>> Học sinh xếp hình bản đồ Việt Nam hướng về biển Đông
>> Bản đồ châu u xuất bản năm 1827 minh chứng chủ quyền Việt Nam
>> Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Nó càng quý hơn khi lại nằm trong tay Việt Nam chúng ta vào đúng thời điểm tháng 5 với nhiều diễn biến nóng bỏng và phức tạp trên biển Đông. Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam làm cả thế giới sửng sốt, ngỡ ngàng trước hành động bành trướng trắng trợn cậy mình nước lớn, dù hai nước đang là "đồng chí" với nhau, là "đối tác chiến lược" của nhau. Lúc này, nó lại càng là một tài liệu vô giá trong đấu tranh pháp lý với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo.
Song trong mấy ngày gần đây, có dư luận còn phân vân do chưa hiểu rõ cách tính vĩ độ và kinh độ của bộ Atlas đó cho nên chúng tôi có quay trở lại gặp Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Việt Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã có hơn chục năm được một số cơ quan có trách nhiệm mời tham gia vào những chuyến đi công tác nước ngoài để thẩm định những tài liệu có liên quan tới chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, ông cũng là người duy nhất và trực tiếp đi thẩm định bộ Atlas nói trên tại Bỉ và Pháp hôm vừa rồi để tìm hiểu thêm.
Về mặt khoa học, theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, bộ Atlas này đã có gần 200 năm nay nhưng nó thực sự là một cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển vượt trội của công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ 19. Bản đồ các nước châu Á gồm 111 tấm, được xếp chủ yếu trong tập 2 của bộ Atlas. Ở đây, Việt Nam được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Partie de la Cochichine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến 16. Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111...
Còn Trung Quốc, bản đồ trong tập này cũng chứng minh, họ vẽ Trung Quốc ở phía trên tấm 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam cho thấy biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa chạm tới vĩ độ 18.
|
Sau khi quy đổi ra hệ tọa độ hiện nay, ta có thể thấy bộ Atlas đã thể hiện hoàn toàn chính xác kinh độ và vĩ độ cũng như hình thái của các đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels) của Việt Nam như đảo Tri Tôn (Triton), đảo Lin Côn (Lincoln), đảo Cây (Tree), đảo Hoàng Sa (Pattle). Để giải thích thêm, hệ kinh tuyến mà bản đồ này sử dụng là hệ kinh tuyến Paris (lấy đường kinh tuyến đi qua Paris làm kinh tuyến số 0) thay vì lấy hệ kinh tuyến Greenwich như thế giới hiện nay (hệ kinh tuyến Greenwich lấy đường kinh tuyến đi qua đài thiên văn Greenwich ở London làm kinh tuyến số 0). Hệ kinh tuyến Greenwich được thế giới bắt đầu sử dụng từ năm 1871, trong khi bộ Atlas được xuất bản năm 1827 nên bộ Atlas sử dụng hệ kinh tuyến gốc Paris càng là bằng chứng xác nhận tính khoa học, chuẩn xác của bản đồ và giá trị nguyên gốc nó (cách chuyển đổi hệ tọa độ này chỉ cần cộng vào kinh độ thể hiện trong tập Atlas 2 độ 20 phút 14 giây thì sẽ tính được tọa độ hiện nay).
Cũng theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, tấm bản đồ này còn có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d'An nam). Như vậy càng chứng tỏ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và đã được quốc tế ghi nhận. Thực sự, nó là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Quốc Phong
Bình luận (0)