Các bệnh nhi chơi đùa với bóng ở khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Tố Anh |
1. Tại Giải bóng đá thiếu nhi Hội khỏe Phù Đổng U-11 toàn quốc năm 2004, với hattrick ghi được, tiền đạo Trần Hoàng Quân (tuyển TP.HCM) được trao danh hiệu “VĐV tiêu biểu của giải”. Sau đó, Quân cùng đồng đội tiếp tục đoạt HCV giải nhi đồng Cúp truyền hình Bình Dương. Khi ấy Quân đang là học sinh xuất sắc lớp 5.
Năm 2006, một tuần trước ngày thi tuyển vào đội tuyển U-13 TP.HCM, Quân cảm thấy người nóng sốt, lồng ngực đau buốt khi chơi bóng... Kết quả chẩn đoán Quân có một khối u ở trung thất. Phải phẫu thuật. Nghỉ mất bốn tháng để phẫu thuật lần 1 rồi lần 2. Sức khỏe ổn, Quân trở lại sân bóng và tham gia đợt tuyển chọn vào đội tuyển U-13 lần 2. Thật vui khi Quân được chọn vào đội tuyển U-13.
... Nhưng quả bóng chỉ được lăn tiếp dưới chân tiền đạo Quân hai tháng. Bệnh của Quân tái phát. Quân tạm chia tay sân cỏ, bước vào hành trình hóa trị, xạ trị diệt tế bào ung thư và mong một ngày quả bóng lại lăn dưới chân.
Hai năm rồi, nhóm bạn đội tuyển của Quân giờ đã thành U-15. Giải U-15 quốc gia vừa rồi, khi đang truyền thuốc ở bệnh viện, Quân được các bạn thông báo đội tuyển đoạt HCV. Thăm Quân trong ngôi nhà nhỏ ở quận 11, Quân đang say sưa chơi bóng bằng tay và đầu qua trò chơi đá bóng trên màn ảnh. Đĩa trò chơi đá bóng của Quân cả một xấp cao. Quân cho biết trong trò chơi điện tử có cả trăm CLB bóng đá nổi tiếng của thế giới, lập trận đấu mãi cũng không bao giờ hết... nhưng vẫn ghiền được đá bóng thật. Có một mảng tường thật nhiều thành tích, bằng khen, huy chương Quân đạt được chỉ bật lên hai thứ: học sinh xuất sắc và cầu thủ xuất sắc.
Cơ thể không đáp ứng thuốc hóa chất lẫn tia xạ trị nữa, Quân đang được uống thuốc đông y. Quân vẫn nuôi quyết tâm điều trị khỏi bệnh để một ngày thật gần được trở lại sân bóng, luyện tập thành tiền đạo giỏi như Công Vinh và Torres (CLB Liverpool) mà Quân ngưỡng mộ.
Các bệnh nhi chơi đùa với bóng ở khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Tố Anh |
2. Chiều cuối tuần, thử đem quả bóng nhựa vào khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Thấy bóng, bọn trẻ reo hò. Cánh cửa hành lang khoa phút chốc biến thành khung thành. “Một, hai, ba sút...” - “Chụp nè!”. “Các bé không được chơi mạnh, sút gần thôi vì đang điều trị bệnh mà”. Tình nguyện viên miệng nhắc, tay dời khoảng cách bóng liên tục. Bọn trẻ liến thoắng: “Tụi em được nghỉ vào thuốc cuối tuần mà, không sao đâu”.
Thủ môn Nguyễn Văn Hoàng Thanh, 8 tuổi, quê ở Cai Lậy, Tiền Giang, tỏ ra có năng khiếu thủ môn với động tác bắt bóng chính xác. Thanh kể: “Hồi ở nhà chưa bị bệnh em mê đá banh lắm. Em với bạn Hải ngày nào cũng chơi giành banh quần lộn dưới đất dơ hèm”. “Vào bệnh viện điều trị mà Thanh cứ đòi mua banh. Tui phải mua đỡ mấy trái banh nhỏ cho nó” - mẹ của Thanh nói. Còn về phần mình, Thanh khẳng định: “Em thích lớn lên được làm thủ môn”.
“Em thích làm cầu thủ nhưng ở bệnh viện không có chỗ đá banh” - Tiến Đạt, 8 tuổi, xoa cái đầu rụng hết tóc do tác dụng phụ của thuốc hóa trị, nói. “Còn tụi em thích được gặp những cầu thủ thực thụ” - một nhóm con trai khác lao nhao.
Chỉ một quả banh nhựa nhưng đem lại thật nhiều nụ cười và niềm vui cho bọn trẻ. Dẫu đang đối diện với bệnh tật, nhưng các nam bệnh nhi vẫn ấp ủ giấc mơ có được quả bóng lăn dưới chân.
Theo Tố Oanh/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)