Từ TP.Hà Giang, chúng tôi chạy xe máy khoảng 30 phút theo quốc lộ 2 ngược lên cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Tới trung tâm xã Thanh Thủy (H.Vị Xuyên, Hà Giang) thì rẽ trái theo tỉnh lộ 197, chạy thêm 7 km thì rẽ phải vào thôn Nậm Tà, xã Thanh Đức và theo đường liên thôn chạy ngược lên hướng tây bắc.
Dọc đường đi, các cột mốc giao thông liên tục hướng dẫn đến địa danh "mốc 1509" và đến trung tâm thôn Nậm Tà, thấy tấm bảng to ghi chữ "đường lên mốc 252, đỉnh 1509".
Từ đây, xe máy chỉ chạy được khoảng 1 km, sau phải để xe máy lại, đi bộ trên những bậc bê tông, khoảng 20 phút là tới mốc giới 252. Đứng ở mốc nhìn qua cây lá rậm rạp sang phía bên kia Trung Quốc, thấy hàng rào sắt sơn xanh và ngay liền đó là đường giao thông, giống đường tuần tra biên giới.
Tiếp tục sang mốc 254, dọc đường mòn có nhiều dấu tích chiến hào và 1 lô cốt cũ nằm chênh vênh trên nền đất yếu.
Suốt thời gian đi, các cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) liên tục nhắc nhở, giám sát không cho rời khỏi đường mòn vì "có thể mìn và vật nổ còn sót lại".
Mốc giới số 252 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương. Mốc 252 đặt trên yên ngựa, tại tọa độ địa lý 22°54′51,374″ vĩ độ Bắc - 104°48′14,273″ kinh độ Đông. Mốc được cắm ngày 15.11.2008 ở độ cao mặt đất là 1.262,33 m.
Từ mốc giới số 252, chúng tôi leo ngược lên dốc hướng đông, theo đường biên giới sang mốc 253 cách đó 373,47 m theo đường chim bay.
Mốc giới số 253 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương và được cắm ngày 29.10.2008. Mốc 253 đặt trên đường phân thủy, tại tọa độ 22°54′54,602″ vĩ độ Bắc - 104°48′26,907″ kinh độ Đông, ở độ cao mặt đất là 1.401,47 m.
Từ mốc giới số 253 sang mốc 254 là 133,39 m theo đường chim bay. Ở mốc 254, ngay bên phần đất Trung Quốc là đường lên xuống mốc làm bằng bê tông có bậc, 2 bên của con đường này kè đá, phía trên bên phải đường là công trình giống lô cốt, cây bụi mọc trùm, và treo camera, loa phát thanh, thiết bị cảm ứng…
Mốc giới số 254 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 15.11.2008. Mốc đặt trên sống núi, ở vị trí địa lý 22°54′53,912″ vĩ độ Bắc - 104°48′31,592″ kinh độ Đông và ở độ cao mặt đất là 1.400,48 m.
Như vậy, trong 3 mốc giới trên đỉnh 1509, có 2 mốc (252, 254) được cắm cùng ngày 15.11.2008. Riêng mốc 253 được cắm trước đó 17 ngày (29.10.2008).
Về độ cao, mốc 253 nằm ở vị trí cao nhất (1.401,47 m), sau đó là mốc 254 (1.400,48 m) và mốc 252 thấp nhất (1.262,33 m).
Đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Giang cho biết: Điểm cao 1509 có vị trí rất quan trọng trong tác chiến phòng ngự. Đây là điểm cao nhất trong xã Thanh Thủy, rất có giá trị về quân sự. Từ đây nhìn về phía ta, không chỉ quan sát, nắm được mọi hoạt động ở khu vực xã Thanh Thủy, một phần xã Thanh Đức, mà khi thời tiết tốt, có thể quan sát đến TP.Hà Giang.
Ký ức người lính ngày trở về mặt trận Vị Xuyên: Có những người hy sinh rất trẻ
"Từ tháng 8.1978, đã có 1 đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) chốt giữ điểm cao 1509. Rạng sáng 28.4.1984, sau gần 1 tháng bắn phá ác liệt, phía Trung Quốc sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh tăng cường, tiến công điểm cao 1509 (lúc này do Đại đội 6 bộ binh thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313, Quân khu 2 phòng ngự) và chiếm giữ vào buổi chiều 28.4.1984.
Tháng 10.1989, lính chủ lực Trung Quốc rút khỏi điểm cao 1509. Nơi đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Hàng trăm bộ đội ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng mỏm đá, từng thước đất, từng mét chiến hào. Các trận đánh ở điểm cao 1509 mãi đi vào lịch sử", đại tá Trần Đình Xuất nói vậy.
Bình luận (0)