Ông Đặng Gia Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, không thấy vui cho vườn thú Hà Nội khi biết thành phố Hà Nội có chủ trương nâng cấp công viên Thủ Lệ cùng với các công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Hòa Bình.
Ông Tùng đã gắn bó với Thủ Lệ gần 40 năm, cũng là nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội. Ông Tùng cho biết, khởi đầu, vườn thú Hà Nội nằm trong Bách Thảo. Năm 1976, phần động vật của Bách Thảo được chuyển lên Thủ Lệ. "Năm 1976, UBND Hà Nội ra quyết định thành lập vườn thú Hà Nội, đặt tại Công viên Thủ Lệ. Từ đấy đến nay đã 46 - 47 năm rồi, cho tới giờ, trong quy hoạch các công viên của Hà Nội, Thủ Lệ nó vẫn không phải là vườn thú mà nó vẫn là công viên", ông Tùng nói.
Việc quy hoạch Thủ Lệ là công viên như vậy khiến ông Tùng rất băn khoăn nếu phát triển địa điểm công viên cây xanh, hoặc công viên giải trí thì việc phát triển vườn thú sẽ ra sao. "Trong quá trình tôi làm thì đã có dự kiến lập vườn thú hoang dã, bán hoang dã, tìm địa điểm mới cho vườn thú. Đi hết cả Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn suốt 4 - 5 năm cuối cùng vẫn chưa được chỗ nào. Cho đến nay chưa có và cũng chưa rõ có chỗ nào để di chuyển vườn thú lên. Vì thế, trong quy hoạch thì đấy vẫn là công viên, còn vườn thú đi đâu thì không biết. Gốc rễ là vậy.", ông Tùng nói.
Chính vì thế, mong muốn lớn nhất của ông Tùng là trong chủ trương phát triển công viên Thủ Lệ có rõ ràng việc vườn thú Hà Nội sẽ nằm ở công viên Thủ Lệ. Nâng cấp công viên Thủ Lệ khi đó sẽ bao gồm cả nâng cấp vườn thú Hà Nội như một vườn thú. "Vườn thú khác với công viên, trong khi nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa công viên Thủ Lệ với vườn thú. Khi chưa rõ thì thật khó để biết nên làm thế nào cho đúng", ông Tùng nói.
Gà lôi lam và hổ Đông Dương là hai động vật đặc hữu của Việt Nam, mang nguồn gen quý cần bảo tồn
Nâng cấp vườn thú, với ông, là phải tập trung vào điều quan trọng nhất là bảo tồn nhiều nguồn gen động vật quý hiếm ở đây. "Bảo tồn nguồn gen những loài đặc hữu của Việt Nam như gà lôi lam, hổ Đông Dương. Những loài đấy giờ đã sinh sản tốt rồi nhưng vẫn phải làm thế nào để cơ sở ở đó cho phù hợp, phát triển đó ra. Đó là điều quan trọng nhất. Như sang năm, Thảo Cầm Viên sẽ kỷ niệm 160 năm ngày thành lập các nguồn gen ở đấy. Xác định rõ nâng cấp vườn thú thì mới biết nên đầu tư thế nào cho nó", ông Tùng cho biết.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), lại quan tâm đến việc thúc đẩy các chương trình giáo dục ở vườn thú Hà Nội. Theo đó, nếu nâng cấp công viên Thủ Lệ thì nên dựng thêm các bảng thông tin sinh động, trực quan về loài cũng như thực hiện các chương trình học tập cho bạn nhỏ, với hướng dẫn viên đến từ chính vườn thú.
"Các thông tin và hoạt động tương tác có thể giúp nâng cao hiểu biết của người dân và các bạn nhỏ về loài, về mối đe dọa của loài trong tự nhiên, hoặc mối đe dọa từ hoạt động buôn bán. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ này để góp phần nâng cấp toàn diện vườn thú Thủ Lệ và để vườn thú phát huy vai trò quan trọng của mình trong công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã", bà Hà nói.
KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, sáng lập viên Think Playgrounds (chuyên thiết kế sân chơi thân thiện cho trẻ em), cũng rất lưu tâm việc xác định rõ bản chất của Thủ Lệ, Bách Thảo dù chúng đều có tên gọi là công viên. Có như vậy, những đơn vị này mới có thể phát triển được. Thậm chí, cũng cần xác định rõ để thấy có nên hạ hàng rào cho các đơn vị này như chủ trương hạ rào công viên đang được nghiên cứu thực hiện dần dần tại Hà Nội không.
Chẳng hạn, về Bách Thảo, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng đó là một vườn ươm để bảo tồn. Tại các nước khác, nếu xác định nơi trồng các loại cây giống như vậy sẽ phải có hàng rào. "Nếu là vườn, rừng ươm sẽ phải có hàng rào, còn công viên thì không rào. Bách Thảo là vườn ươm trồng các loại cây thì nó nên phát triển theo hướng khác, nên làm tốt hơn bây giờ về mặt khối lượng cây, cách trình bày sinh thái. Cũng cần có người có chuyên môn hướng dẫn ở Bách Thảo như một bảo tàng về cây", ông Đạt nói.
