Một dự án bất động sản mất 15 năm xin thủ tục

11/06/2020 11:24 GMT+7

Thủ tục pháp lý, hành chính... mất nhiều năm cho một dự án là chuyện ai cũng biết, Thế nhưng mất tới 15 năm để hoàn thiện thủ tục cho một dự án của Tập đoàn Đại Phúc vẫn khiến các khách mời tham gia buổi Tọa đàm " Thị trường bất động sản thế nào hậu Covid- 19" do báo Thanh Niên tổ chức kinh ngạc.

Đó là câu chuyện được bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ thẳng thắn tại buổi Tọa đàm. 
Theo bà Hương, khoảng 20 năm về trước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khi đầu tư nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ phía chính quyền để hoàn thiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi Đại Phúc Land đầu tư các dự án quy mô lớn tới gần 200 ha, doanh nghiệp này đã phải mất 15 năm rất vất vả triển khai thủ tục hành chính. Thời gian từ khi xin thủ tục đến khi triển khai dự án quá lâu, dẫn đến độ "vênh" giữa thiết kế ban đầu của dự án đối với nhu cầu thị trường. Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp cần  điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu.
"Đơn cử, cách đây 10 - 15 năm nhu cầu sản phẩm nhà phố đa phần là 4 - 5 m nhưng nhu cầu không gian hiện nay cần 6 - 7 m hoặc lớn hơn. Việc điều chỉnh này không những không ảnh hưởng tới quy chuẩn chung về mặt quy hoạch mà còn tốt hơn về không gian sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu phải xin phép làm lại quy trình từ đầu thì sẽ rất vất vả cho doanh nghiệp. Hy vọng cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án quy mô lớn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp" - vị này đề xuất.
Đóng góp tổng quan cho thị trường, Tổng giám đốc Đại Phúc Land đề xuất cần quy hoạch bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Trong đó, phân khúc cao cấp sẽ tập trung ở khu vực trung tâm do giá trị đầu vào cao. Phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân vừa túi tiền sẽ phải đi xa hơn, bán kính khoảng 10 - 15 km. Đồng thời, cần xem xét lại quy định mỗi dự án cần bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội vì như vậy sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đối với những vị trí không phù hợp xây dựng các dự án thuộc phân khúc này. 
"Nên chăng chúng ta cần rà soát, có thể quy đổi sang giá trị tài chính phần 20% loại sản phẩm đó để Nhà nước có ngân sách chủ động triển khai nhà ở xã hội ở các vị trí phù hợp hơn. Hoặc có thể quy đổi sang vị trí khác thuận tiện hơn cho dự án nhà ở xã hội quy mô lớn" - vị này kiến nghị.

"Một dự án hoàn thiện thủ tục hành chính mất đến 15 năm, nếu muốn thay đổi cục bộ sẽ phải làm lại quy trình từ đầu khiến doanh nghiệp rất e ngại", bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ

Trả lời vấn đề của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Thông thường, các cơ quan chức năng thường nhận đơn điều chỉnh dự án từ lớn thành nhỏ. Việc này cần xem xét kỹ vì làm tăng áp lực dân số khu vực trung tâm, nội đô. Dự án của Đại Phúc Land xin điều chỉnh từ diện tích nhỏ thành lớn rất đáng hoan nghênh, phù hợp với chủ trương chung. Do đó, Cục Quản lý xây dựng sẽ cùng Sở Xây dựng TP, cơ quan chuyên môn có các hướng dẫn, giải quyết cho doanh nghiệp về thủ tục cơ cấu căn hộ phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, thiết kế cơ sở. 
Đại diện Bộ Xây dựng cũng đồng tình với ý kiến của bà Hương về việc điều chỉnh quy hoạch theo xu hướng phát triển sản phẩm cao cấp ở trung tâm thành phố vì thực tế giá đất ở những khu vực này rất cao, chỉ phù hợp đối tượng nhà giàu, trung lưu. 
Về quy định bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội ở mỗi dự án, ông Ninh thông tin tại Khoản 3, điều 5 - Nghị định 100 sửa đổi đã nêu rõ: Nếu việc bố trí quỹ đất 20% không phù hợp thì UBND địa phương có trách nhiệm báo cáo Chính phủ xem xét, không bắt buộc tất cả các dự án phải bỗ trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội. Doanh nghiệp có thể trực tiếp kiến nghị đối với từng trường hợp dự án cụ thể.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.