Một kỳ thi quốc gia: Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình đề án

21/07/2014 02:00 GMT+7

Các chuyên gia giáo dục tiếp tục đóng góp với mong muốn một kỳ thi quốc gia bao gồm 2 mục đích phải hiệu quả, không lãng phí.

PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng một hay hai kỳ thi không quan trọng bằng việc tổ chức thi như thế nào. Tổ chức thế nào chứ không phải tổ chức khi nào. Hiện nay, thi tốt nghiệp THPT ai thi cũng đậu thì không cần thi để tránh lãng phí. Riêng tuyển sinh, mỗi trường một mục tiêu thì nên để các trường tự chủ.

Theo GS Phạm Phụ, giai đoạn này đã có thể hướng tới một kỳ thi. Vấn đề kỳ thi chính là tuyển sinh ĐH hay thi tốt nghiệp. “Tôi nghiêng về ý bỏ thi tốt nghiệp. Thi mà đậu 99% thì thi gì nữa! Nhưng có thêm một vấn đề là mục tiêu  giáo dục ĐH tạo điều kiện để người dân vào ĐH. Vì vậy, cần giải quyết thấu đáo chuyện cho sinh viên vay vốn để đi học tại các trường”, ông Phụ đề nghị.

Trả lời về phương án một kỳ thi quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đề án này Bộ đang làm và dự kiến trong quý 3 sẽ trình Phó thủ tướng Vũ Đức Đam quyết định tiếp. “Việc có kỳ thi chung ngay từ năm 2015 hay không tùy theo đề án. Đề án sẽ được thực hiện hết sức thận trọng, có đưa ra xã hội để lấy ý kiến, sau đó cân nhắc để hoàn thành. Việc này không thể chủ quan được”, ông Ga nhấn mạnh.

Ông Ga cho biết đề thi sẽ có phần hết sức cơ bản để dùng xét tốt nghiệp nhưng bên cạnh đó có phần nâng cao, tích hợp, khó hơn (giống đề thi ĐH năm nay) để các trường ĐH, CĐ dùng làm cơ sở xét tuyển vào trường. “Không bắt buộc tất cả các trường sử dụng kết quả này. Các trường có thể sử dụng toàn bộ kết quả như 62 trường tuyển sinh riêng trong năm nay hoặc có thể sử dụng một phần kết quả, sau đó thi vài môn khác, phỏng vấn… Nhưng Bộ cố gắng cung cấp dữ liệu tin cậy nhất để các trường có thể sử dụng”, ông Ga nêu quan điểm.

“Khi có một kỳ thi chung với hai mục đích như vậy sẽ có cả giáo viên phổ thông và giáo viên ĐH tham gia ra đề”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.