Báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 17.10, về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay, kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có tới 5.639 văn bản trái pháp luật. Như vậy, tính trung bình, 1 ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành.
Theo bà Hải, đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều, mặc dù đã được Bộ Tư pháp thường xuyên thẩm định, kiểm tra, đánh giá, các bộ, ngành và địa phương quan tâm xử lý, khắc phục, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều và đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 1995 - 2015, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp kiểm tra 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành.
“Cử tri cho rằng, không khó để thống kê những văn bản vi phạm, nhưng rất khó tìm thấy một cơ quan, đơn vị hay một công chức bị xử lý trách nhiệm, mặc dù luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ thẩm quyền ban hành cũng như những yêu cầu khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Bên cạnh đó, luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, luật Cán bộ công chức cũng đều đã đề cập việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người vi phạm”, bà Hải nêu.
Chống "tham nhũng vặt" chưa thực sự hiệu quả
Ngoài vấn đề nêu trên, báo cáo của Ban Dân nguyện Quốc hội cho thấy, chống tham nhũng vặt chưa hiệu quả; tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, thoát nghèo thiếu bền vững,… là những hạn chế của việc giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Theo bà Hải, cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính (làm chứng minh thư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị phạt vi phạm khi tham gia giao thông,...) ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
“Những biểu hiện tiêu cực này người dân thường bắt gặp và đối diện hàng ngày, nhưng lại chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, mà không được phát hiện thông qua công tác đấu tranh nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức”, bà Hải nêu.
Bên cạnh đó, theo bà Hải, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng số người chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cho thấy các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Riêng trong quý 3, số người chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã tăng 21,56% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước có 23 địa phương có số người chết tăng, đặc biệt 3 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, số liệu 9 tháng năm 2018 cho thấy, toàn quốc xảy ra hơn 13.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.000 người.
“Cử tri mong muốn, Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá tìm ra những giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn để kiềm chế tai nạn giao thông”, bà Hải nêu.
Bình luận (0)