Môn Địa lý dễ đạt điểm trung bình

03/06/2010 10:25 GMT+7

(TNO) Nộp bài môn thi thứ 3 là môn Địa lý, phần đông thí sinh (TS) ra về trong tâm trạng vui vẻ vì làm được bài. Theo nhận định của nhiều TS, đề Địa bám sát chương trình sách giáo khoa, dựa vào Atlat địa lý cũng có thể làm được khá nhiều phần trong đề thi. >> Đề thi, gợi ý bài giải môn Địa lý / Hà Tĩnh: Thí sinh đi thi trong mưa lớn

TS Nguyễn Minh Hoàng thi tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hồ hởi nói: “Lúc đầu nhìn đề thấy dài mà  thời gian chỉ có 90 phút em cũng “choáng”. Nhưng bình tĩnh xem xét mới thấy toàn kiến thức đã học trong sách cả rồi nên làm bài cũng được”.

Nhiều TS cho rằng, cấu trúc đề thi Địa lý năm nay khá phù hợp với ngay cả học sinh đại trà không học ban Khoa học xã hội.

“Đề không quá khó và dài nên thời gian 90 phút cũng đủ để làm xong. Nếu bạn nào làm nhanh còn xong trước thời gian làm bài quy định”, TS Phạm Thị Phương Linh thi tại cụm THPT Yên Hòa (Hà Nội) nhận xét.

Môn Địa lý: Phần đề nâng cao dễ hơn đề chuẩn

Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên dạy Địa lý trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: Đề thi nhìn chung là dễ. Ở đề thi này, nếu biết vận dụng lợi thế của Atlat thì sẽ không khó để đạt điểm khá trở lên. Trong phần đề riêng thì đề nâng cao thậm chí lại dễ hơn so với phần đề chuẩn.

Kết thúc buổi thi môn Địa lý sáng nay, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội: toàn thành phố có 134 TS bỏ thi, không có trường hợp TS hoặc giám thị nào vi phạm quy chế thi. (Tuệ Nguyễn)

Khó nhất trong đề Địa năm nay, theo nhận định của nhiều TS là ý câu 3 và câu hỏi phần tự chọn. Đây là những câu đòi hỏi TS phải tư duy nếu muốn đạt điểm tuyệt đối. Trần Văn Nam thi tại trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Đề thi khá hay và bám sát sách. Em học ban A mà cũng tự tin được 7 - 8 điểm môn này. Thích nhất là câu vẽ biểu đồ vì đề chỉ luôn ra là vẽ biểu đồ hình cột, dạng bài giống bài đại trà trên lớp chứ không đánh đố TS”.

Tại Hội đồng thi trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội), Thí sinh Phạm Thị Minh Hoàn, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, bước ra đầu tiên sau khi nhà trường mở cổng, cho biết: “Đề thi năm nay rất dễ, bám sát với chương trình học của bọn em, đặc biệt là với ý đầu tiên của câu 1, nêu tóm tắt ý nghĩa về tự nhiên của vị trí địa lý nước ta và câu 2, vì đã được mang Atlat vào nên nó giúp làm cho nhanh hơn. Em học khối A, nhưng với bài thi này cũng chỉ làm chưa đầy 80 phút đồng hồ là xong”.

Còn thí sinh Nguyễn Hoàng Bảo Châu, học sinh trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết thêm: “Câu 3 phần vẽ biểu đồ, đề đã cho sẵn biểu đồ cần vẽ để thể hiện sản lượng cao su là hình cột nên bọn em không cần phải tính toán gì nữa, vì vậy cũng giảm được thời gian làm bài”.

Cùng mẹ soát lại kiến thức của bài thi sáng nay

Đa phần các thí sinh thi tại đây cũng cho rằng, đề thi năm nay chỉ cần ở lực học trung bình cũng đã có thể làm được 60 - 70%.

Tuy nhiên, một số thí sinh cho rằng, đề thi năm nay cũng hơi rộng khi trong câu 3 của phần chung hỏi cả hai vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Còn một số thí sinh khác lại nhận định, với phần riêng - tự chọn, câu 4.b theo chương trình nâng cao có phần nào đó dễ hơn câu 4.a theo chương trình chuẩn.

Kỷ luật phòng thi được nhiều TS đánh giá là rất nghiêm. Atlat Địa lý được các giám thị kiểm tra rất chặt chẽ, chỉ cần viết 1 chữ vào trong là bị tịch thu. Tại điểm thi trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), lực lượng dân phòng và cảnh sát khu vực đã bắt khá nhiều trường hợp các thí sinh vi phạm khi đi xe máy không bằng lái, không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng tới tinh thần của các TS nên lực lượng này chỉ nhắc nhở, cảnh cáo chứ không tịch thu xe.

