Cơ quan chức năng lập hồ sơ quản lý 5.500 người là con bạc thường xuyên của các casino
340 người thua bạc ở lại làm thuê cho các sòng bạc bị lập danh sách
Biên giới tây nam có chiều dài 1.270 km, trải dài qua 10 tỉnh, gồm: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông. Toàn tuyến biên giới này có 10 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu quốc gia, 8 cửa khẩu địa phương và rất nhiều các đường tiểu ngạch, lối mòn qua lại giữa hai nước.
Phụ nữ VN đang tham gia sát phạt ở casino tại Campuchia - Ảnh: Tiến Trình
|
Vào casino phần lớn là phụ nữ
|
Chỉ riêng trong năm 2014, cơ quan công an xác định có hơn 1,6 triệu lượt người VN xuất cảnh và vượt biên trái phép sang Campuchia, trong đó có 234.120 lượt người có dấu hiệu đánh bạc. Cơ quan công an cũng đã lập hồ sơ quản lý 5.500 người thường xuyên sang Campuchia đánh bạc, cho vay, cầm đồ, môi giới hoạt động phục vụ đánh bạc tại các casino, trường gà, đối tượng có tiền án tiền sự về hành vi đánh bạc...
Đáng chú ý, tại An Giang 90 trường hợp đi đánh bạc thì có đến 85 là phụ nữ. “Hiện số lượng người VN sang Campuchia đánh bạc qua các cửa khẩu trung bình mỗi ngày từ 100 - 150 người, trước đây thì từ 400 - 500 người. Các con bạc đến casino phần lớn là phụ nữ, chiếm 60 - 70%”, đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết.
Thua bạc bị giết, mất tích...
Theo cơ quan chức năng, so với những năm trước đây, tình hình người VN sang Campuchia đánh bạc đã giảm đi nhiều do có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới tây nam.
Tuy nhiên theo đại tá Vũ Hoàng Kiên, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Có nhiều loại hình, phương thức thủ đoạn mới xuất hiện, như có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người của Campuchia, VN và quốc tế; sử dụng công nghệ cao để kết nối hoạt động giữa các casino về VN và các nước khác, tạo thành mạng lưới xuyên quốc gia, có dấu hiệu liên quan đến một số địa bàn như: Ma Cau, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia... gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh.
“Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới VN - Campuchia thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các hành vi vi phạm xảy ra chủ yếu trên lãnh thổ Campuchia, nạn nhân khi trở về VN thường không trình báo với chính quyền địa phương, một số người thua bạc bị giết, mất tích nhưng gia đình, người thân không có thông tin xác thực; thậm chí còn có trường hợp tung tin bị bắt, đánh đập để gây sức ép với người thân nhằm có thêm tiền để đánh bạc tiếp... khiến công tác điều tra, xác minh xử lý các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật qua biên giới ở Campuchia gặp nhiều khó khăn. Sự hợp tác song phương giữa các cơ quan chức năng của VN và Campuchia có lúc còn chưa thuận lợi, chặt chẽ, chưa đạt hiệu quả”, ông Kiên cho biết thêm.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa
|
Phát biểu tại hội nghị, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho rằng tình hình người VN sang Campuchia đánh bạc nói chung và phụ nữ sang Campuchia đánh bạc nói riêng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nếu như không có sự chủ động, phối hợp căn cơ của các cơ quan chức năng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng công an và Hội LHPN VN trong tuyên truyền ngăn chặn phụ nữ sang Campuchia đánh bạc, ông Tuyến đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tệ nạn cờ bạc ngay từ trong gia đình. “Tăng cường đồng bộ công tác đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn đánh bạc; hỗ trợ, giúp đỡ, quản lý những người có nguy cơ cao, tập trung xóa đói, giảm nghèo ở các địa bàn trọng điểm; phát động, hướng dẫn, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tố giác tội phạm; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời”, ông Tuyến nói.
Bình luận (0)