Những người phụ nữ bình dị ấy dễ dàng bắt gặp bất cứ đâu, mắt chỉ lấp lánh khi gọi nhau í ới: “Bán cho lẹ chiều đi ăn mùng tám tháng ba”. À, cũng may, là còn có một bữa tiệc dành riêng cho họ (do chính họ quyên góp tiền) để ăn mừng ngày của chính mình, mà như chỗ tôi ở là do trưởng của các chi hội phụ nữ của tổ, phường đứng ra vận động tổ chức. Vậy mà vui, vậy mà hân hoan.
Nhưng thật lòng mà nói, sau những chúc tụng, quà cáp, tiệc tùng, tôi tin rằng món quà quý giá nhất nên trao đến mỗi người phụ nữ chính là dành cho họ “không gian sống” được sống cuộc sống đúng nghĩa cho mình, được yêu thương đúng như cách mà họ muốn. Bởi chúc tụng, tặng hoa quà thì dễ nhưng để mở lòng, bớt hẹp hòi chính với cả mẹ mình, với người phụ nữ trong nhà mình thì khó. Bởi đâu phải chỉ có đàn ông làm khổ phụ nữ, mà phụ nữ xưa nay cũng vẫn làm khổ nhau đó thôi.
Xa xôi gì, hôm qua, người bạn gần nhà tôi tức tối nói: “Má tao giờ bả hư lắm, đi chơi hoài, nhờ coi cháu một chút mà cũng không chịu coi!”. Má bạn tôi, tuổi mới năm mươi, chồng mất đã mười năm. Một người đàn bà góa chồng nhan sắc còn mặn mà, năm mươi tuổi buộc phải sống trong nhà vì con rồi vì cháu. Bước ra đường để gặp bạn bè thì không chỉ người ngoài, mà chính con cái mình cũng nói ra nói vô. Nếu khỏe mạnh, bà có thể sống ba mươi năm trên đời này nữa, ba mươi năm đủ để một đứa trẻ được sinh ra lớn lên và lập gia đình, ba mươi năm đủ để một cô gái đôi mươi thành một người đàn bà trung niên như má bạn tôi. Vậy thì lấy quyền gì để bảo người đàn bà đó vò võ cô đơn trong suốt ba mươi năm còn lại trong cuộc đời vì con? Luân lý, đạo lý, thuần phong mỹ tục, định kiến… áp đặt vô người mẹ tội nghiệp này đều là những thứ thừa thãi, không còn phù hợp với cuộc sống, lẫn xã hội ngày nay. Bao nhiêu người phụ nữ góa chồng trên đất nước này đang sống như mẹ của bạn tôi, vò võ cô đơn để được mang cái tiếng thơm là yêu chồng thương con, hy sinh vì gia đình hay thủ tiết thờ chồng?
Rồi hàng xóm tôi, sáu mươi tuổi, chân đi đã bắt đầu run rồi, vậy mà ngày nào cũng qua nhà tôi ngồi ít nhất một lần, chỉ để tránh những lằn roi của chồng sau khi chồng nhậu say. Hỏi bà, sao cô không bỏ ổng đi. Bà ngồi cười buồn, già rồi, mang nhau ra tòa thiên hạ họ cười, mà chịu được mấy chục năm rồi, cũng quen. Nghe mà thắt ruột. Sao không buồn cho được, bốn mươi năm trước thì người đàn bà sáu mươi trước mặt tôi cũng là cô gái đôi mươi, tràn trề thanh xuân, cũng nghe bao nhiêu lời yêu thương mật ngọt để về nhà người ta làm vợ. Rồi thì yêu thương rơi rớt ở đâu trên quãng đời mà họ đã sống, để cứ mỗi ngày phải hấp tấp chạy ra khỏi nhà khi chồng “lên cơn” thèm đánh. Cũng chỉ vì “thiên hạ họ nói”, vẫn là những cái giáo điều cũ kỹ, không chấp nhận cho người phụ nữ được sống bằng cuộc đời mà họ muốn, buộc họ phải hy sinh.
Đừng đợi đến ngày 8 tháng 3 hay 20 tháng 10 hằng năm như một dịp để làm đẹp lòng phụ nữ bằng hoa, quà và những lời chúc tụng. Điều đó cũng tốt thôi, nhưng tốt hơn hãy để mỗi ngày trôi qua, phụ nữ được sống - được yêu thương theo cách mà họ muốn. Vậy thôi, là đủ rồi!
Bình luận (0)