Mở ngành ào ạt, đóng chóng vánh: Xác định thế mạnh thay vì theo thị hiếu

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/04/2024 07:31 GMT+7

Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.

Mới đây, thanh tra Bộ GD-ĐT đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 94 lượt cơ sở đào tạo giáo dục ĐH sau quá trình thanh tra năm học 2022 - 2023. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành. Nhiều ngành mới mở đã tạm dừng tuyển sinh do không tuyển được người học.

THÍ SINH CHỌN TRƯỜNG TỐT HƠN ĐỂ HỌC

Trong số những ngành học đã tạm dừng tuyển sinh của một số trường ĐH mới đây, có ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung Quốc học, kỹ thuật xây dựng, thiết kế thời trang, bảo hiểm, bất động sản, phim, quốc tế học... Có thể nói, đây là những ngành mới với những trường này nhưng đã từng được tuyển sinh và đào tạo trước đó rất nhiều ở các trường ĐH khác.

Bất động sản là một trong những ngành hiện ít người học dẫn đến nhiều trường phải đóng ngành

Bất động sản là một trong những ngành hiện ít người học dẫn đến nhiều trường phải đóng ngành

ĐÌNH SƠN

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhận định thực tế nhu cầu nhân lực các ngành trên đều có, nhưng khi quá nhiều trường cùng mở đồng loạt các ngành học thì sẽ dẫn đến tình trạng "thị phần" bị chia ra. Và tất yếu người học sẽ lựa chọn những trường đã xây dựng được thương hiệu trong đào tạo ngành học đó. Chẳng hạn, ngành Hàn Quốc học hay Nhật Bản học, thí sinh sẽ tìm đến những trường ĐH đã đào tạo nhiều năm.

"Việc ngành mới mở không tuyển sinh được một phần là do trường ĐH chưa có thời gian khẳng định được chất lượng đào tạo, trong khi cùng ngành đó có nhiều trường đào tạo thì thí sinh sẽ lựa chọn trường tốt hơn để học. Bên cạnh đó, người học còn xem xét đến các yếu tố khác như cơ sở vật chất, giảng viên, các điều kiện đảm bảo chất lượng. Học phí cao cũng sẽ là một yếu tố khiến thí sinh cân nhắc", tiến sĩ Phạm Như Nghệ cho hay.

Trường ĐH Văn Lang trong thời gian gần đây cũng mở mới nhiều ngành, trong đó có những ngành tuyển sinh rất tốt như khối thiết kế, mỹ thuật, nghệ thuật, nhưng cũng có những ngành thuộc khối kỹ thuật lại rất khó tuyển sinh.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng ngành tuyển sinh được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Vì là ngành mới mở nên các trường ĐH chưa tạo được thương hiệu đào tạo, khó có thể cạnh tranh được với một trường đã đào tạo lâu năm, và khiến cho người học chưa an tâm. Ngoài ra còn là mức học phí", ông Tuấn phân tích.

KHI ĐỘI NGŨ CHƯA ĐỦ MẠNH, ĐÀO TẠO SẼ KÉM CHẤT LƯỢNG

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), có một số trường ĐH mở ngành ồ ạt theo xu hướng để tuyển sinh chứ không không dựa vào năng lực, đội ngũ hay thế mạnh, nên đây là một trong những lý do tất yếu dẫn đến việc đóng cửa ngành. Vì khi đội ngũ chưa đủ mạnh thì đào tạo sẽ kém chất lượng, không tạo dựng được uy tín và thương hiệu, sau này sẽ không thu hút được người học.

"Tại Hàn Quốc, hầu hết các trường đều dựa vào đội ngũ xong mới mở ngành, và họ tập trung vào thế mạnh của mình, không cần nhiều nhưng sẽ rất vững bền. Mặc dù Bộ Giáo dục không can thiệp nhưng các trường tự biết điều gì là quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của một ngành, một trường để có sự đầu tư đúng đắn. Trường ĐH ở VN cũng nên như thế", PGS-TS Thuận nêu quan điểm.

Lý giải thêm về các ngành mới mở ở một số trường nghe rất hấp dẫn và có nhu cầu nhân lực như golf, bất động sản…, nhưng lại tuyển sinh không được, trưởng phòng tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cho rằng đây thường là ngành học mở ra theo "trend", theo sự phát triển nóng của thị trường. Tuy nhiên, sau đó khi thị trường ngành hạ nhiệt thì độ "hot" của ngành học cũng hạ nhiệt theo khiến ngành học bị ế dẫn đến phải dừng tuyển sinh, đóng cửa ngành. Vì thế, theo vị này, việc mở ngành học mới cũng phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, không phải thấy trường khác mở ra tuyển sinh được là trường mình cũng làm theo.

