Một nghệ sĩ Sử học

08/08/2005 23:54 GMT+7

Mấy hôm nay, những tin tức đáng buồn về kết quả thi môn Sử ở các trường đại học, những báo động về chuyện học sinh trung học "chán sử ta" mà chỉ thích sử... Tàu (dĩ nhiên là thích qua các phim võ hiệp, các phim dã sử và chính sử Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan tràn ngập trên các màn ảnh nhỏ ở ta) phải chăng cũng là một "tác nhân" khiến bệnh tình giáo sư Trần Quốc Vượng thêm nặng ?

Và sáng sớm ngày 8.8, nhà sử học Trần Quốc Vượng đã lặng lẽ vĩnh biệt chúng ta. Phải nói ngay, sinh thời, anh Trần Quốc Vượng, theo nhận xét của tôi, và không chỉ của riêng tôi, là một giáo sư ít chất... giáo sư nhất, nếu hiểu giáo sư là một người thường có vẻ ngoài đạo mạo. Tôi có cảm giác anh Vượng là một người uyên bác đi khắp nhân gian để phát hiện những điều lạ kỳ bị thời gian và những cuộc dâu bể vùi lấp từ đời nảo đời nào. Giáo sư Trần Quốc Vượng "quê gốc miền sông Châu - núi Đọi - xứ Nam" như ông từng viết trong một cuốn sách, sinh ở Kinh Môn - Hải Dương ngày 12.12.1934.

Tôi nhớ, có lần uống rượu vui, ông nói ông cầm tinh con... chó, giống tôi, nhưng hơn tôi một giáp. Ông tuổi Giáp Tuất, rõ ràng là một người nhạy cảm và... bình dân. Nhiều lúc đến lòa xòa, khiến cho cả học trò của ông cũng thấy khó hiểu. Nghe nói, khi sang dạy bên đại học Mỹ, ông vừa giảng bài bằng tiếng Anh, vừa hút thuốc và uống... rượu. Ông đúng là một "kỳ nhân", không chỉ vì năm 1956 tốt nghiệp thủ khoa Đại học Văn khoa Hà Nội - khoa Sử - Địa, năm 1959 đã thuyết giảng giáo trình đầu tiên về khảo cổ học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, và năm 1980 được phong hàm giáo sư trong đợt phong đầu tiên. Cũng không hẳn vì ông là một trong "tứ quý" Lâm - Lê - Tấn - Vượng (các giáo sư Đinh Xuân Lâm - Phan Huy Lê - Hà Văn Tấn - Trần Quốc Vượng) được giới sử học trong nước và cả quốc tế kính nể. Chất "kỳ" của ông nằm ở những phát hiện bất ngờ, cứ như tình cờ, mà ẩn những sâu sắc lạ lùng. Như chuyện ông nói chính những "cái đèo" đã làm miền Trung trở nên một vùng đa văn hóa. Thoạt nghe, cứ như đùa, nhưng ngẫm sâu, lại thấy rất có lý. Chính những cái đèo đã ngăn cách các tiểu vùng văn hóa, và khu biệt những vùng khác nhau ở miền Trung, khiến có những dị biệt, từ ngôn ngữ, cách phát âm, đến văn hóa. Huế khác Quảng Nam, Quảng Ngãi khác Bình Định, còn Bình Định lại khác Phú Yên... Thuyết "Địa - Văn hóa" của  giáo sư Trần Quốc Vượng, không biết trên thế giới đã cũ chưa, chứ ở Việt Nam mình thì còn rất mới mẻ và hấp dẫn. Nhìn văn hóa từ cái nhìn địa lý, gắn chặt văn hóa với đất đai thung thổ, từ hình sông thế núi mà phát hiện ra những vấn đề của lịch sử, cũng là những vấn đề của văn hóa, người ta thấy lừng lững ở vị giáo sư sử học lòa xòa, ham vui, ham chơi và "phi hàn lâm" này một nhà văn hóa tầm cỡ, một nhà văn hóa sâu sắc. Không để đời bằng những bộ sách đồ sộ, những chuyên luận hàn lâm hoành tráng, giáo sư Trần Quốc Vượng lại là người biết cách trò chuyện với đất, với đá, với sa thạch, với những gì ta thường bỏ qua hay quên lãng. Và qua những "cuộc trò chuyện" thường ngẫu hứng, thường lan man như thế, đất và nước, sông và núi đã lên tiếng nói. Sử học là một khoa học mênh mông nhưng vô cùng gần gũi, là chuyện "tày đình" nhưng cũng là miếng ăn miếng uống hằng ngày. Đánh giá cao mọi điều nhỏ bé nhất, giáo sư Trần Quốc Vượng là người tìm ra được, nhặt ra được rất nhiều "vàng" từ những đất cát vu vơ. Khảo cổ học đã theo ông suốt đời, nhưng ông không chỉ biết cúi mình xuống đất, ông còn biết, thỉnh thoảng ngước nhìn trời và... cười. Hay thở dài. Đời ngắn ngủi lắm, nhưng đời cũng vô cùng dài. Nhiều khi cái bí ẩn lại nằm ở chỗ mở phơi, và ngược lại. Chúng tôi hay tếu táo gọi Trần tiên sinh là "giáo sư - chiến sĩ", có lẽ vì ông quá bình thường, quá dân dã. Ông thích chơi với anh em văn nghệ, thích nói những chuyện tiếu lâm vui đùa nghịch ngợm. Có lần, ở Qui Nhơn, nhân uống bia vui, tôi tặng ông bài thơ ứng tác có mấy câu "Nhăng nhố là nhăng nhố ơi - nhăng nhố nói cười - mà anh muốn khóc - mà anh muốn... hóc". Không ngờ bao nhiêu năm sau gặp lại tại Quảng Ngãi, ông vẫn nhớ bài thơ nhếu nháo này, và tỏ ra rất thích. Vậy đấy, không thể "hàn lâm" cả khi nhớ về ông trong giờ phút vĩnh biệt này. Ông vẫn khiến ta muốn cười, muốn vui, muốn yêu cho hết cái đời này. Và yêu cho hết đất đai này. Sông biển này. Những hòn đá và những phiến đất nung này. Những ẩn ngữ Chàm và những vũ điệu trên sa thạch này. Vĩnh biệt ông, dù vẫn biết ông không đi đâu xa. Nếu trong ngành sử học có một nghệ sĩ, thì đích là ông, Trần Quốc Vượng. Một nghệ sĩ-sử học.

 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.