Mỏi mòn chờ duyệt mẫu tượng Nguyễn Hữu Cảnh

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/07/2018 06:41 GMT+7

Lễ giỗ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ngày 29.6 (tức 16.5 âm lịch) diễn ra tại TP.HCM vừa qua vẫn chưa có tượng cụ để người dân thờ cúng, chiêm bái. Trong khi đó, tượng mẫu vẫn phải... quấn ni lông chờ duyệt.

Trong công cuộc khẩn hoang, khai phá đất phương nam, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công rất lớn đặt nền hành chính xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định. Tháng 8.2014, Thành ủy TP.HCM đã cho triển khai xây dựng đền và tượng thờ cụ đặt tại Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (P.Long Bình, Q.9, TP.HCM) với tổng kinh phí 82 tỉ đồng trong khuôn viên gần 7.500 m2. Năm 2015, công trình khởi công. Tháng 6.2016, đền đã khánh thành, nhưng cho đến nay phần tượng thờ vẫn chưa xong.
Ba năm tranh cãi và chỉnh sửa
Báo Thanh Niên số ra ngày 9.7.2016 đăng bài Gian nan tìm tượng Nguyễn Hữu Cảnh phản ánh việc tạc tượng cụ - một nhân vật lịch sử - nhưng Hội đồng nghệ thuật lại không tham khảo ý kiến các nhà sử học, khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Nhà điêu khắc Lê Lang Biên, tác giả mẫu tượng, cho biết: “Sau đó, tôi được Hội đồng nghệ thuật cung cấp nhiều tư liệu quý từ Hội Khoa học lịch sử TP để hoàn thiện 3 mẫu phác thảo tượng bằng chất liệu composite, chiều cao 70 cm, thể hiện 3 tư thế khác nhau”.
Hội Khoa học lịch sử TP.HCM có văn bản nhận xét: “Tổng thể mẫu tượng đưa ra lần này đáp ứng được quy chuẩn chung của tượng thờ: nghiêm trang, trang phục phù hợp, thẩm mỹ... Đặc biệt phần trang phục đáp ứng đúng yêu cầu về mặt phẩm phục của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo tư liệu sử học. Các chi tiết hoa văn thể hiện rõ ràng, mang tính mỹ thuật cao. Về thần thái, các mẫu tượng trình bày đẹp, tư thế ngồi thể hiện phù hợp với phong cách tượng thờ...”.
Khi đưa ra Hội đồng nghệ thuật, mẫu tượng lại gây tranh cãi. Bà Phan Gia Hương, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng: “Nếu theo Hội Khoa học lịch sử đề xuất, tôi nghĩ chưa đúng với tinh thần của Nguyễn Hữu Cảnh là một vị quan rất năng động và làm nhiều việc vì dân vì nước”. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng cho rằng: “Ở mẫu lần trước, tuy không đúng theo nghiên cứu lịch sử nhưng lại đúng với suy nghĩ của lòng dân từ trước đến nay, thể hiện tính võ nhiều hơn. Mũ như mẫu phác thảo lần này nếu không giới thiệu thì khó nhận ra cụ. Tham khảo tất cả hình tượng thờ cụ trong dân gian, dù chỉ là tranh vẽ nhưng rất oai phong, thu phục được sự kính nể của người xem...”.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười góp ý thêm: “Mẫu số 1 tay cầm hốt là thể hiện tại thời điểm đứng chầu vua, trong khi muốn thể hiện tượng cụ trước dân thì không nên cầm hốt. Cần xem xét tỷ lệ giữa tượng và ghế để tư thế ngồi vững chãi...”.
Mẫu tượng đang phải quấn ni lông bảo quản
Điêu khắc gia lại tiếp tục chỉnh sửa. Tháng 4.2017, tác giả phác thảo tượng tỷ lệ 1:1 để báo cáo. Ngày 28.3.2018, Hội đồng nghệ thuật họp. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, kết luận: “Tư liệu khắp các tỉnh thành có đền thờ, tượng cụ không có hình mẫu chính xác nào để làm chuẩn mà mỗi nơi mỗi khác nên việc góp ý sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và kéo dài buộc phải chỉnh sửa mãi. Tôi đề nghị khi tác giả chỉnh sửa xong mẫu tượng bằng đất sét sẽ trình ban thường vụ luôn...”. Ngày 26.4.2018, 5 thành viên Hội đồng chuyên ngành điêu khắc trực tiếp lên xưởng tác giả để xem xét, bỏ phiếu và đều đồng ý với mẫu tượng đất sét được hoàn thiện để chuẩn bị đưa đi đổ đồng. Tuy nhiên, mọi việc bị ngưng lại vì phải chờ Thành ủy TP.HCM duyệt.
Tượng mẫu quấn ni lông
Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, vô cùng sốt ruột trước tình trạng mẫu tượng bằng đất sét để quá lâu sẽ bị xuống cấp.
PV Thanh Niên đã có mặt tại xưởng điêu khắc của tác giả Lê Lang Biên (Q.12, TP.HCM). Mẫu tượng đất sét tỷ lệ 1:1 đang được quấn kín bằng ni lông để bảo quản. Điêu khắc gia Biên rất lo lắng sợ mẫu tượng bị thời tiết phá hỏng, nên lâu lâu ông và các cộng sự lại phải gỡ ni lông ra xịt nước giữ ẩm, vì nếu không làm thế, đất sét sẽ bị nứt, bong tróc thì không thể đổ composite được.
“Tôi đã không dưới 3 lần nhận được thông báo của Văn phòng Thành ủy đề nghị sắp xếp, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để Thành ủy TP.HCM lên thông qua mẫu tượng, nhưng cuối cùng lại nhận được điện thoại báo các lãnh đạo bận họp nên đành phải chờ thôi...”, anh nói.
Ngày 4.5.2018, Ban Quản lý Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc có văn bản đề nghị: “Do mẫu tượng bằng chất liệu đất sét, thời gian bảo quản đã rất lâu (xuất hiện tình trạng rêu mốc, nứt), nếu thời gian kéo dài sẽ khó khăn trong công tác bảo quản, kính trình Ban Thường vụ Thành ủy sớm sắp xếp tổ chức họp thông qua mẫu tượng...”.
Phải chờ Thành ủy sắp xếp lịch
Tối 7.7, trả lời Thanh Niên, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thành viên Hội đồng nghệ thuật xét chọn mẫu tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết việc duyệt mẫu tượng vẫn phải chờ Thành ủy sắp xếp lịch và bà cũng chưa biết thời gian nào sẽ duyệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.