Một cuộc trình diễn thơ

23/01/2010 16:14 GMT+7

Tập thơ viết bằng tiếng Việt nhưng có tên tiếng Anh là Homo Sapiens (Người tinh khôn) do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, tác giả là Trương Xuân Thiên, một người viết trẻ sinh năm 1979 ở Hà Nội đã được “trình diễn” tối 14.1 tại Hà Nội.

Đó là một cuộc trình diễn rất quy mô, có đủ cả âm nhạc, ánh sáng, video và nhóm múa thể nghiệm. Trong ánh sáng huyền ảo và âm nhạc lúc âm u mơ hồ, lúc ầm ào hầm hố, nhóm múa trùm trong vải trắng trườn ra sân khấu và bắt đầu những vũ điệu hoang dã khi tác giả Trương Xuân Thiên cất lời đọc thơ hết bài này đến bài khác như người mê sảng. Anh đi đi lại lại, lúc ngồi bệt xuống sàn, diễn viên múa khi nhảy dựng, khi nằm ngay đơ cho lá khô phủ đầy người, hoặc lấy tay quệt mực nho bôi đen sì lên vải trắng.

Tác giả cho biết, anh đã bỏ ra một số tiền lớn đủ mua một chiếc xe máy đắt nhất cho cuộc chơi này, cộng với gần một năm để thiết kế tập thơ 71 bài kết hợp với… tranh sơn mài của họa sĩ Minh Quang. Nhưng chỉ in 500 bản trên giấy tốt và không đề giá bán.

Có mặt nhưng nhà văn trẻ Phong Điệp xin không đưa ra nhận xét, trong khi nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ hào hứng: “Tôi không biết dùng lời gì để nói về cuộc trình diễn này. Vui mừng, sửng sốt, ngạc nhiên, hạnh phúc, rợn tóc gáy và rất nhiều cảm xúc nữa. Thơ ngày nay cần được sự cảm nhận bởi tất cả các giác quan đối với ánh sáng, màu sắc, âm thanh, thậm chí cả mùi vị để mũi có thể ngửi được và cả những điều kinh dị khác nữa”.

Đây không phải là lần đầu tiên thơ được giới thiệu đến công chúng bằng nghệ thuật trình diễn (performance art) tại Hà Nội. Năm 2008, cặp vợ chồng nhà thơ - họa sĩ Thái Tĩnh - Hoàng Anh đã ra mắt vở “kịch thơ” mang tên Chân trời của tâm hồn, được xem là sự kết hợp hài hòa giữa thi ca truyền thống với nghệ thuật đương đại. Năm 2009, cặp vợ chồng này tái xuất tại Trung tâm văn hóa Nga bằng cuộc trình diễn tập truyện ngắn Giấc mộng đời người với sự kết hợp của hội họa.

Vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 (2008) tại Văn Miếu, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hẳn một sân thơ trẻ với các hoạt động trình diễn. Ở đó, người ta thấy Vi Thùy Linh trở thành diễn viên múa, Dạ Thảo Phương diễn thơ với nhạc trẻ, lão nhà thơ Dương Tường tự nguyện trở thành cây cột quấn giấy để cho các nữ nhà thơ “xâu xé”. Cuộc trình diễn với nhiều lời khen chê khác nhau ấy gần như đã trở thành gợi ý cho việc giới thiệu hoặc làm mới thơ.

Phải chăng thơ đã cách tân, đã đổi mới đến mức câu chữ không thể chuyển tải hết mà phải viện đến âm thanh, ánh sáng? Hay đó là sự kết hợp để thơ bay cao hơn trên đôi cánh của mình? Nhà ngôn ngữ học trẻ Đỗ Anh Vũ nói: “Khi con người chưa có chữ viết, thơ được truyền miệng và nghe bằng tai. Sau đó, người ta thưởng thức thơ bằng mắt khi đọc trên giấy nghìn trang như một. Cao hơn nữa, con chữ tung tẩy ra ngoài bờ cõi và giờ đây đang vượt qua mọi giới hạn. Nhưng nói đến hình thức thể hiện mà không nói đến nội dung của thơ thì chỉ là vô nghĩa”.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.