Mở rộng xét nghiệm để kiểm soát dịch

14/05/2021 09:19 GMT+7

Để kiểm soát dịch Covid-19 , tại một số địa phương đã mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2 không chỉ ở vùng dịch, cộng đồng mà còn ngay trong các bệnh viện. .

Ngoài việc khoanh vùng các điểm dịch đã xuất hiện F0, Hà Nội cũng đồng thời thực hiện việc xét nghiệm xác suất tại cộng đồng ở những điểm nguy cơ cao.

Hà Nội đã xét nghiệm 20.000 mẫu ở vùng có nguy cơ cao

Ngay từ hôm 8.5, Hà Nội đã lấy mẫu cho 300 người là cán bộ, nhân viên tại ga Hà Nội, là nơi thường xuyên tiếp xúc với người đi - đến ở nhiều địa phương. Ngày 13.5, lãnh đạo H.Thường Tín cũng đề xuất lấy ngẫu nhiên 70 mẫu ngoài cộng đồng ở khu phố Tía (xã Tô Hiệu, nơi xuất hiện 14 bệnh nhân (BN) Covid-19 liên quan đến 1 người về từ Đà Nẵng) và đã được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đồng ý, đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội hỗ trợ.

Vĩnh Phúc dừng hoạt động doanh  nghiệp nếu không xét nghiệm cho  người lao động

Ngày 13.5, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu chuyển trạng thái phòng chống Covid-19 tại các khu công nghiệp. Theo đó, ngoài quy định 5K, các doanh nghiệp phải xét nghiệm cho 100% người lao động, gồm cả chuyên gia, bắt đầu từ 14 - 17.5 phải hoàn thành. Đối với những F1 đang cách ly, phí xét nghiệm do nhà nước chi trả. Với các F2, F3, F4... phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả. Trong 4 ngày này, tỉnh sẽ kiểm tra, đơn vị nào chưa hoàn thành sẽ xử lý. Nếu lỗi ở doanh nghiệp, sẽ tạm thời dừng hoạt động, lỗi từ đơn vị xét nghiệm cũng sẽ bị xử lý.     
Quý Hiên
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, từ ngày 29.4 đến nay, Hà Nội đã xét nghiệm khoảng 37.000 mẫu, trong đó có 15.683 F1 và người liên quan đến ca bệnh; gần 20.000 người có nguy cơ cao ở khu vực có BN Covid-19, ổ dịch, khu vực có nhiều người nước ngoài; khu vực nhà hàng, quán bar, massage; chợ đầu mối, bến xe, bến tàu; khu công nghiệp… để chủ động phát hiện ca mắc ngoài cộng đồng. Qua các xét nghiệm này, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.
Đây cũng là một chiến lược được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tiếp tục làm theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ nhằm sàng lọc sớm ở khu vực nguy cơ, đó là tăng cường xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên và xét nghiệm trọng điểm.
Từ chiều muộn ngày 12.5, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo khẩn, tất cả các bệnh viện (BV) phải lấy mẫu trong đêm. Từ đêm 12.5 đến ngày 13.5, tất cả các BV trên địa bàn TP.HCM đã huy động nhân lực để triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, BN nội trú và thân nhân nuôi bệnh trong BV để giám sát Covid-19 nhằm phát hiện, khoanh vùng và dập dịch sớm. Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã sẵn sàng nguồn lực, cần thiết huy động thêm các cơ sở xét nghiệm khác để xét nghiệm cho những mẫu các BV vừa lấy xong.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết BV đã lấy hơn 4.000 mẫu, trong đó BN và thân nhân chiếm hơn 2.000 mẫu để xét nghiệm mẫu gộp. Dự kiến từ 1 - 2 ngày tới BV sẽ xét nghiệm xong. Trong khi đó, BV Nhân dân 115 cũng đã huy động nguồn lực để lấy mẫu. Có khoảng trên 3.000 mẫu được lấy để gửi HCDC xét nghiệm. BV Nhân dân Gia Định cũng lấy trên 2.000 mẫu.

Khẩn cấp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM

Việt Nam hiện đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm

Với khối lượng mẫu cần được xét nghiệm ngày càng lớn, sáng 13.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Viện Pasteur, đơn vị xét nghiệm thuộc Bộ Y tế trên cả nước, rà soát toàn diện năng lực xét nghiệm, phục vụ phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-199. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định Việt Nam hiện có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm gồm: Realtime RT-PCR (xét nghiệm khẳng định Covid-19); sử dụng sinh phẩm test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể.
Về năng lực xét nghiệm, ông Thuấn đánh giá: “Công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2 - 3 lần so với các đợt dịch trước đây. Các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất này có thể tăng gấp 5 - 10 lần nếu thực hiện xét nghiệm gộp mẫu, gộp 5, gộp 10...”.
Báo cáo cụ thể về vai trò của xét nghiệm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng cho biết test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR, hiện nay Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Còn test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ. Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định ca bệnh Covid-19.
Về năng lực xét nghiệm trong các BV, báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết cả nước hiện có 100 BV có phòng xét nghiệm (gồm cả phòng xét nghiệm khẳng định và phòng xét nghiệm sàng lọc). “Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các BV có quy mô từ 300 giường bệnh phải có phòng xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cần tiếp tục có công văn gửi các cơ sở về tăng cường năng lực xét nghiệm”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.