Mối nguy rượu độc bủa vây: Hôn mê, tử vong vì rượu

Duy Tính
Duy Tính
24/08/2022 08:40 GMT+7

Theo các chuyên gia, ngộ độc rượu là do uống rượu chứa methanol, rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, hoặc uống quá nhiều...

Ngày 16.8, bệnh nhân (BN) sau cùng trong 2 vụ ngộ độc methanol điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM, đã xuất viện nhưng BN này đã bị di chứng sau tổn thương não.

Ngộ độc rượu methanol tuần nào cũng có người cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai

Chỉ trong 2 ngày (3.8 và 5.8), tại TP.HCM đã xảy ra 2 vụ uống rượu sau đó bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) khiến 13 người nhập viện và 2 người tử vong.

Nhiều người chết vì rượu độc

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do rượu tại Q.8, Tân Bình và Bình Tân với 22 người ăn uống, trong đó có 7 người tử vong.

Ngoài ra, năm 2021 Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã xác minh, điều tra các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra tại các quận: 1, 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và H.Bình Chánh với 34 người ăn uống, trong đó có 24 người nhập viện và 14 người tử vong. Một số vụ chưa đủ cơ sở kết luận là NĐTP xảy ra tại Q.1, Tân Bình và H.Bình Chánh có 9 người nhập viện và 7 người tử vong.

Các bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Trả lời PV Thanh Niên về việc ngộ độc rượu chứa methanol gây tử vong, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM, khẳng định thực tế là do rượu giả mạo mới dễ bị ngộ độc, vì người ta dùng cồn methanol làm rượu nên uống vào sẽ gây chết người.

Vì sao dùng cồn methanol làm rượu ? Theo PGS-TS Phong Lan là vì lợi nhuận, do cồn công nghiệp rẻ hơn nhiều so với gạo nấu thành rượu, do “người bán tham”. “Vừa qua, sau giãn cách có một số trường hợp tử vong sau uống rượu mua vài ngàn đồng/xị. Người nghiện rượu thì uống bằng mọi giá nên uống rượu rẻ, rượu trôi nổi dẫn tới ngộ độc rượu. Nhưng xử lý khó vì chủ yếu người mua không chịu khai. Có người vào cấp cứu mà vẫn không chịu khai mua rượu ở đâu. Mời công an vào cuộc thì mới thú thật nơi mua, nhưng tới nơi thì người bán đã dẹp rồi!”, PGS-TS Phong Lan nói.

Gây tổn thương đa tạng

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng Đơn vị hồi sức chống độc, BV Chợ Rẫy, cho biết trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại rượu, như: Isopropanol, ethanol, methanol, ethylen glycon… Nhưng chỉ có rượu ethanol để uống, còn lại các loại khác dùng trong công nghiệp hay mục đích khác. Uống rượu, dù là rượu ethanol, nếu quá liều lượng thì vẫn bị ngộ độc.

“Mỗi năm BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 50 ca ngộ độc rượu khác nhau, trong đó do methanol khoảng 20 ca, tử vong không quá 5 ca do vào viện trễ. Ngộ độc rượu khó chẩn đoán nếu ở cơ sở không đầy đủ xét nghiệm. Mặt khác, bản thân người bị ngộ độc rượu cũng được nhận diện hơi trễ, điều này lý giải tại sao trong một nhóm người uống rượu có 1 người tử vong hay 1 người nhập viện thì những người khác mới tới BV”, TS-BS Hùng thông tin.

Theo TS-BS Hùng, methanol là cồn công nghiệp không dùng để uống mà làm dung môi sản xuất các dung dịch khác như sơn móng tay, rửa máy móc, phun sơn… được sử dụng rộng rãi. Methanol còn được gọi là methyl alcohol hay rượu gỗ. Methanol không màu, dễ bay hơi, dễ cháy và hòa tan tốt trong nước. Methanol có mùi nhẹ và khác biệt rõ với ethanol. Theo ông, có 2 dạng ngộ độc methanol, đó là uống trực tiếp (tự vẫn) chỉ trong 30 phút thì tất cả triệu chứng ngộ độc xảy ra. Dạng thứ 2 là uống phải loại rượu người bán pha thêm rượu methanol vào để tăng độ “phê”. Trong một bàn rượu có người uống nhiều, người uống ít, người uống nhiều sẽ có biểu hiện ngộ độc sớm hơn.

