Một cuộc đời - Kỳ 2: Mối nhân duyên lỗi hẹn (*)

19/04/2006 22:36 GMT+7

* Kỳ 1 Lần thứ hai trong đời, Trương Kiểm nghĩ phải lập ra một tổ chức cao hơn lần trước: Chi bộ! Trương Cảnh, Trịnh Hà, Lê Thạnh là những thành viên chưa kịp cất lời thề thốt đã nguyện trong lòng sống chết có nhau. Làng Phụng Tây tô một điểm son vào lịch sử làng mình đúng vào đầu năm 1941. Mỗi ngày vết son một đậm thêm, loang rộng ra. Sở mật thám Hội An đánh hơi, hằm hằm khoanh làng Phụng Tây lại thành điểm đen lùng sục.

Cái tổ chức nhỏ ấy được một người đang bị Tây truy tìm khắp nơi, bất ngờ xuất hiện ở đây nhìn thấu từng trái tim trẻ rồi lặng lẽ đưa họ vào con đường lớn. Trương Kiểm và bạn bè anh gặp vị thần hộ mệnh! Cái đêm ấy như bao đêm khác, nhưng đường làng vắng lặng lạ thường. Khắc dấu một cuộc gặp gỡ định mệnh lịch sử cho cái xóm nhỏ này. Mới hay trời cũng chiều lòng người.

Không hiểu vì sao khi những hình ảnh đã xa lắc xa lơ của những năm 40 này lại hiện ra như sờ thấy được trước mắt tôi. Hay hồn người đã khuất nhập vào, vì một ân tình chưa vơi? Ơn cha nghĩa mẹ, bạn cùng hội cùng thuyền? Sao tôi nhớ kỹ đến vậy giữa trưa nắng dội nơi thành phố mỗi ngày một mở rộng này. Lạ thay, tôi còn nghe thấy bước chân Trương Kiểm lặn lội trong cái đêm về bên kia sông gặp gia đình nhà vợ tương lai. Đây là mối nhân duyên do hai bên gia đình sắp đặt khi chàng thanh niên vào tuổi 22. Để rồi sáng hôm sau bố vợ tức tốc kẹp dù mang guốc mộc lộc cộc sang nhà anh sui. Ông già Trương Kiểm đang ngồi giữa sân chăm chút vót từng chiếc đũa cho ngày cưới vợ "thằng Tư" đã tới gần. Ông ngẩn người buông rựa, đánh rơi chiếc đũa đang vót dở dang nham nhở, khi nghe anh sui nói: "Hắn về hồi hôm, xin cha mẹ hiểu cho, khó cưới trong hoàn cảnh phải đi vô ảnh vô hình". Vậy là đũa không thành đôi, lăn rời rạc dưới đất. Hai anh sui hụt chỉ còn biết ngồi khoanh tay đầu gối, rít thuốc Cẩm Lệ, dõi theo cánh chim bay vù giữa trời xanh. Hai cụ không hề hay biết lúc này "thằng Tư" đã là Phủ ủy Duy Xuyên được phép


Phút nghỉ ngơi giữa chặng hành quân của đồng chí Trương Chí Cương (tháng 3/1972)

thoát ly.

Năm 1942, Trương Kiểm trúng Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ. Cuộc hôn nhân đầu đời của tuổi trẻ Trương Kiểm vậy là hết hy vọng. Cô gái tự do đi lấy chồng, khỏi phải vò võ mong đợi cánh chim bay bốn phương trời. Chắc chắn anh đã một mình nghiền ngẫm bao nhiêu đêm để có được lời giải lý tình này cho cả hai bên trong điều kiện lẩn tránh lưới mật thám ngày đêm rình mò. Còn cô gái, cô có biết đâu rằng anh đang cùng với Phủ ủy lặn lội gầy dựng từng cơ sở cho cách mạng. Mười hai chi bộ Đảng ra đời, hơn hai ngàn cơ sở tổ chức quần chúng thành đoàn thể Việt Minh, cứu quốc, hình thành trong toàn phủ Tam Kỳ. Mối liên lạc với Xứ ủy được chắp nối lưu thông. Gánh nặng này trĩu hai vai Trương Kiểm, nhưng đã có đồng chí cùng chung lưng đấu cật. Còn mối nhân duyên lỗi hẹn kia chỉ một mình anh gánh chịu. May thay "cuộc sống dấn thân" của anh đã thuyết phục được lòng người. Đau lắm, chuyện trăm năm lỡ làng đầu đời người con gái! Cô gái đành phải dằn lòng chia sẻ! Thời gian và cuộc đời dồn dập biến động, chuyện đau buồn xưa cũ rồi cũng phôi pha...

"Thằng Kiểm đang ở Tam Kỳ, chị ơi!". "Bà nói cho ai chưa? Chớ đó nghe!". "Tôi nói với xã X rồi". "Chết chưa! Hắn đang lùng bắt thằng Kiểm". "Trời ơi, hắn hỏi xậc lờ. Bà hay đi buôn trong đó có thấy thằng Kiểm không? Tôi lỡ miệng chị ơi! Làm răng chừ?". Giọng nói vừa hoảng hốt vừa ân hận kéo dài. Người lớn thường nghĩ trẻ con không biết gì nên cứ thì thầm nhỏ to tự nhiên. Sau ngày giải phóng trở về thăm quê, nghe nói xã X còn sống, tôi tò mò tới thăm. Ông ta vẫn gầy như con mắm, gương mặt không còn tươi tắn như xưa kia khăn đóng áo dài đen, nách cắp dù.

Đang nằm trên chiếc giường hẹp nhỏ, ông ta ngỡ ngàng ngồi dậy. Tôi phải xưng tên để ông ta biết là con ai. Hình như ông hơi giật mình rằng "trả thù đây!". Đã một lần con người này đổi tên thành Cao Sơn Phú vì sợ cách mạng "đòi nợ". Biết vậy, sau khi hỏi thăm sức khỏe, tôi chuyển ngay sang hỏi thăm chuyện con gái ông vì thuở nhỏ cùng học với tôi. Bây giờ, mới thấy gương mặt xưa cũ nở nụ cười gượng gạo.

Ai đó đã nghe chính miệng xã X kể chuyện bắt Trương Kiểm nghe mới oai làm sao: "Tau vô Tam Kỳ, tới xã tại hỏi hương lý: Các ông có biết cộng sản ở đây không? Bọn nó lắc đầu. Tau nói hãy coi đây! Một mình tau với ba dân đinh đi thẳng tới căn nhà trong xóm. Tau kêu: Kiểm ơi! Xuống đây con! Đừng chống lại làm chi con! Rứa là hắn mò xuống. Ba thằng dân đinh trói nghiến hắn lại dẫn đi". Cô em út Trương Kiểm nghe tôi kể liền cười: "Đâu có, ảnh hồi đó đang dạy tư ở Quế Sơn, chỗ dốc Bùi. Ảnh hay qua lại cái quán nước bên đường. Không biết ai chỉ điểm, xã X mò lên đó ngồi rình. Anh Tư mặc đồ trắng, đội mũ trắng đi như mọi hôm, không hề hay biết. Xã X kêu: "Kiểm!". Ba thằng dân đinh chạy ra bắt trói ảnh!".

Nhà lao ở Hội An mở cửa đón người tù trẻ tuổi mà nét mặt đã rõ dáng phong trần. Đây là lần thứ hai Trương Kiểm gồng mình lên với gông xiềng.

(Còn tiếp)
Đoàn Xoa

(*) Tít nhỏ do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.