Mối liên quan giữa mặt trăng và động đất

19/09/2016 21:45 GMT+7

Nhà địa chất học Satoshi Ide của Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã trình bày phát hiện mới trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature Geoscience gần đây.

Theo đó, kết nối những đợt thủy triều lớn với một số trận động đất gần đây đã cho thấy trong lúc lực hút từ mặt trăng tạo tác động lên các đại dương, nó đồng thời cũng gây áp lực lên các đứt gãy yếu ớt của vỏ trái đất.
“Chúng tôi phát hiện những cơn địa chấn cường độ mạnh, bao gồm trận động đất ở Ấn Độ Dương vào năm 2004, Maule ở Chile năm 2010, và Tohoku-Oki năm 2011 ở Nhật Bản, có khuynh hướng xuất hiện gần thời điểm diễn ra áp lực triều cường mạnh nhất”, theo báo cáo.
Thủy triều trái đất lên xuống hai lần mỗi ngày, và được kiểm soát bằng lực hút từ mặt trăng và mặt trời. Cứ mỗi nửa tháng, vào thời điểm trăng non và trăng tròn, thủy triều dâng lên mức cao nhất do mặt trời và mặt trăng sắp thẳng hàng, khiến lực hút gộp lại trên một đường thẳng, tạo ra hiệu ứng gọi là con nước triều.
Để đo đạc áp lực mà tổ hợp 2 thiên thể này tác động lên các đứt gãy, tiến sĩ Ide thu thập những thời điểm thủy triều dâng cao 2 tuần trước các cơn địa chấn lớn trong 2 thập niên qua, và sử dụng dữ liệu để tính toán biên độ thủy triều.
Từ đó, nhóm chuyên gia Nhật Bản xác định xác suất một vết nứt nhỏ mở rộng thành đứt gãy lớn gia tăng cùng với áp lực từ thủy triều.
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nghiên cứu trên có thể hỗ trợ dự đoán thời điểm diễn ra các trận động đất trong tương lai, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, tờ USA Today dẫn lời nhà địa chấn học John Vidale của Đại học Washington cho hay dù có mối liên hệ mạnh mẽ giữa các trận động đất lớn với chu kỳ trăng non hoặc trăng tròn, khó có thể đưa ra dự đoán sớm về một cơn địa chấn chết chóc dựa trên phương pháp vừa được đề xuất. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.