Còn với Thủ Lệ, một vườn Bách Thú, ông Đạt cho rằng, sẽ không hình dung chuyện sẽ tệ ra sao nếu bỏ rào. Thêm vào đó, theo ông Đạt: "Công viên sẽ không giải quyết được vấn đề của vườn thú. Muốn có vườn thú đẹp thì phải thu phí cao, chứ không sẽ rơi vào tình trạng hổ thiếu thịt voi thiếu mía. Vườn thú thiếu chuyên gia thì sẽ nuôi động vật như chăn lợn chăn gà. Những vườn thú ở nước ngoài không gợi cảm giác như là chuồng trại. Nếu Thủ Lệ thành công viên, nghĩa là vườn thú đó không còn nữa, cũng tốt. Còn nếu để vườn thú ở đó thì phải đầu tư theo hướng đó rõ hơn".
Bà Bùi Thị Hà cũng cho rằng, nếu nâng cấp công viên Thủ Lệ theo nghĩa là vườn Bách Thú thì cần nâng cao phúc trạng động vật hơn. Hiện nay, theo bà Hà, phúc trạng động vật ở đây còn chưa thể tiếp cận được chất lượng quốc tế hoặc của đơn vị tư nhân trong nước như Phú Quốc Safari.
"Nếu Hà Nội có chủ trương đầu tư phát triển và đảm bảo phúc trạng động vật thì cũng rất tốt. Xu hướng phát triển vườn thú cũng là xu hướng trên thế giới chứ không hẳn của Việt Nam", bà Hà nói.
Theo TS - KTS Trần Nhật Khôi, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, việc mở rào thôi chưa đủ để có các công viên tốt. Điều quan trọng là có những điều chỉnh công viên để có thể phục vụ nhân dân tốt hơn. Sự điều chỉnh đó có thể đến từ thay đổi đường chạy, đường đi dạo cho phù hợp với mọi loại đối tượng.
Sự điều chỉnh cũng có thể là bổ sung thêm các sân chơi theo hướng thân thiện với môi trường. Việc bổ sung thêm các không gian nghệ thuật trong công viên như các vườn tượng cũng rất tốt.
"Mở rào công viên là một chủ trương cho thấy mong muốn thay đổi tư duy quản lý công viên. Nó có thể là điểm khởi đầu cho mở tư duy về công viên cho những năm tới", TS - KTS Khôi nói.
Tượng của trại điêu khắc quốc tế đã gãy, thủng
BĂNG NHI
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng cần phải có kinh phí cho phần nghệ thuật tại các công viên. Năm 1997, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội phối hợp cùng Bộ VH-TT và UBND Hà Nội tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất.
Kết quả của trại điêu khắc này là một vườn tượng nghệ thuật ngoài trời tại công viên Bách Thảo, với tác phẩm từ 12 nước, gồm: Canada, Đức, Nam Tư, Nhật Bản, New Zealand, Lào, Pháp, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Úc và Việt Nam. Giờ đây, các tác phẩm đã tan nát, cái thủng, cái gãy, cái gỉ sét. "Đã không có một khoản cho bảo dưỡng nó cả, chỉ có tiền tổ chức sáng tác thôi", ông Thành buồn bã nói.
Theo KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nên thay đổi tư duy về trồng cỏ và bờ bao cỏ trong công viên. Ông cho biết, tại công viên Yên Sở thiết kế ô cỏ tốt nên thành ô cảnh quan đẹp, cũng không mất tiền trồng cỏ. Cỏ ở công viên Yên Sở trở thành một bề mặt sử dụng cho các hoạt động giải trí, cho trẻ em chạy.
"Yên Sở làm được, mà sao các công viên khác phải đi trồng cỏ, và trẻ con lại bị cấm lên cỏ. Công viên Yên Sở cũng hạn chế dùng bờ bao bê tông, phần tiếp giáp cỏ và đường tại đây không có nên rất thân thiện. Trẻ có thể đi xe đạp, chạy chơi thoải mái. Trong khi đó, tại công viên Thống Nhất, các ô cỏ được xây bờ bao tạo ô, xây cao hơn cỏ và tạo ngăn cách. Đấy là tư duy thiết kế cũ", ông Đạt phân tích.
KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cũng cho rằng, cần có cơ chế hợp tác công tư thoáng hơn, thủ tục gọn gàng hơn để nhiều tổ chức cá nhân có thể góp nguồn lực tổ chức sân chơi cho cộng đồng. Bản thân ông cũng nhiều lần muốn làm cầu nối để tặng sân chơi trẻ em cho các công viên Hà Nội. Tuy nhiên, trùng trùng thủ tục đã khiến ông không ít lần thất bại.
"Thủ tục rườm rà, rõ ràng phía công viên chẳng mất đồng nào nhưng vẫn khó. Nhiều khi chúng tôi muốn tặng đồ chơi vào công viên mà mãi không được. Vì thế, khi tặng sân chơi, chúng tôi thường thành công ở các không gian công cộng ở phường, xã, nghĩa là ở cấp thấp và dễ thông qua các tổ chức như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên", ông Đạt chia sẻ.
Bình luận (0)