Một làn mây nhẹ trôi - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài

25/10/2015 05:00 GMT+7

Tôi gặp hai mẹ con chị trong buổi chiều khuôn viên xanh mát, không biết tên chị, không tiện hỏi, tôi gọi “chị” khi bắt chuyện, thế là đủ. Cháu bé chừng lên tám, vẫn nghe chị gọi nó là Củ (chắc tên gọi ở nhà).

Tôi gặp hai mẹ con chị trong buổi chiều khuôn viên xanh mát, không biết tên chị, không tiện hỏi, tôi gọi “chị” khi bắt chuyện, thế là đủ. Cháu bé chừng lên tám, vẫn nghe chị gọi nó là Củ (chắc tên gọi ở nhà).

Củ dễ thương, cậu đạp xe trong khuôn viên, chiếc xe đạp trẻ em màu sữa, còn chị, ngồi trên ghế đá, thi thoảng đi lại dạo bước, nhìn ngắm chung quanh. Trông chị tươi nhẹ, mát mẻ, dáng người, áo quần (áo quần có nhiều hoa... tôi hay để ý kiểu áo quần, thích kiểu quần rộng ống mà chị đang mặc) mềm mại, vẻ thoải mái.
Chiều về, tôi lại ra khuôn viên ngồi, tôi bắt đầu yêu thích vẻ xanh mát, cảm giác nhẹ nhàng của nó. Cậu bé Củ đang chạy xe đạp, kiểu gò lưng đạp thật nhanh hết sức, phanh chững, lại đi tiếp, đoạn cu cậu uốn mềm cả xe lẫn người, quay, rẽ... thi thoảng cu cậu ghé dừng lại chỗ mẹ cười nói chút rồi đạp xe tiếp. Tôi thích cu cậu, không nhịn được làm quen, không nhịn được việc khen nhiều. Cu cậu thân thiện, gương mặt sáng sủa hiền lành, trán rộng, rõ vẻ khôi ngô.
Tôi có phần nể trọng chị, mẹ Củ, chị chân thành, cởi mở, thân thiện ngay từ đầu, điều đó khiến chị đẹp hơn mọi son phấn lụa là, trang sức quý báu. Khi đã quen, thấy tôi rất thích Củ, chị ấy càng cởi mở, say nói về con mình hơn.
Chúng tôi ngồi, mặt hướng về phía mặt trời lặn, nhưng nắng không chiếu tới. Chị vui thú kể với tôi chuyện hai mẹ con chị tối qua, thật sự là tôi bị cuốn hút:
- Cô biết không, tối qua cu cậu đọc rồi buông sách ao ước có vú nuôi như trong truyện. Cậu ao ước khẩn thiết lắm:
“Con muốn có vú nuôi, có ngay ngày mai mẹ ạ!”.
Con khiến mình nghĩ ngợi. Vú nuôi, bây giờ ở ta cũng phổ biến, gọi là người giúp việc, là ô sin... ừ, có vú nuôi như người mẹ thứ hai, cưng chiều, nhắc nhở dạy bảo thêm thì tốt quá đi chứ. Nhưng mình im lặng cho qua chuyện, thế mà cu cậu vẫn đòi phải có vú nuôi,
mình bảo:
“Con đã lớn rồi, không cần có vú nuôi nữa”.
Cu cậu không chịu vì nhân vật trong truyện cũng lớn rồi. Mình không biết nên nói chuyện với con như thế nào cho phù hợp, đành nói rằng:
“Nhà mình không có tiền trả cho vú nuôi con ạ”.
Cu cậu thắc mắc:
“Vì sao lại phải trả tiền? Con muốn không phải trả tiền, con muốn có vú nuôi...”.
Cu cậu không chịu buông tha. Mình lại thấy khó nói chuyện với cu cậu quá, tránh đi hay cứ nói như mình biết, mình nghĩ? Nhìn con đang hóng đợi ý mẹ, mình đành nói đại:
“Vú nuôi làm việc thì phải được trả tiền chứ. Nếu mình không trả tiền thì không có vú nuôi được. Mà nhà mình ít tiền quá, không có đủ tiền để trả”.
