Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là địa chỉ nổi tiếng về mộc mỹ nghệ bao đời nay.
Làng mộc Mỹ Xuyên đã có từ gần 3 thế kỷ nay
- Ảnh: Tuyết Khoa |
Tuy nhiên, số phận của làng nghề này cũng phải trải qua bao thăng trầm, có khi tưởng chừng như mai một.
Từ thời nhà Nguyễn làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên đã nổi tiếng khắp xứ. Điều này được thực chứng bằng những công trình còn mãi đến ngày nay như hệ thống nhà rường cổ Phước Tích, các công trình kiến trúc gỗ ở TP.Huế, hay các đình, chùa, miếu, vũ ở nhiều vùng đất miền Trung... Đặc biệt là nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng năm 1881, một công trình tiêu biểu tọa lạc tại trung tâm của làng. Tinh hoa mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên là ở bàn tay khéo léo của người thợ. Họa tiết khắc chạm mang nét riêng, độc đáo, tinh tế pha lẫn cái hồn của người thợ. Đường nét tưởng chừng như tĩnh nhưng cực kỳ động, mang tính cổ xưa.
Chiến tranh kéo dài, làng nghề bị xáo trộn bởi cảnh loạn lạc. Mặc khác nhu cầu thị trường cũng thấp. Làng nghề bị đứt đoạn và tưởng chừng như mai một. Sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, HTX điêu khắc mỹ nghệ Mỹ Xuyên được thành lập bởi nghệ nhân Lê Độ Túy, một bàn tay vàng trong làng điêu khắc mỹ nghệ, nổi danh khắp vùng. Sản phẩm đi khắp nơi, xuất khẩu sang tận châu Âu… Thế nhưng, hoạt động được khoảng 15 năm, HTX giải tán vì làm ăn thua lỗ. Rất nhiều thợ giỏi phân tán khắp nơi, có người ra Bắc kẻ vào Nam. Năm 2003, DN mộc mỹ nghệ xuất khẩu của nghệ nhân Lê Văn Mân thành lập. Sản phẩm đi rất nhiều nơi trong và ngoài nước. Tình hình kinh tế của làng lên trông thấy. Vì hầu hết đàn ông con trai trong làng đều là thợ mộc và làm tại DN này. Nhiều thợ lang bạc các nơi cũng trở về. Đến 2006, DN bất ngờ phá sản. Một lần nữa, làng nghề lại không thể đứng vững và tiếp tục hoạt động. Lê Văn Thương, người làng Mỹ Xuyên chia sẻ: “Đàn ông ở đây đa phần ai cũng biết nghề này. Tôi cũng vậy. Nhiều năm trước, nhiều thợ không bám được nghề ở quê nên đành tha phương cầu thực…”.
Chinh phục thị trường
Những năm trở lại đây, làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên đã mang sắc màu mới với nhiều khởi sắc hơn với 11 cơ sở cùng 2 DN lớn đang hoạt động tốt, ngày càng mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu.
Năm 2006, ông Lê Văn Trực, vốn là một tay thợ giỏi có tiếng, chủ DN Thường Trực hiện nay, đã mạnh dạn mở cơ sở và tiếp tục gây dựng thương hiệu. Đi lên từ một cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở của ông đã trở thành một cơ sở mạnh với tổng thu nhập hàng năm lên vài tỉ đồng. Sản phẩm hướng đến là nội thất đồ cổ và nhà rường. Nhiều sản phẩm, đặc biệt là nhà rường đã ra bắc vào nam với giá trị mỗi ngôi nhà từ 1 - 1,5 tỉ đồng. Theo ông Trực, làng mộc phát triển trở lại là ước vọng của dân làng Mỹ Xuyên. Với tay nghề cao cùng với uy tín và chất lượng, sản phẩm của làng nghề Mỹ Xuyên rất được khách hàng ưa chuộng…
Tiếp bước ông Trực, nhiều cơ sở được thành lập với nhiều chính sách vay vốn. Trong khi DN Thường Trực chuyên về nhà rường thì cơ sở Lê Văn Hưu nổi tiếng với sản phẩm tượng gỗ chạm khắc cao cấp, cơ sở Lê Văn Dũng chú trọng hàng nội thất cao cấp với hoa văn chi tiết, tinh vi. Hiện tại, mỗi cơ sở có từ 10 - 20 thợ, thu nhập mỗi thợ một tháng từ 5 - 8 triệu đồng. Nếu có dịp đi ngang làng Mỹ Xuyên, tiếng cưa xẻ, bào đục âm vang ngay đầu làng. Sản phẩm tỏa khắp mọi miền và trở thành thương hiệu hàng đầu về mộc mỹ nghệ.
Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết: “Trải qua nhiều thăng trầm thì hiện nay làng mộc Mỹ Xuyên đã có nhiều khởi sắc đáng mừng. Nhiều thợ làm thuê ở khắp các tỉnh thành đã trở về quê lập nghiệp và ổn đinh cuộc sống…”.
Bình luận (0)