Có bé mới 7 tuổi đã được “huấn luyện” để hát ca khúc không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà cả trải nghiệm cuộc sống. Vừa qua, nhiều khán giả và cả giới làm âm nhạc đã phản ứng trước việc trong chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí, hai thí sinh nhỏ tuổi đã buộc phải não nề khi cất lên lời hát: “Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành/Đem yêu thương đi đến nơi nao cách đôi tình...” trong ca khúc Chuyến tàu hoàng hôn.
Từ lâu, trẻ em hát ca khúc người lớn, hát nhạc người lớn đã thành chuyện... không có gì lạ trên sóng truyền hình.
Hiếm hoi ca khúc mới
|
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, viết ca khúc cho thiếu nhi không dễ, bởi không chỉ cần có tâm huyết mà phải có cả hiểu biết, chẳng hạn về phát triển tâm sinh lý ở từng lứa tuổi.
Cách đây vài năm, ban tổ chức chương trình Giọng hát Việt nhí tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc cho lứa tuổi 9 - 15, nhưng chỉ có vỏn vẹn 12 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia, cuối cùng không tìm được ca khúc nào phù hợp. Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ, tác giả ca khúc Con cò bé bé, cho rằng đừng trách các em hát nhạc người lớn mà phải trách người sáng tác. “Trách người sáng tác như mình không đi kịp thời đại. Các em thích nhạc có tốc độ, tiết tấu nhanh, còn mình cứ ê a suốt ngày thì bọn trẻ không chịu nổi, phải hát bài người lớn thôi. Ta cứ viết hay đi thì bỗng nhiên bọn trẻ sẽ hát thôi”, nhạc sĩ Lê Xuân Thọ nói.
Nhưng bên cạnh đó, thực tế nhiều nhạc sĩ... né viết nhạc thiếu nhi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Có lần tôi vào TP.HCM, gặp một số nhạc sĩ trẻ, tôi hỏi: Tại sao các em không viết nhạc cho thiếu nhi? Các bạn ấy chỉ cười nói viết nhạc thiếu nhi khó tiêu thụ lắm. Còn những nhạc sĩ quan tâm đến chuyện này thì cũng phàn nàn với tôi, gần đây chúng em viết nhưng không có kinh phí để dàn dựng”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng không ngại nhìn thẳng, nhiều nhạc sĩ trẻ chỉ muốn viết nhạc cho ca sĩ hạng A, để có tên tuổi, thu nhập cao, trong khi viết nhạc cho thiếu nhi cần kinh phí nhiều lại ít có nhà tài trợ.
Bao giờ mới hết... thiếu ?
Một số nghệ sĩ đã tự nỗ lực, vận động mang đến những điểm sáng mới cho bức tranh vốn mang màu ảm đạm từ nhiều năm nay. Tháng 5 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tự tổ chức liveshow những ca khúc thiếu nhi, phát hơn 1.000 vé miễn phí cho khán giả nhỏ tuổi ở nhiều trường học. Trong 3 năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã viết khoảng 100 ca khúc cho thiếu nhi. Ca sĩ Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu đã cùng thực hiện những dự định còn dang dở của cha mình - cố nhạc sĩ An Thuyên với mong muốn “trẻ em VN hát ca khúc VN”. Tháng 4 năm nay, ca sĩ Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu ra mắt dự án âm nhạc Sing Channel được phát triển trên nền tảng gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây, đã được biên tập và xuất bản trong tổng tập bài hát thiếu nhi VN Giai điệu tuổi thần tiên do cố nhạc sĩ An Thuyên làm chủ biên.
Dự án được triển khai trên nhiều kênh nghe nhạc online và một số sự kiện cộng đồng. Kênh Sing Channel đã thực hiện một số chương trình âm nhạc như Những bông hoa nhỏ dành cho các em nhỏ có giọng hát hay, hay Cánh én tuổi thơ khắc họa chân dung các nhạc sĩ viết cho thiếu nhi. Theo ca sĩ Bông Mai, trong số 3.000 ca khúc thiếu nhi, có 20% ca khúc quen thuộc và 80% ca khúc mới, trong đó có nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Huy Du, Hồ Bắc, Trần Hoàn..., nhưng chưa được công chúng biết đến. Chị hy vọng Sing Channel cũng có thể trở thành “kho dữ liệu” cho các chương trình truyền hình, hay các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Nếu nhìn vào con số hàng nghìn ca khúc thì có lẽ số lượng ca khúc dành cho thiếu nhi không phải quá ít, nhưng rõ ràng cần có kênh phổ biến hiệu quả. Nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng, các chương trình dành cho trẻ em đang bị lơ là, mà nếu có chủ yếu truyền hình lại tập trung vào khai thác yếu tố giải trí. Trên thực tế, nhiều cuộc thi vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi đã được mở ra, nhưng hầu như công chúng chẳng mấy khi biết đến những sáng tác được giải. Theo nhạc sĩ Lê Xuân Thọ, cần có những cuộc thi nhưng sau đó phải nghĩ cách làm sao để có thể “tung” ra công chúng, chứ không phải ca khúc được giải rồi lại để đó.
“Nên có sự phối hợp không chỉ trong giới nhạc mà còn cả với tổ chức phụ trách về thiếu niên, nhi đồng, văn hóa, giáo dục... Gần đây thiếu sự kết hợp ấy, mạnh ai nấy làm nên sức phổ biến của bài hát thiếu nhi còn hạn chế”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận định.
Bình luận (0)