Mình đoán là không tránh được kiểu vặn vẹo tiếp theo tương tự như trước đó. Y như rằng cu cậu lại căn vặn:
“Vì sao mình lại có ít tiền hả mẹ?”.
Thật là mình không nghĩ bị đưa đẩy, bị lâm vào thế khó nói chuyện với con thế. Mà cu cậu lại tò mò một cách nghiêm túc nữa cơ. Nó muốn biết lắm, còn có vẻ tiếc là nhà mình ít tiền cô ạ. Thôi, đã thế rồi thì mình cứ trả lời đại đi cho nó qua:
“Mình ít tiền vì mình chưa giỏi”.
Nó lại vẫn tò mò nghiêm túc:
“Vì sao mình chưa giỏi hả mẹ?”.
Con nó lại căn vặn đến nơi đến chốn. Mình nói, cả nghiêm túc, cả xong chuyện:
“Vì ông bà mình, quê hương mình nghèo khổ quá. Nắng nóng quá chết cây, mưa lũ quá trôi nhà trôi cửa...”.
Nghĩ, biết sự từ đầu nói cho qua chuyện: Ừ, mai ta đi kiếm vú nuôi, hoặc, mai ta nói bác Mận làm vú nuôi... chứ nói chuyện kiểu này với đứa trẻ tám tuổi thì khó cho cả mẹ lẫn con quá. Nhưng thực ra thì mình bị ánh mắt, vẻ mặt, sắc thái của con nó dồn dắt, nó có nhu cầu nghe lắm, tính nói nhăng cuội nhưng thôi thà nói như thế, con không hiểu thì cũng là đã trả lời. Không ngờ cu cậu vẫn chẳng tha, lại hỏi:
“Sao ông bà không chọn quê hương khác?”.
Mình ngạc nhiên, không tin con nó nói thế, lại còn kèm theo sự tiếc nuối ra mặt. Mình có phần nghĩ miên man hơn, mà nó thì vẫn vẻ mặt tiếc nuối, nhắc lại:
“Vì sao ông bà lại không chọn quê hương khác hả mẹ?”.
Không biết nói sao cho con hiểu, nghĩ một chút rồi thì:
“Vì chiến tranh, phải chạy trốn giặc, chạy tán loạn nên không chọn được...”.
Cu cậu cười. Mình muốn cu cậu chán chuyện để cho xong đi, nó “chơi khó” ghê, nhưng cậu lại quay sang hỏi tiếp:
“Chiến tranh có từ lúc nào và kết thúc lúc nào hả mẹ?”.
“Khi con sinh ra đã hết chiến tranh chưa mẹ?”…
Khi đã thôi hỏi, cu cậu vẫn vẻ tiếc nuối, nó vẫn thèm thuồng có vú nuôi như tuổi thơ của Winston Churchill...
Im lặng chút rồi chị ngoảnh sang tôi:
- Em lập gia đình rồi chứ?
Tôi nhìn chị lắc đầu:
- Em chưa chị ạ.
Chị nói, mắt lại để vào những vòm cây trước mặt:
- Đàn bà con gái, từng làm con, rồi cũng sẽ làm mẹ. Mình cũng từng làm mẹ buồn... Rồi mà xem, nuôi con mới hiểu, làm bao nhiêu cho con vẫn thấy chưa đủ. Những điều con ước, rồi điều mình ước cho con, có điều gần tầm với, tưởng sẽ làm được cho con... mà vẫn cứ vuột mất, thời gian trôi, con thì lớn mau...
Chị ấy ngồi yên lặng, hình như đang bận lòng về những gì chưa làm được cho con chăng? Tôi cũng đã được nghe những lời tương tự, chứng kiến nỗi lòng người mẹ như chị rất nhiều rồi... tôi thấy nó khắp nơi. Ở chị, với Củ, tại khuôn viên này, thời khắc này không khỏi khiến tôi nhớ mẹ... Nhưng tôi chỉ muốn nhớ tuổi thơ thôi, tuổi thơ tôi với mẹ, chỉ tôi và mẹ, còn lại, tôi không muốn nhớ gì thêm nữa. Không nhớ. Tôi lảng tránh những suy nghĩ của mình.
