Môn lịch sử và những nỗi trăn trở

01/08/2005 17:30 GMT+7

Một học sinh Việt Nam có thể kể vanh vách những giai thoại về các vị vua Trung Hoa như là người bản địa nhưng lại vô cùng bối rối trước những câu hỏi về lịch sử nước nhà. Vấn nạn này đã tồn tại từ lâu trong nền giáo dục và bây giờ lại nổi lên nhức nhối trước hàng trăm bài thi môn lịch sử vào đại học có điểm số dưới trung bình của các học sinh.

Mười hai năm đèn sách là cũng gần ngần ấy năm học sinh làm quen với môn lịch sử mà giờ đây các giờ học đó để lại gì ngoài những mẩu kiến thức vụn và biệt tài chế lịch sử như viết tiểu thuyết. Ai cũng khẳng định lịch sử dân tộc ta có bề dày nhưng cũng ngỡ ngàng vì kiến thức về lịch sử của học sinh thời nay lại quá mỏng. Không thể nói thế hệ ngày nay không yêu không quý trọng quá khứ vì những trang Mãi mãi tuổi hai mươi của người lính Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trải qua mấy mươi năm nhưng vẫn được đón nhận và cảm thông. Như vậy, không phải thế hệ trẻ đang quay lưng với quá khứ mà là do các nhà giáo dục không thể đem lịch sử dân tộc đến gần họ. Đã thế từ lâu thái độ của xã hội đối với bộ môn lịch sử vô cùng thờ ơ lạnh nhạt. Tuy có một giá trị giáo dục tư tưởng to lớn và tạo được lòng tự tôn dân tộc quan trọng nhưng lịch sử lại chưa được sự quan tâm đúng mực của những người có trách nhiệm. Lịch sử bị coi là môn học thuộc đơn thuần chứ không phải là môn học để hiểu để nghiên cứu. Thầy cô lên lớp chỉ nói qua loa nội dung bài học rồi đọc cho học sinh chép. Chu trình dạy và học chỉ gói gọn vào việc "đọc và chép". Học sinh thì đến lớp trả bài cho thầy cô không sai một ly so với trong tập đến khi tan trường lại quên sạch sành sanh. Cách học cách dạy như vậy thì làm sao đạt được hiệu quả cao.

Giới trẻ hầu như chỉ tiếp cận với lịch sử đất nước bằng một con đường duy nhất là các bài giảng khô khan của thầy cô trong nhà trường qua sách giáo khoa. Trong khi đó lại biết nhiều về lịch sử Trung Hoa qua các con đường đa dạng và dễ tiếp nhận. Làm sao không bị hấp dẫn bởi những trang lịch sử Trung Hoa được biến tấu qua những bộ phim dã sử đầy kịch tính cùng dàn diễn viên tài năng và xinh đẹp... Thật là ngạc nhiên khi dân tộc ta không thiếu những vị anh hùng những tích Trạng Nguyên lý thú nhưng lại không được khai thác triệt để thành những bộ phim hay những tác phẩm văn học sử dễ xem dễ hiểu. Đây là điều mà nước láng giềng Trung Quốc làm rất tốt và đạt được hiệu quả cao. Nước ta có bao nhiêu bộ phim về lịch sử, bao nhiêu tác phẩm văn học sử bán chạy nhất. Gần đây có chăng chỉ mỗi bộ tranh truyện Thần đồng Đất Việt dành cho thiếu nhi. Một số lượng quá khiêm tốn trong một kho tàng lịch sử lâu đời hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Quốc gia muốn tồn tại thì phải có bề dày lịch sử và được soi sáng bởi lịch sử. Không hiểu lịch sử tức là không làm chủ được lãnh thổ cũng như truyền thống văn hóa dân tộc. Bởi thế việc học và tìm hiểu lịch sử là nhiệm vụ và trách nhiệm cũng là lẽ đương nhiên của bất kỳ người dân nào đối với đất nước.

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.