Taliban là ai?
Taliban là một phong trào Hồi giáo dòng Sunni từng cầm quyền tại Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2006, khi chế độ của phong trào này bị các lực lượng Liên minh phương Bắc, Mỹ và NATO lật đổ. Sau đó, Taliban đã tái tập hợp và từ năm 2004 đã khôi phục phong trào đấu tranh du kích chống các chính phủ Afghanistan và Pakistan cũng như các lực lượng đồng minh NATO.
Cầm đầu phong trào Taliban là giáo chủ Mullah Mohammed Omar. Các chỉ huy ban đầu của Omar là một tập hợp các cựu chỉ huy đội phụ trách đơn vị nhỏ và giáo viên các trường Hồi giáo. Đa số thành viên Taliban là người Pashtun ở miền nam Afghanistan và miền tây Pakistan, cùng với một số lượng nhỏ tình nguyện viên từ các nước hoặc khu vực Hồi giáo ở Bắc Phi, Trung Đông...
Taliban tiếp nhận sự huấn luyện, các nguồn tiếp tế và vũ khí của Chính phủ Pakistan, đặc biệt là Cơ quan tình báo Pakistan (ISI), cũng như những tân binh từ các trường Hồi giáo dành cho người Afghanistan, đặc biệt là những trường do Jamiat
Ulema-e-Islam, phái quan trọng nhất trong Taliban, điều hành. Stephen Cohen, một nhà phân tích về Nam Á, cho biết ban đầu Taliban chỉ nhằm mục đích giành lại quyền lực ở Afghanistan, và rồi tổ chức này nhận thấy Paskistan là nơi thích hợp cho một cuộc nổi dậy tương tự. Và trước khi Pakistan đảo ngược sự hậu thuẫn của họ dành cho Taliban, ảnh hưởng của phong trào này đã gia tăng ở các địa phương như Sindh, North West Frontier, Balochistan và Karachi. Thung lũng Swat thuộc tỉnh North West Frontier đã rơi vào tay lực lượng này cách đây 2 năm. Gần đây, Taliban đã tiến vào các huyện phía nam, áp sát thủ đô Islamabad và gây báo động ở Washington.
Đầu não
Hồi tháng 3, ông Richard Holbrooke, đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan và Pakistan, nói rằng Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan, có thể là trung tâm đầu não của Taliban. Đây là nơi trú ẩn của các lãnh đạo cấp cao của Taliban, trong đó có Mullah Mohammed Omar và thủ lĩnh Taliban tại Pakistan là Baitullah Mehsud. Theo báo New York Times dẫn các nguồn tin từ chính phủ và giới chức quân đội Mỹ, từ Quetta, các lãnh đạo Taliban chỉ đạo các chỉ huy chiến trường, quyên góp tiền bạc của các nhà tài trợ Trung Đông và chuyển súng ống và tân binh ra chiến trường. Tình báo Mỹ cho biết hàng chục thành viên trong ban lãnh đạo Taliban tại khu vực này đang ẩn náu trong các trại tị nạn dành cho người Afghanistan gần Quetta hoặc ở một số khu vực của người Afghanistan trong thành phố này.
Cũng theo tờ báo trên, giới chức Mỹ và phương Tây lâu nay nghi ngờ rằng các lực lượng an ninh hành động quá ít trong việc đối phó với sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao Taliban ở Quetta. Đáp lại, các quan chức Pakistan nói rằng họ thiếu thông tin tình báo đáng tin cậy về những địa điểm cụ thể của các lãnh đạo Taliban. Tiêu diệt các lãnh đạo Taliban ở Quetta và cắt nguồn tiếp tế từ đây vào Afghanistan góp phần quan trọng trong kế hoạch bình ổn Afghanistan của Mỹ.
Sức mạnh của Taliban
Theo hãng tin McClatchy dẫn lời các chỉ huy Mỹ, Taliban có khoảng 7.000 đến 11.000 thành viên tính đến năm 2008. Trong cuộc đọ sức với quân đội ở thung lũng Swat hiện tại, ước có khoảng 5.000 tay súng Taliban. Tuy nhiên, mối nguy từ Taliban đang lớn dần khi các nhóm tay súng cực đoan lẻ tẻ đang hợp lực chống lại chính phủ dân sự của Tổng thống Asif Ali Zardari và nhiều khả năng bắt tay với Taliban. Chẳng hạn, theo hãng tin AP, tỉnh Punjab của Pakistan từ lâu là nơi có nhiều nhóm thánh chiến từng tập trung chống sự quản lý của Ấn Độ tại lãnh thổ Kashmir; và tại Afghanistan, họ chống Liên Xô và sau đó chống NATO. Các nhóm này, vốn từng được Chính phủ Pakistan trước đây ủng hộ, đang quay mũi súng vào chính phủ đương nhiệm và các lực lượng an ninh.
Hai năm nỗ lực chiếm lại thung lũng Swat không thành, Chính phủ Pakistan hồi tháng 2 ký thỏa thuận với Taliban cho phép áp dụng luật Hồi giáo tại thung lũng Swat để đổi lấy việc lực lượng này ngừng các hoạt động bạo lực. Tuy nhiên, Chính phủ Pakistan đã bị chỉ trích nặng nề từ phía Mỹ. Nỗi lo ngại gia tăng sau khi Taliban được thế lấn sâu hơn xuống các huyện phía nam, có huyện chỉ cách thủ đô chỉ 100 km.
Dưới sức ép của Washington, Pakistan hôm 7.5 đã tung “cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước” để chặn bước tiến của Taliban. Tuy nhiên, hãng tin AFP dẫn lời các nhà phân tích nói rằng bất chấp việc có 700.000 binh lính cùng các loại vũ khí hiện đại, Pakistan sẽ gặp những khó khăn cả về quân sự lẫn chính trị. Địa hình núi non ở vùng tây bắc và khả năng thương vong dân thường tăng cao là điều mà Chính phủ Pakistan phải xem xét kỹ. Đó là chưa kể nếu không có một chiến lược cho thời hậu chiến. dư luận ở vùng tây bắc sẽ ngả về hướng có lợi cho các nhóm cực đoan, đặc biệt là Taliban.
Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ David Petraeus trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News hôm 10.5 đã tỏ vẻ hài lòng khi Pakistan chuyển quân từ khu vực phía đông giáp Ấn Độ sang vùng tây bắc. Điều đó cho thấy Pakistan giờ đây đã thừa nhận mối họa từ Taliban lớn hơn sự hiềm khích với Ấn Độ.
Trùng Quang
Bình luận (0)