Chúng tôi đều như để mắt nhìn vào những vòm cây. Nắng sắp hết. Mấy chiếc ghế đá, người đến ngồi, người đi, cỏ xanh xanh và hoa dọc lối. Xung quanh xanh quá, sạch sẽ, thoáng và mát...
Một quán cà phê gần chỗ chúng tôi có dăm bảy khách. Ở đây chim trời nhiều, mà người ta vẫn nuôi chim lồng. Chim trong lồng nhảy nhót không yên.
Củ vẫn ham mê với xe từ nãy giờ, nó lượn nhẹ nhàng, rồi gò lưng tăng tốc, nghiêng mình, nghiêng xe cua nhanh đẹp lắm... nhưng, thôi chết, nó ngã. Chị chạy đến. Tôi chạy theo. Củ bị trầy xước rồi. Cu cậu nhăn mặt chịu đau, chừng sợ mẹ. Đầu gối, khuỷu tay... còn đau chỗ nào nữa không? Nào, nào...
Tôi lấy điện thoại bấm nhanh kiểu ảnh, cái vẻ mảnh mai, dịu dàng của chị nén lại cơn lo lắng, bực bội...
Rồi hai mẹ con chào ra về. Củ ngoái lại, vẫy tay lần nữa.
Tôi nhìn theo bóng hai mẹ con, còn lại chút nắng cuối ngày, gió vẫn nhiều, từng đợt lá ào rơi. Lá... ở đâu cũng vậy. Và những cụm, những đụn mây trắng. Tách ra, có một làn mây mỏng nhẹ... Tôi thoảng nhớ đến mẹ, nhưng rồi ngắt cái nhớ đi.
Đầu phía đường hai mẹ con nhà Củ đi có ngọn khói mỏng rồi đặc quyện, lại tan loãng ra. Bóng hai mẹ con xa dần cuối con đường, màu áo xanh lá cây của Củ hút đi, tôi bỗng muốn theo đi về hướng ấy. Đoạn đường ấy có gì? Hai mẹ con...
Họ như là khói, khói không thể lẫn nhưng khói cũng tan vào bao la. Cảm giác trong tôi sánh đặc lại tan ra, hòa vào mênh mông. Mới đó mà sao lòng bỗng dưng buồn vô cớ, mới chừng một tiếng đồng hồ mà chung quanh đã biến mất nhiều thứ; lá và nắng, những cụm mây nhẹ trôi, con người, giọng nói, khói lửa... Tôi cũng không phải là con người nhiệt thành, rành rọt được nữa từ lúc hai mẹ con quay gót, càng mông lung, càng dần buồn trĩu. Nghĩ đến mẹ lại gạt đi, lại vương vào...
Lúc nãy tôi có nghe Củ hỏi mẹ: “Hôm nay mẹ thấy thế nào? Mẹ vui không?”, người mẹ gật đầu, rồi cậu sà vào lòng mẹ, người mẹ ôm hôn con, rồi hai mẹ con ngồi yên như thế rất lâu. Tôi cũng bao lần ngồi lâu trong vòng tay mẹ...
Tôi vừa đi vừa láng máng nhớ. Dứt ra và vương vào. Thèm về thăm mẹ, nhưng tôi biết vì sao lại khó khăn đến thế! Tôi đã từng về đến nửa đường rồi thôi không về nữa. Về nhưng không xuống nơi muốn xuống, đi trượt cho quá, và đi qua luôn.
Ngày tôi đi mẹ còn nôn ọe, cáu bẳn, mà bây giờ tôi mới có thể nhớ rõ, hiểu rõ hơn một chút. Tôi hình dung đứa em cùng mẹ khác cha mà tôi chưa biết mặt... nó lên bốn hay lên năm nhỉ? Gặp, tôi sẽ yêu thương nó chứ? Khi nào tôi mới về lại nhà? Lang thang nhiều, nhưng tôi vẫn chưa biết ngày nào về lại. Lẽ ra ngôi nhà ấy... Mấy năm rồi tôi biết mẹ mòn mỏi, tôi biết mẹ đã sinh em...
