Mỗi lít xăng sẽ 'cõng' thêm 2000 đồng thuế môi trường

10/03/2015 14:21 GMT+7

(TNO) Sáng nay (10.3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc tăng thuế suất bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu.

(TNO) Sáng nay (10.3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc tăng thuế suất bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu.

Việc tăng thuế suất bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được Chính phủ cho rằng sẽ không có tác động lớn đến thị trường - Ảnh : Ngọc Thắng

Theo đó, thuế suất với xăng (trừ ethanol), sẽ tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000đồng/lít, thuế suất với nhiên liệu bay từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Tương tự mức tăng với dầu diesel từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít, dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít, dầu mazút từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít, dầu nhờn từ 400 đồng/lít lên 900 đồng/lít, mỡ nhờn từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu trên là khoảng 35.579,8 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 23.719,8 tỉ đồng/năm.

Chính phủ cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ đảm bảo phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu. So sánh với giá xăng dầu của các nước trong khu vực thì giá xăng Ron 92 của Việt Nam nếu cộng thêm mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn giá xăng Ron 92 của một số nước trong khu vực tại thời điểm 22.1.2015, như thấp hơn Campuchia: 4.531 đồng/lít; Lào: 6.970 đồng/lít; Trung Quốc: 333 đồng/lít; Thái Lan: 13 đồng/lít.

Chính phủ cũng cho biết trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, vì theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP 3.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu là những yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường sẽ được tiến hành song song với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến giá xăng, dầu trong nước.

Ông Dũng cho biết theo cam kết ASEAN, thuế nhập khẩu xăng, dầu của Việt Nam sẽ giảm từ 35% xuống còn 25%, khoản điều chỉnh giảm này nhiều hơn khoản điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít. Do vậy, nếu tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng thì giá xăng không những không tăng, mà còn có thể giảm.

Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông

Liên quan đến đề nghị cần điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông, Tờ trình của Chính phủ cho biết khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông theo Luật thuế bảo vệ môi trường là 30.000 - 50.000 đồng/kg, hiện hành đang quy định mức thuế cụ thể là 40.000 đồng/kg. Theo đó, nếu điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông thì chỉ có thể tăng lên mức trần là 50.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Với mức tăng 10.000 đồng/kg thì số thu ngân sách nhà nước đối với túi ni lông dự kiến sẽ tăng khoảng 17,5 tỉ đồng so với số thu ước thực hiện năm 2014 (70 tỉ đồng). Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng không giải quyết được cơ bản những vướng mắc trong quản lý thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông hiện nay. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông sau khi tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.