Theo tài liệu mà chúng tôi có được, mảnh đất tại số 54 đường Phan Chu Trinh trước đây vốn có địa chỉ thuộc tổ 3, phố Lê Duy Mật, xã Đông Thọ, thị xã Thanh Hóa, là đất thổ cư của ông Phạm Văn Sắc (bố đẻ của ông Hiến và là bố chồng của bà Hòa) có diện tích là 250m2 được Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25.6.1956. Sau này, do phải đưa cả gia đình đi sơ tán và hoạt động cách mạng nên toàn bộ khu đất này gia đình ông Trần Công Kỳ tự ý sử dụng.
Sau giải phóng, gia đình ông Sắc trở về Thanh Hóa và chuộc lại mảnh đất này từ gia đình ông Trần Công Kỳ. Lúc này toàn bộ khu đất số 54 có diện tích lên tới 413,4m2 (ngoài 250m2 giấy chứng nhận quyền sở hữu của ông Sắc còn lại 163m2 do gia đình ông Trần Công Kỳ khai hoang, san lấp hố bom xung quanh khu vực Đồng Ấu để làm vườn). Năm 1993, ông Sắc chuyển quyền sở hữu 184,4m2 cho vợ chồng người con trai cả là ông Phạm Văn Huấn (vợ là Nguyễn Thị Hòa) và đã được chính quyền thị xã lập hồ sơ chuyển nhượng. Diện tích còn lại 65,6m2 (trong trích lục), cộng với 163,4m2 đất liền kề (do khai hoang trước năm 1993) chuyển cho người con trai thứ là ông Phạm Văn Hiến. Như vậy phần diện tích 229m2 mà ông Phạm Văn Sắc chuyển giao cho con thứ là ông Phạm Văn Hiến là hoàn toàn hợp pháp.
Năm 2005, TP Thanh Hóa thực hiện dự án xây dựng Quảng trường Lam Sơn và mảnh đất số 54 thuộc diện phải giải tỏa. Theo biên bản kiểm kê của Hội đồng GPMB thì hiện trạng hộ số 54, đường Phan Chu Trinh có diện tích 413,4m2 đang ở. "Biên bản làm việc xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ phố Ga, thuộc phường Đông Thọ" của Hội đồng tư vấn đất đai phường Đông Thọ và có sự xác nhận của UBND TP Thanh Hóa và Công ty Sông Mã (chủ dự án) đã kết luận: Phần đất ở ổn định không có tranh chấp của hộ bà Hòa là 184,4m2... Theo đó, trong dự toán bồi thường của Hội đồng GPMB Quảng trường Lam Sơn ngày 4.8.2007, thì bà Hòa sẽ nhận được đền bù với số tiền trên 2,66 tỉ đồng, gồm phần đất ở trên 2,2 tỉ đồng, phần đền bù các công trình, vật kiến trúc trên đất hơn 456 triệu đồng... Riêng phần đất của ông Phạm Văn Hiến đã không được Hội đồng GPMB nhắc tới. Vì vậy, bà Hòa và ông Hiến đã làm đơn khiếu nại, đề nghị được chính quyền xem xét, trả lại quyền lợi chính đáng cho mình. Nhưng tất cả những kiến nghị của ông Hiến đã không được các cơ quan chức năng của Thanh Hóa xem xét.
Điều trớ trêu là Hội đồng GPMB Quảng trường Lam Sơn đã không căn cứ vào Biên bản xác định nguồn gốc đất từ ngày 31.8.2007 để làm đền bù thỏa đáng cho bà Hòa. Ngược lại ông Lê Bá Nghênh, Phó chủ tịch UBND TP Thanh Hóa lại ký quyết định thành lập đoàn thanh tra về nguồn gốc đất của bà Hòa. Sau đó trong kết luận thanh tra nêu rằng: "Việc kiểm tra, thẩm định nguồn gốc sử dụng đất và lập hồ sơ mua bán nhà đất giữa ông Phạm Văn Sắc, bà Dương Thị Thu cho ông Phạm Văn Huấn, bà Nguyễn Thị Hòa không đúng thực tế, sai quy định" (!?). Theo đó, bà Nguyễn Thị Hòa chỉ được bồi thường 90m2 đất ở, còn lại 97,4m2 đã "bị" tính là đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Vì vậy, trong thông báo chi trả đền bù GPMB số 35, ngày 23.1.2008, mức đền bù cho bà Hòa đã bị đánh tụt xuống chỉ còn trên 1,7 tỉ đồng, trong đó bồi thường về đất trên 1,4 tỉ đồng, bồi thường vật kiến trúc, hỗ trợ di chuyển trên 309 triệu đồng. Thế là, chỉ vì việc khiếu nại, bà Hòa đã bị Hội đồng GPMB hạ từ hơn 2,66 tỉ đồng, tụt xuống còn 1,7 tỉ đồng, chứ chưa nói đến chuyện quyền lợi hợp pháp của em bà Hòa là ông Hiến.
Quá bức xúc, ông Hiến lại tiếp tục làm đơn gửi đi nhiều cấp, và đã trực tiếp đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đang chờ Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành xem xét lại hồ sơ liên quan đến quyền lợi của ông Hiến thì Hội đồng GPMB Quảng trường Lam Sơn đã cấp tập tiến hành cưỡng chế để giải phóng mặt bằng khu đất số 54.
Vũ Anh - Ngọc Minh
Bình luận (0)