Tôi gạt đi, không nghĩ tới đó nữa.
Lơ đễnh, tôi bị mất dấu hai mẹ con Củ. Về phòng nghỉ hay đi tiếp? Ờ, đi, lúc này cần đi, mới dễ quấy loãng, quên những gì không nên nhớ. Đi, tôi đã bước đến cuối hẻm đường nhựa, trước mắt là con đường đất nhỏ hẹp. Những ngôi nhà nhỏ, nhà tạm nằm dọc con đường đất, xộc xệch. Có mùi của rác rưởi, bóng tối ập ngay tới các ngóc ngách, tôi quay gót, không dám đi hết con đường lạ bắt đầu tối sụp hết cả lại, cả hôi hám, hôi thối. Là rìa phố? Tôi quay gót, nhưng đi được một quãng lại muốn tìm đi lại con đường đất ban nãy. Sao lại phải sợ? Sợ bóng tối, sợ mùi hôi hám, sợ lạ, lỡ có kẻ xấu gây họa rồi người ta vô tình vô cảm...? Vẫn chỉ là ý nghĩ và tưởng tượng. Tôi từng và vẫn rất sợ những ý nghĩ rối ren, lộn xộn, vơ vẩn của mình, những ý nghĩ phức tạp khiến tôi co hết mình lại, chìm trong bóng tối. Ngõ ngách thăm thẳm, khoảng mờ sáng, khoảng tối lại, và hình như có cống hay kênh nước gần đây.
Tôi đang đi vào vùng phố bị ô nhiễm nặng. Một người đàn bà to béo ngang qua tôi, người ngậy mùi gì như bếp núc, lẫn son phấn, mồ hôi... Đi mấy bước nữa, tôi phát hiện ra chiếc xe đạp ở khoảng sân, phần cửa hắt sáng ra... Giống như xe Củ?! Tôi đứng nhìn vào, thập thò như rình mò, như người có ý định mờ ám trong lúc tối trời, ngài ngại nhưng cố để biết xem có phải là chỗ ở của mẹ con Củ?
Đúng rồi! Người mẹ dắt chiếc xe đạp của Củ vào và nói: “Củ ơi, hôm sau con phải tự biết đưa xe vào nhà nhé!”. Thằng bé dạ vọng ra. Tôi không muốn tò mò thêm, đi tiếp, hai bên đường cho tôi cảm giác cuộc sống với những xộc xệch, ẩn khuất. Những nhà mái tôn, thỉnh thoảng có những mái nhà khuất dưới, sau tán lá như che bớt sự trần trụi, nghèo khổ...
Ở khuôn viên, tôi không tò mò, chỉ quan tâm Củ, cảm nhận những gì được thấy, được nghe. Tôi có đoán về chị, vẫn tưởng chị sống ở ngôi nhà và khu phố không phải như thế này...
Một người đàn ông nom gầy trơ đi ngang qua... Rồi một người thâm thấp nữa. Phía trước con đường hình như có chuyện gì lạ thì phải. Cờ tang? Có người chết ư? Mà sao im ắng vậy? Tôi đã đến gần, gần rồi, chỉ có mấy người ngồi im lặng, đôi người đi lại. Tôi chưa từng chứng kiến cái chết nào im lặng như thế. Không tiếc thương hay là để cho người chết được yên? Tôi rất tò mò, thèm bước vào, nhưng không dám. Ai đó sẽ tưởng tôi điên. Nghĩ mà chân bước về phía trước, thấy lối ra mới, ở chỗ có lá cờ tang, một ngõ phố đổ bê tông, đỡ chật hẹp và sáng sủa, tinh tươm hơn hẳn. Những sáng rõ tinh tươm lấp dần những mùi mè, sáng tối và cảm giác ớn rợn, buồn nôn...
