Mối nguy từ hàng Trung Quốc: Hàng lậu sống, doanh nghiệp sẽ chết!

06/06/2009 00:47 GMT+7

Khi doanh nghiệp trong nước chật vật xoay xở ngay trên thị trường nội địa thì hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc lại ngang nhiên tràn vào giành giật thị phần và đánh bật hàng hóa của họ. * QLTT không thể đổ thừa do lực lượng mỏng! * Hai “nguồn” hàng lậu: Lạng Sơn, Móng Cái

Ai để hàng lậu tác oai, tác quái?

Vì là hàng nhập lậu nên chưa có một con số thống kê chính thức nào được công bố, nhưng rõ ràng số tiền mà người dân Việt Nam hằng ngày đã và đang bỏ ra để dung dưỡng hàng nhập lậu Trung Quốc chắc chắn không phải là nhỏ. 

Dưới góc độ kinh tế, hàng nhập lậu không chỉ làm méo mó thị trường mà còn triệt tiêu động lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Những tác hại mà hàng nhập lậu bày bán công khai mọi lúc, mọi nơi gây ra không cần phải bàn cãi; nhưng điều đáng nói là tại sao với bộ máy hoàn chỉnh, các cơ quan chức năng chống buôn lậu, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) lại có thể để cho hàng nhập lậu tác oai, tác quái như vậy?

Đành rằng, với một đường biên giới dài và địa hình hiểm trở, việc kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới có khó khăn, nhưng không thể viện lý do đó để giải thích cho việc hàng nhập lậu ùn ùn chở đi tiêu thụ công khai, nhởn nhơ trên mọi nẻo đường. Những ai từng có dịp đi trên những chuyến xe có chở hàng lậu sẽ dễ dàng hiểu được tại sao hàng nhập lậu lại có thể dễ dàng vượt qua “tai, mắt” của các trạm kiểm soát. Hàng nhập lậu không chỉ nuôi béo tư thương mà còn làm giàu cho không ít kẻ thoái hóa, biến chất trong lực lượng chống buôn lậu. 

Đấy là một thực tế khiến mọi người dân yêu nước đều cảm thấy bất bình và đau lòng. Không bất bình sao được khi tiền thuế mà các doanh nghiệp và người dân nộp vào ngân sách nhà nước lại dùng để trả lương cho những kẻ dung túng, tiếp tay cho hàng nhập lậu tràn vào tàn phá lực lượng sản xuất trong nước. Kiểm tra và phát hiện hàng lậu đến một người dân bình thường còn có thể làm được chứ chưa nói đến lực lượng được đào tạo chuyên nghiệp hưởng lương từ tiền đóng thuế của dân. Bởi hiếm có nước nào như nước ta hàng nhập lậu lại được bày bán tràn lan một cách công khai, vô tư. Rõ ràng bộ máy chống buôn lậu của chúng ta đang hoạt động rất kém hiệu quả.

Phải đồng lòng tuyên chiến

Chuyện hàng nhập lậu từ Trung Quốc đã trở thành vấn nạn từ hàng chục năm nay nhưng có vẻ như các cơ quan chức năng vẫn chưa có lời giải. Có lẽ đã đến lúc mọi công dân Việt Nam cần phải vào cuộc, tuyên chiến với hàng lậu mới có hy vọng giải quyết triệt để vấn nạn này. 

Trước mắt, các lực lượng hải quan, công an, bộ đội biên phòng... cần đẩy mạnh hơn nữa việc truy kích các đường dây vận chuyển hàng nhập lậu. Để tránh tình trạng tư thương móc nối với lực lượng chức năng, cần thực hiện luân chuyển địa bàn thường xuyên đối với các lực lượng chống buôn lậu. Một mặt, các lực lượng QLTT cần đẩy mạnh kiểm tra liên tục đối với các quầy hàng có dấu hiệu buôn bán hàng nhập lậu; áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc nhất để răn đe các đối tượng tiêu thụ hàng gian.  Mọi người dân cần ý thức được rằng, không thể vì cái lợi nhỏ nhoi trước mắt mà làm tổn hại đến cả nền kinh tế.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN: QLTT không thể đổ thừa do lực lượng mỏng!

Việc hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, có nguyên nhân chính từ chính sách biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là ta lại không có một hàng rào kỹ thuật đầy đủ. Từ đó, hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam chẳng khác nào "đổ dốc" mà không gặp rào chắn, còn hàng của ta sang Trung Quốc thì như "leo dốc" đụng vật cản.