“Ở trường hợp thứ 2, khi uống rượu ethanol pha methanol, giai đoạn đầu cơ thể say rượu ethanol. Khi hết ethanol thì cơ thể sẽ chuyển hóa methanol và lúc này mới bắt đầu ngộ độc methanol, tức khoảng 12 giờ sau uống rượu. Methanol hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa vào máu. Nồng độ đỉnh đạt được từ 30 đến 240 phút, chủ yếu chuyển hóa qua gan hơn 85%, còn số ít đào thải nguyên vẹn qua thận 3% và hơi thở là dưới 10%. Bản thân methanol có độc tính nhẹ nhưng chất chuyển hóa nó lại có độc tính rất cao. Nghĩa là khi methanol vào cơ thể và chuyển hóa thành formaldehyde và chất formic acid - chất rất độc gây tổn thương đa tạng”, TS-BS Hùng nói.

Ở giai đoạn ngộ độc methanol, người bệnh giảm thị giác, sung huyết đĩa thị, phù gai thị, giật nhãn cầu theo chiều thẳng đứng và xoay. Ở giai đoạn sau, đĩa thị nhợt và giảm đáp ứng của đồng tử đối với ánh sáng là những dấu hiệu tiên lượng xấu. BN có thể bị mù hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Về hô hấp, BN thở nhanh. Về tiêu hóa, BN đau bụng dữ dội, chán ăn, buồn nôn và nôn ói. Ở thần kinh, BN biểu hiện đa dạng từ cảm giác đau đầu nhiều, lơ lửng, hưng cảm, bồn chồn cho đến lẫn lộn, ngủ lịm, co giật, hôn mê.

Ngoài ra còn có thể gặp triệu chứng cổ cứng, có thể liên quan đến nhồi máu não, xuất huyết não hay tụt não... Ở tim mạch, nhịp tim chậm, suy tim và tụt huyết áp khi ngộ độc nặng. Ở tiết niệu, BN biểu hiện suy thận cấp với thiểu niệu hay vô niệu, nước tiểu đỏ hay sẫm màu.

Hai bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức

BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Uống bao nhiêu rượu có thể ngộ độc ?

Theo Ban Quản lý ATTP TP, methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành formaldehyd và axit formic. Chỉ cần uống 5 - 15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong.

Do vậy, để phòng chống ngộ độc rượu, bên cạnh kinh doanh, sản xuất, sử dụng rượu hợp pháp, Ban Quản lý ATTP TP kêu gọi người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol hơn 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không được công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10 gr cồn), tương đương: 30 ml rượu mạnh (40 - 43 độ); 100 ml rượu vang (13,5 độ); 330 ml bia hơi (5 độ); 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).

Còn theo khuyến cáo của TS-BS Lê Quốc Hùng, kể cả rượu ethanol cũng có thể gây chết người, nếu uống trên 200 mg/dL thì có khả năng hôn mê, trên 400 mg/dL là có thể chết. Do đó, vấn đề là không uống nhiều. TS-BS Hùng cảnh báo: Với người sau uống rượu bị mờ mắt, ói mửa, li bì là dấu hiệu ngộ độc rượu và nên đưa đi BV sớm. Vì ngộ độc rượu nào cũng nguy hiểm đến tính mạng nếu không theo dõi.

Về kiểm tra rượu, năm 2017, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã giám sát đột xuất lấy 5 mẫu rượu truyền thống để xét nghiệm, kết quả 5 mẫu đạt. Năm 2019, kiểm tra lấy 140 mẫu rượu trắng, rượu ngâm, trong đó có 4 mẫu không đạt. Năm 2021, kiểm tra lấy mẫu 50 mẫu rượu sản xuất thủ công, có 5 mẫu không đạt.

(còn tiếp)

Mối nguy rượu độc bủa vây

Rượu độc bán tràn lan

Rượu chế bằng men dỏm, cồn rửa tay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.