***
... Em không thể quên chuyện ông bố nọ đánh tát cháu bé túi bụi, em đã nhảy vào xô, đấm... Ông ta kêu em là đồ con điên, quay ra đánh tát em, em rút giày nhọn tự vệ, rồi mọi người xúm lại, ông ta nói: “Tôi dạy con tôi, con điên này nhảy vào can thiệp, ai mượn nó chứ”...
Rồi bác sĩ nói với em: “Cô nhạy cảm với những biểu hiện của trẻ nhỏ, và những gì liên quan đến con người... nhạy cảm quá mức nên thường có những biểu hiện thất thường. Cô cần thay đổi tình hình hiện tại, nếu không chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ có nhiều phức tạp rắc rối hơn...”.
Rồi em gặp anh. Em kể cho anh về nỗi buồn. Lớp lớp buồn dính bết đan bện lấy nhau, em lật mở, gỡ... Em đã giấu nó đi, sợ người ta biết thì bêu riếu, cười chê... Những nỗi buồn chồng lên nhau, im đống, và kín mít... Nỗi buồn càng như nước chảy luồn khoáy vào trong... Nó xuyên qua anh ư? Anh âu yếm, ru dỗ, và biển đó, trời đó làm chứng sự san sẻ kỳ lạ. Em cảm thấy rõ trái tim chai cứng của em nhuận hồng dần lại, dù vẫn buồn, vẫn buồn lắm... nhưng những gì với em từ đó, từng khắc giờ, đều sáng ấm dần, tươi mới và nhiệm màu dần.
Em kể cho anh, bắt đầu từ chỗ nào nhỉ? Em phải sắp xếp lại, nhớ lại... nhưng có chỗ em cũng hơi lộn xộn tâm tư, diễn đạt rối, nhầm lẫn trước với sau... khi dốc ra, có những điều có sau nhưng đòi được nói ra trước, và em cũng không hiểu vì sao khi nói về những điều đã lâu, đã ngủ yên, đông cứng như đá... nó lại có thể chảy lỏng run rẩy, lại nhòa đi như vô thức, có chỗ không bình thường, cả rời rạc... mà anh vẫn rất hiểu...
Em kể về từ lúc nào đó em đã không có mẹ, làng quê nghèo đói, em và bọn trẻ ăn hoa cỏ, rễ... cả thứ dưới đất và trên trời như mây, trăng... Ăn vơ vẩn. Càng lớn, càng buồn, em càng biết thương mình không có mẹ. Buồn, khổ, em càng nghĩ rằng, tất cả chỉ tại vì em đã không có mẹ...
Nhưng biết bao người có mẹ mà họ cũng rất buồn khổ? Em biết họ cũng buồn lắm ấy. Anh thấy sao? “Ừ, anh thấy, họ buồn nhiều chuyện. Ai cũng buồn, thậm chí họ buồn vì họ có mẹ mà luôn làm khổ mẹ, muốn làm cho mẹ vui, mẹ hạnh phúc mà thấy khó, chưa làm được, hoặc làm được quá ít... Nhiều nỗi buồn, buồn thì thường nghĩ về người đã sinh ra mình, ôm ấp, chở che, yêu thương mình nhất... mà mình chẳng làm được gì khác hơn khi ngày tháng cứ trôi đi, cứ lặp lại, như cũ... rồi có khi họ quên nỗi buồn của họ, họ sợ nỗi buồn, tìm đến chỗ vui... để rồi lại buồn thêm...”.
Tôi khóc, nước mắt lăn chảy dầm dề. Rồi tôi nấc lên nghẹn ngào. Nằm xuống, ngồi dậy, ngồi, không muốn nhớ, nhưng nó cứ loáng thoáng luẩn quẩn trong trí...