Chiều nay, các TS tiếp tục dự thi môn Lịch sử, thời gian làm bài 90 phút.

Tại TP.HCM, sau khi ra khỏi phòng thi, bạn Phạm Thị Thu Hương (học sinh trường THPT Trưng Vương) tươi cười vì làm hết được bài thi mà vẫn còn dư thời gian. Theo nhận xét của Hương: "Đề ra dễ, học bài kỹ là có thể làm được ngay, không có câu nào lắt léo hay đánh đố cả".

Trong tâm trạng thoải mái, Nguyễn Trần Hiếu Hạnh (học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho biết: "Đề ra sát trọng tâm ôn thi. Ai học kỹ, làm bài có thể dư thời gian. Ai học không kỹ cũng có thể dựa vào Atlat để phân tích làm bài cũng được trên điểm trung bình. Đề ra theo kiểu chủ yếu hiểu bài là chính".

Nhiều TS đã tươi cười, bớt căng thẳng hơn sau khi thi xong môn Địa lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhẹ nhàng, thoải mái bước ra khỏi phòng thi sau môn Địa lý dường như là tâm trạng chung của các TS. Đề thi mở ra sự lựa chọn cho TS trong cách làm, ai học bài tốt thì làm tốt, ai học thuộc lòng không tốt thì cũng có thể vận dụng kiến thức, phân tích Atlat để hoàn thành bài thi.

Rất nhiều TS tự tin mình làm bài tốt. Với Phan Thùy Anh (học sinh trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương): "Em làm bài chắc cũng được ít nhất 8 điểm. Thi xong môn Địa là thấy vơi được một nửa lo lắng trong kỳ thi tốt nghiệp này. Chiều còn môn Lịch sử nữa. Không ngờ, vượt qua môn này lại nhẹ nhàng như thế".

TS Nguyễn Trọng n (học sinh trường THPT Marie Curie, TP.HCM) tâm sự: "Thi xong môn Sử, Địa là coi như thi xong kỳ thi tốt nghiệp vì đây là hai môn nặng nhất. Tụi em chỉ "ngán" học bài nhiều chứ không có gì, môn nào cũng là một xấp tài liệu bài học". Tuy nhiên, theo TS Doãn Tuấn Anh (học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa): "Nếu ra đề và chấm bài thi theo hướng kiểm tra kiến thức, hiểu biết căn bản của học sinh như đề thi sáng nay thì phần nào đã gỡ bớt tâm lý căng thẳng cho tụi em trong thi cử. Để những môn được xem là "môn học bài" này trở nên nhẹ nhàng".

Bình Thuận: Nhiều “phao” ở các phòng thi. Sáng nay (3.6), ở môn thi thứ ba của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại Bình Thuận không có trường hợp nào bị đình chỉ thi. Tuy nhiên, ngay sau khi thu bài, PV Thanh Niên Online có mặt tại các phòng thi của Hội đồng thi (HĐT) trường Nguyễn Trãi (Phan Thiết), đây là HĐT dành cho các thí sinh tự do và bổ túc, có khá nhiều "phao" bị rớt lại trong các phòng thi.

Ở HĐT này có nhiều thí sinh tự do, thí sinh Vi Tiến Bảo là Trung sĩ thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Thuận, anh là người dân tộc Tày, ở xã miền núi Phan Tiến, huyện Bắc Bình, với nét mặt lo lắng, cho biết: "Em làm chưa hết bài đã hết giờ, còn ba câu nữa mới xong, nên không biết có đạt yêu cầu không".

Cùng với lo lắng ấy, Hạ sĩ Võ Minh Đạt, ở đơn vị Đại đội huấn luyện cơ động, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận cho hay, sáng nay em làm bài hơi yếu, cố gắng chiều nay và ngày mai “gỡ” lại. Em hi vọng ở môn toán ngày mai sẽ bù điểm cho hai môn học bài ngày hôm nay.

Giám đốc điện lực Bình Thuận Trần Ngọc Linh cho biết sẽ không cúp điện những nơi có HĐT. Với những khu dân cư cúp điện luân phiên cũng chỉ cúp điện đến 20 giờ tối là đóng điện trở lại để các em ôn bài.

Cùng bạn dò lại các câu trả lời sau giờ thi - Ảnh Đ.N.Thạch

Bà Rịa-Vũng tàu: Nhiều TS nhầm môn thi. Chị Trịnh Thị Mai (ngụ P.10, TP Vũng Tàu) hết sức lo lắng không biết con mình Dương Văn Minh Trường (học sinh trường THPT Vũng Tàu) thi môn Địa lý như thế nào khi không có sách Atlat địa lý Việt Nam. Chị Mai cho biết: “Hôm qua thi xong, con tôi nói mai thi Lịch sử nên tối cứ học môn này. Ai ngờ đâu sáng nay thi môn Địa lý”. Lúc thí sinh vào phòng thi, chị Mai còn cẩn thận nhờ một phụ huynh khác ghi tên cuốn sách (Atlat địa lý Việt Nam - PV) vào tờ giấy cho mình để đến hiệu sách mua. Tuy nhiên, khi mua xong đến trường, chị Mai nhờ bảo vệ HĐT mang vô nhưng không được vì đã… vào giờ thi.