Thống kê cho thấy số lượng ngành mới được các trường tự chủ mở lớn hơn rất nhiều so với tổng số ngành Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH

Thống kê cho thấy số lượng ngành mới được các trường tự chủ mở lớn hơn rất nhiều so với tổng số ngành Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH

NGUỒN: BỘ GD-ĐT

CÁC NƯỚC MỞ, ĐÓNG NGÀNH RA SAO ?

Chuyên gia một tổ chức giáo dục ở Úc cho biết khi một trường ĐH muốn mở ngành mới, chủ nhiệm bộ môn và các cán bộ quản lý phụ trách phải trải qua quy trình gồm nghiên cứu thị trường lao động trong nước và quốc tế, khảo sát các nhà tuyển dụng để hiểu nhu cầu nhân lực của ngành học đó, thiết kế - xây dựng giáo trình, lập kế hoạch cho đội ngũ giảng viên… theo quy định của trường. Hồ sơ mở ngành sau khi được hoàn thiện sẽ được nộp lên hội đồng học thuật của trường để xin xét duyệt. Khi đăng ký mở ngành mới, các trường sẽ căn cứ vào các hướng dẫn của chính phủ và các cơ quan chức năng; và mỗi trường sẽ có quy trình thực hiện riêng dựa theo khung hướng dẫn này.

Các trường ĐH Úc muốn thu hút người học đều có trách nhiệm tuyệt đối về đảm bảo chất lượng đào tạo, và họ rất nghiêm túc tuân thủ quy định riêng của trường cũng như quy định chung của các cơ quan quản lý. Trong các trường ĐH ở Úc, giảng viên có thể có bằng tiến sĩ hoặc có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn đó. Một ngành học mới mở ra nếu được công nhận bởi các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực thì sẽ giúp tăng giá trị của ngành học đó. Để được công nhận bởi các cơ quan này, chương trình đào tạo phải đáp ứng được các tiêu chí cụ thể, trong đó tính thực tiễn của khóa học là một trong những tiêu chí quan trọng.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, từng có nhiều năm làm việc tại Trường ĐH Konkuk, Hàn Quốc, cho biết khi một trường ĐH Hàn Quốc mở một ngành mới hoặc thay tên ngành cho phù hợp với xu hướng, cũng đều do trường ĐH quyết định. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải có đội ngũ mạnh về chuyên môn.

"Trưởng bộ môn sẽ quyết định về tên ngành, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và chủ động làm hồ sơ, sau đó khoa phê chuẩn và cuối cùng là trường ĐH ra quyết định. Quy trình mở ngành học mới (chưa có mã ngành) cũng rất đơn giản chứ không rắc rối như mình. Tôi chưa bao giờ thấy trường ĐH Hàn Quốc tuyển giảng viên mà yêu cầu phải có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ. Giảng viên được mời thông qua những hiệp hội trong lĩnh vực ngành nghề, thường những ai có uy tín, có kinh nghiệm sẽ được mời về và lúc đó mới phong thành trợ lý giáo sư, phó giáo sư hay giáo sư tùy vào chuyên môn, uy tín của họ".

Việc mở ngành học mới cũng phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, không phải thấy trường khác mở ra tuyển sinh được là trường mình cũng làm theo.


Trưởng phòng tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM

PGS-TS Thuận cho biết Bộ Giáo dục Hàn Quốc không can thiệp, giám sát các hoạt động mở ngành, tuyển sinh, đào tạo mà trường ĐH hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất với người học, với xã hội, với nhà tuyển dụng. "Một ngành mở ra mà không tuyển được thì trường cũng tự đóng hoặc thay đổi liền để phù hợp nhu cầu thực tế, và như vậy cũng không bị coi là vi phạm cần phải nhắc nhở hay xử phạt", PGS-TS Thuận chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Mỹ, các trường muốn mở ngành học mới nhưng ngành đó đã được đào tạo ở trường khác thì phải thuyết minh cho đề xuất của mình bằng cách so sánh với cùng ngành đó ở trường khác. Tùy từng ngành học mà hội đồng Giáo dục ĐH từng bang sẽ có đánh giá, so sánh để quyết định.

Chẳng hạn một hồ sơ mở chương trình đào tạo mới của Ủy ban Indiana (Mỹ) gồm có 6 nội dung: mô tả chương trình; cơ sở lý luận của chương trình; bằng chứng về nhu cầu thị trường lao động; chi phí và hỗ trợ cho chương trình; các chương trình tương tự và liên quan; và cuối cùng là sự chuẩn bị cho chương trình sau ĐH, sự kết nối, liên thông, liên kết với các chương trình khác. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.