Bao năm qua tôi ra đi, không muốn nhớ cái mặt nhờ nhợ, bệch bạc của ông bố dượng. Đã hơn mười năm rồi mà thật khó xóa đi chuyện hồi mười lăm, mười sáu tuổi, tôi phổng phao, mũm mĩm, thế rồi bị chứng bệnh mất ngủ đến xờ xạc, xanh xao. Đêm đêm tôi hoảng sợ, mất ngủ. Không ngủ để canh chừng, để đoán xem rồi sẽ ra sao nữa đây? Sẽ là gì nữa? Tôi thức, chà gí lời nói lợm tởm ấy dưới chân, để giẫm lên cái mặt ông ấy... Mẹ không thể biết có chuyện đó. Mẹ đừng bao giờ biết! Tôi nghĩ cách cho mẹ và tôi được sống thật sự bình yên. Mười sáu, mười bảy tuổi mà ngọn dâu, lá ruốc, trà tâm sen, lạc luộc, hạt sen hầm và các loại thuốc... Mẹ đã nói nhiều lần với tôi rằng mất ngủ, ngủ ít sẽ hư người, da xấu, sẽ sinh lắm bệnh: gan, tim, tâm thần... nhưng tôi không biến chuyển gì được. Mẹ cho là tôi không nghe lời, không thương mẹ, không chịu thay đổi. Mẹ khiến tôi đau khổ nghi ngờ: có phải tôi không thương mẹ?
Mẹ không biết, mẹ đừng nên biết chuyện hai cánh tay ông ấy đã muốn làm gì tôi... Không phải là nâng đỡ chở che như mẹ tưởng. Ông ta đụng được vào tôi thì sẽ thế nào? Chưa đụng thì cũng đã bóp chết sự ngây thơ, trong sáng của tôi rồi. Tôi vẫn phải canh chừng, phải hiểu cho ra, vẫn phải tìm cách cho mẹ và tôi được sống hạnh phúc, tìm cách trừng trị, tống táng... Tôi gan lì âm thầm chiến đấu, nhưng tôi đã không làm gì được, cái vỏ tử tế và mềm mỏng nhẫn nhịn gây khó khăn cho tôi. Tôi không thể tha thứ cho loại tội lỗi mà sau này tôi mới gọi tên được là tội gợi dục đối với trẻ vị thành niên...
Tôi đi. Thật xa... đi tìm nơi đất lành. Mấy năm rồi? Mấy năm tôi không muốn nhớ mình có người cha dượng, tôi tìm cách hủy, chôn một vài thứ, vùi chôn bằng được cái quãng tối tăm...
Cái gì đã khiến tôi xới lật nó lên ở đây vậy? Bao năm đi xa, và đi lang thang nhiều, tôi cũng đã khác, không thức triền miên nữa, tôi cũng được biết nhiều chuyện đời còn cay đắng, cực nhục, ghê tởm hơn...
Tôi bỗng nhớ tới Củ, mẹ Củ và bầu trời khuôn viên đầy lá xanh, nắng gió, và mây... Tôi vẫn phải mượn, phải tìm đến, nhờ vào những điều vui vẻ mến yêu... xoa dịu, nâng đỡ, lôi tôi lên khỏi hố ký ức buồn.
Không hay thức triền miên nữa, nhưng tôi vẫn có những đêm đợi sáng, đợi tìm trên bầu trời một làn mây nhẹ trôi... Đợi.
Nơi cánh cửa phòng tôi vừa mở, ánh sáng điện trong phòng ùa ngay ra góc có những cánh hoa trắng muốt. Thơm quá. Và hàng cây trước dãy nhà đang xào xạc. Chưa bao giờ tôi buông bỏ được cảm giác bóng đêm chứa giấu nguy hiểm, kể cả bây giờ... Gió thổi, lá lay. Có người còn thức... Những khoảng sáng, chúng không hoàn toàn giống nhau, chúng ở trên cao, cả dưới mặt đất, chúng lay vờn trong tán lá. Sắp phải xa nơi đây rồi. Ờ, sẽ có lúc tôi trở lại đây...
Mẹ đặt tên tôi là Vân, từ ngày đi xa, tôi nói tôi là Mây. Tôi thích tên Mây, thích ngẩng lên trời chọn, tìm kiếm cho mình một làn mây nhè nhẹ... Tôi không hẳn là cô gái xấu, nhưng coi như đã quá lứa, lỡ thì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.