Cũng nhầm môn thi như con chị Mai, con chú Vũ Hồng Quân (ngụ đường Võ Thị Sáu, P.2, TP Vũng Tàu) cũng tưởng sáng nay thi môn Lịch sử. Chú Quân cho biết, lúc tối cứ thấy con gái ôn bài Lịch sử. Tuy nhiên, sáng đi thi con gái chú Quân lại mang theo cuốn sách Atlat địa lý Việt Nam. Mặc dù không thấy con gái ôn bài Địa lý nhưng chú Quân rất an tâm: “Con gái tôi học giỏi nhất lớp nên tôi không lo lắng gì. Nhà có 6 đứa con, đứa nào cũng học giỏi. Mặc dù thuê nhà, điện cúp liên miên nhưng con gái tôi vẫn rất ham học. Nó phải đốt đèn cầy để học bài”. Nói như thế nhưng khi con gái đang làm bài trong phòng thi, chú Quân vẫn đứng trước cổng trường với tâm trạng khá hồi hộp.

Một TS tại TP.HCM chia sẻ niềm vui làm được bài với phụ huynh - Ảnh Đ.N.Thạch

Đà Nẵng: Cửa ải khó khăn đầu tiên cho các TS

Rất nhiều tâm trạng khác nhau xuất hiện trên gương mặt thí sinh khi cánh cửa tại các hội đồng thi ở Đà Nẵng mở ra sau giờ làm bài môn Địa lý kết thúc.

“Đề Địa lý nhìn chung cũng dễ, nhưng hơi dài và các nội dung câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết rộng, không chỉ nắm vững kiến thức sách giáo khoa mà còn vận dụng một số thông tin ngoài xã hội” - thí sinh Anh Phương (12TN12 THPT Phan Châu Trinh) thi tại hội đồng thi Trưng Vương - nhận xét. Nhiều thí sinh khác cũng lo ngại khó có thể kiếm điểm cao với đề thi như vậy bởi các câu hỏi nhiều chi tiết và đòi hỏi kiến thức bao quát.

Thí sinh trao đổi sau khi thi xong môn Địa lý - Ảnh  N.T

Nét mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại TP Đà Nẵng là đội quân phát tờ rơi sau giờ thi không còn xuất hiện bởi sự tham gia bảo vệ nghiêm ngặt của các chiến sĩ cảnh sát. Tình trạng "phao" thi vương vãi trước cổng trường cũng không còn tái diễn.

Buổi thi thứ 3 môn Địa lý chỉ có thêm 3 thí sinh khối GDTX vắng thi.

Tại hội đồng thi THPT Trần Phú, một thí sinh bỏ dở bài làm môn Hóa học và được đưa vào Bệnh viện Q.Hải Châu để kiểm tra sức khỏe chiều qua (2.6) cho đến sáng nay vẫn chưa thể trở lại dự môn thi Địa lý.

Vẫn chưa có bất kỳ biên bản vi phạm quy chế thi và sự cố nào được lập tại kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Đà Nẵng năm 2010.

ĐBSCL: Nhiều TS bị đình chỉ thi, vắng mặt ở môn thi thứ ba

Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang Nguyễn Thanh Bình thông báo trong buổi thi thứ 3 (môn Địa lý) vào sáng nay (3.6), một TS hệ GDTX bị đình chỉ thi do mang theo điện thoại di động. Buổi thi này trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Cần Thơ Võ Minh Lợi cho biết trong giờ thi môn thứ 3, một TS hệ GDTX tại hội đồng thi trường THCS phường Châu Văn Liêm (Q.Ô Môn) vi phạm quy chế bị đình chỉ do sử dụng tài liệu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho hay trong sáng 3.6, hai TS hệ THPT do bị ốm tại nhà nên đã vắng mặt ở buổi thi môn Địa lý.

Theo Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hậu Giang Phạm Thành Mận, sáng 3.6, một thí sinh tại hội đồng thi trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thị xã Ngã Bảy) vào đến phòng thi thì bị bệnh bất ngờ nên không thể làm bài. Đối với trường hợp bệnh đột ngột này, lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ xem xét để có thể đặc cách cho TS.

Lê Quân - Thành Chung - Hồng Minh - Viên An - Quế Hà - Nguyễn Long - Nguyễn Tú - Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.