạy cảm nhưng không thể né tránh mãi, nhằm lành mạnh hóa hoạt động này.
Qua loạt bài, một đúc kết được các chuyên gia, người có thẩm quyền đưa ra là: “Do chưa có khung pháp lý, trong khi đó không ít cá nhân, hội nhóm nổi tiếng kêu gọi từ thiện còn hạn chế về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng xã hội và nhiệt huyết… nên dễ dẫn đến sai sót gây hệ lụy, tổn thương các bên liên quan”. Vậy đâu là những lỗ hổng và giải pháp trám những lỗ hổng này là gì?
Để từ thiện được thường xuyên, bền vững…
Đầu tiên là làm từ cái tâm, không vì lợi ích cá nhân, như chia sẻ của bạn đọc (BĐ) Nguyễn Minh Sang: “Làm từ thiện là làm từ cái tâm, không đánh bóng tên tuổi, giúp đời, giúp người trong lặng lẽ không cần ai phải biết đến. Tôi là tình nguyện viên của một hội từ thiện… Cách hoạt động của hội rất đơn giản. Khi trao quà từ thiện cho người nghèo thì chụp lại một tấm ảnh rồi xong việc. Sau đó tổng hợp lại rồi gửi những bức ảnh đó qua hội để minh chứng cho nhà hảo tâm…”.
Một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là đúng mục đích, như phân tích của BĐ Duy Nguyen: “Ủng hộ việc đi làm từ thiện nhưng phải chứng minh số tiền từ thiện được sử dụng đúng mục đích. Để người ủng hộ yên tâm, người làm từ thiện được tin tưởng, việc làm từ thiện được thường xuyên và bền vững, nhà nước cũng cần đưa ra cách quản lý người trực tiếp làm từ thiện cho minh bạch, tránh lợi dụng trục lợi”.
|
Và một khi dư luận phản ánh có những dấu hiệu bất thường xung quanh những hoạt động từ thiện của cá nhân, tổ chức, BĐ Nguyễn Văn Ngôn đề nghị: “Công việc từ thiện đối với tổ chức thì đã có quy định; đối với cá nhân tự phát thì chưa nhưng không vì thế mà cơ quan chức năng không vào cuộc nếu như phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc kêu gọi từ thiện”.
Cần hướng dẫn cụ thể
Theo BĐ Phạm Hoàng Sơn, kêu gọi từ thiện là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, phát huy được nguồn lực xã hội kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… “Những ai có rơi vào tình huống khó khăn này thì mới hiểu được ý nghĩa của những thùng mì gói, vài ký gạo và khoản tiền nhỏ đến kịp thời và đúng lúc trong hoạn nạn. Mong nhà nước có hướng dẫn cụ thể về công tác từ thiện để khi hoạn nạn xảy ra, mọi người có thể chung tay cùng nhà nước và cũng để giảm áp lực cho những người tốt không tiếc sức mình đi làm từ thiện nhưng bị đánh đồng với những người lợi dụng từ thiện làm việc không tốt”, BĐ Hoàng Sơn viết.
Còn BĐ Xuân Bình cho rằng, có người sẵn lòng trực tiếp làm từ thiện hoặc ủng hộ thông qua các thần tượng, người nổi tiếng. Đa số những người đứng ra kêu gọi đều có mục đích tốt đẹp, họ thực tâm và tận tâm để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không hoặc không hoàn toàn vô tư... Điều cần nói là pháp luật chưa quy định chặt chẽ để điều chỉnh những đối tượng, hành vi này. Do vậy, việc cần làm của các cơ quan nhà nước (theo chức năng) là xây dựng, đề xuất ban hành các quy phạm pháp luật liên quan để điều chỉnh hoạt động này, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những vi phạm...
|
Người dân Việt Nam rất thương người, sẵn sàng đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn. Đó là truyền thống rất tự hào, rất cao đẹp. Rất mong pháp luật sẽ làm sáng tỏ những chuyện từ thiện, để đồng bào hoạn nạn nhận được đầy đủ tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm ở muôn nơi.
Linh Chi
Cảm ơn Báo Thanh Niên. Tôi đã chờ đợi báo chính thống phanh phui những vụ này từ lâu rồi, để các cơ quan chức năng vạch trần những sai phạm của những người nổi tiếng (nếu có); còn nếu dư luận sai thì hãy trả lại danh dự cho người nghệ sĩ...
Anh Dũng
|
Bình luận (0)