Việt Nam cần tiến tới ký hiệp định thương mại song phương với Trung Quốc để hạn chế hàng nhập lậu Trung Quốc. Vì nếu Trung Quốc xuất hàng hóa qua Việt Nam theo đường chính ngạch sẽ phải chịu nhiều loại thuế, điều này sẽ "đánh" vào "thành trì" giá rẻ của hàng Trung Quốc. Người dân trong nước sẽ suy nghĩ lại việc lựa chọn hàng Trung Quốc nếu không còn rẻ.  

“Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam chẳng khác nào "đổ dốc" mà không gặp rào chắn, còn hàng của ta sang Trung Quốc thì như "leo dốc" đụng vật cản” Bà Vũ Kim Hạnh

Một biện pháp quan trọng khác là lực lượng QLTT phải thường xuyên kiểm tra, xử lý các mặt hàng nhập lậu trên thị trường. Không thể đổ thừa lực lượng mỏng, làm không xuể, thực sự cứ làm thường xuyên, ráo riết thì người bán phải chùn tay. Một thực tế là hiện nay hàng Việt Nam cứ treo bảng quảng cáo "sale-off" 70% là bị QLTT "hỏi thăm" vì cho là bán phá giá, trong khi hàng nhập lậu còn ghê gớm hơn nhiều việc doanh nghiệp trong nước giảm giá thì lại không kiểm tra rốt ráo. Như vậy, việc thi hành luật pháp đã không công bằng, mà lại không công bằng cho chính doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi cho rằng loạt bài chỉ ra những mối nguy từ hàng Trung Quốc của Báo Thanh Niên thời gian qua là rất cần thiết, cần làm mạnh hơn nữa để định hướng tiêu dùng và tạo thói quen không sử dụng hàng kém chất lượng, độc hại cho người tiêu dùng trong nước.

T.Q.H - Phương Thanh (ghi) 

Hai “nguồn” hàng lậu: Lạng Sơn, Móng Cái

Hàng lậu từ Trung Quốc thâm nhập về Việt Nam chủ yếu ở hai cửa khẩu: Lạng Sơn và Móng Cái (Quảng Ninh). Ở biên giới Lạng Sơn, dân buôn lậu cõng hàng vượt núi trước khi vào Việt Nam. Khi hàng tập kết ở các kho chứa hàng, các chủ hàng sẽ vận chuyển nhỏ lẻ vào bến xe để nhồi nhét vào những xe chở khách ở bến xe Lạng Sơn và 3 bến “cóc” nằm sát với Nhà máy xi măng Lạng Sơn. Còn khi hàng đã vận chuyển về đến các tỉnh, sẽ được xé nhỏ và chủ buôn lậu mang giao cho các đại lý bằng xe tải nhỏ.

Nếu ở cửa khẩu Lạng Sơn, hàng lậu vận chuyển khá lén lút thì tại biên giới Móng Cái nạn buôn lậu lại rất công khai. Hình ảnh người dân quá quen thuộc là hằng ngày từng đoàn xe ôm, xe đẩy, xe kéo tay đầy ngút hàng lậu chạy ầm ầm từ biên giới về tập kết ở bến xe Móng Cái. Mặc dù là bến xe khách nhưng các xe chạy ở bến này có đến 2/3 là xe đã hoán đổi từ xe chở khách sang xe chở hàng. Cũng tại Móng Cái, một thủ đoạn nữa của dân buôn lậu là thường đến mua và đóng hàng ở Trung tâm thương mại Móng Cái (hàng chưa thuế), sau đó thuê xe ôm chở về bến xe để nhồi nhét vào xe. Gần như các cơ quan chuyên trách QLTT, hải quan, cảnh sát kinh tế... ở Móng Cái đã buông lỏng, để tình trạng nạn buôn lậu tung hoành ngay tại cửa khẩu. Đáng nói hơn, từ biên giới Móng Cái về đến các tỉnh, thành theo quốc lộ 18 dài hơn 300 km, nhưng các xe buôn lậu đều "đi đến nơi, về đến chốn" an toàn, vậy các cơ quan chức năng ở các huyện như Tiên Yên, Hà Cối, Hải Hà... ở đâu?.

Hoài Nam

 Doãn Hữu Tuệ
(Giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.