Mỗi tỉnh chỉ có “nửa” người làm công tác thanh kiểm tra ATVSTP!

20/04/2009 01:00 GMT+7

Hôm nay 20.4, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về báo cáo giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trao đổi với PV Thanh Niên về tình hình này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH, đơn vị chủ trì giám sát, cho biết:

Nhìn chung, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề ATVSTP và đã đạt những tiến bộ rõ rệt. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 337 văn bản, các địa phương cũng ban hành được 820 văn bản. Chỉ ở một lĩnh vực mà các bộ, ngành và địa phương đã ban hành được một lượng văn bản như thế đã thể hiện sự quan tâm lớn đến vấn đề này. Tuy nhiên, kinh phí cho VSATTP vẫn còn vô cùng ít ỏi. Năm 2007 – 2008, trung bình mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư cho một người dân có 780 đồng về ATVSTP, giai đoạn 2004 – 2006 còn ít hơn, chỉ đạt khoảng 500 đồng/người. Với mức đầu tư như vậy thì không giải quyết được gì cả.

* Thưa ông, văn bản được ban hành nhiều nhưng liệu tất cả có đi vào cuộc sống ?

Trung bình một tỉnh chỉ có “nửa” người cho công tác thanh tra kiểm tra về ATVSTP. Trung ương thì cả Bộ Y tế mới có 9 người, Bộ NN-PTNT chỉ có 3 người làm thanh tra, kiểm tra. Không có người đi thanh tra kiểm tra thì làm sao nói được, nên vai trò của thông tin đại chúng là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đăng Vang

- Văn bản quá nhiều nên có thể người ta không đọc hết, trong khi hầu hết cán bộ lại kiêm nhiệm. Khi được hỏi có bao nhiêu văn bản liên quan tới ATVSTP được áp dụng, những người tổng hợp về vấn đề này nói các cơ quan T.Ư ban hành có 134, trong khi theo thống kê chưa đầy đủ con số này đã là 337 văn bản, có tỉnh báo cáo có 13 văn bản. Như vậy là họ không nhập tâm hằng ngày, vì đa phần là kiêm nhiệm.

* Ông nhận xét gì về tình trạng hầu hết các vụ vi phạm ATVSTP do người tiêu dùng và báo chí phát hiện, còn cơ quan chức năng phát hiện là rất ít?

- Trung bình một tỉnh chỉ có “nửa” người cho công tác thanh tra kiểm tra về ATVSTP. Trung ương thì cả Bộ Y tế mới có 9 người, Bộ NN-PTNT chỉ có 3 người làm thanh tra chuyên ngành. Không có người đi thanh tra kiểm tra thì làm sao nói được, nên vai trò của thông tin đại chúng là rất quan trọng.

* Dư luận cho rằng, tình trạng vi phạm về ATVSTP tái diễn liên tục là do mức phạt quá thấp?

- Chúng tôi đi giám sát thấy nhiều nơi phàn nàn, kiến nghị luật pháp cần cải tiến làm sao cho mức phạt đủ sức răn đe. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, chúng ta đã phạt 20.130 vụ, trung bình mỗi vụ phạt 862.000 đồng, trong khi theo quy định hiện nay thì chúng ta có thể phạt lên tới 40 triệu đồng, tức là gấp 46 lần so với mức phạt trung bình hiện nay. Ở đây có thể nói là chúng ta chưa kiên quyết trong xử phạt nên chưa đủ mức răn đe, thành ra tái phạm. Như vậy không phải là vấn đề thể chế mà chính là cán bộ. Báo cáo lần này nhấn mạnh đến sự cương quyết của người thực thi.

* Vừa qua, dư luận rộ lên về tình trạng nước tinh khiết đóng chai không đảm bảo chất lượng, Đoàn giám sát có ghi nhận gì về tình trạng này?

- Khi đến các cơ sở sản xuất nước đóng chai, có cơ sở đầu tư tới 5 tỉ đồng nhưng cũng có cơ sở đầu tư chỉ 5 triệu đồng là sản xuất được nước tinh khiết đóng chai. Có tỉnh có 60 cơ sở sản xuất nước tinh khiết nhưng chỉ có 2 “ông” là đầu tư bài bản, còn lại là thủ công. Tình trạng đầu tư 5 triệu đồng để sản xuất nước tinh khiết đóng chai là nhiều. Cái này liên quan đến quy chuẩn và chúng ta đang thiếu quy chuẩn kỹ thuật.

Xuân Toàn
(thực hiện)

> Cẩn thận với nước uống đóng chai
> Nhiều loại nước đóng chai nhiễm bẩn
> Người dân không nên hoang mang
> Vay 95 triệu USD cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.