Một người chết cứu bảy người sống

28/06/2010 14:10 GMT+7

Bộ Y tế vừa công bố bác sĩ Việt Nam có thể ghép thận, gan, tim, van tim, giác mạc thường quy. Ông Nguyễn Tiến Quyết - giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đơn vị đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận, gan, van tim từ người hiến đã chết não - cho biết:

- Mỗi năm có khoảng 1.500 người chết não tại Bệnh viện Việt Đức, nhưng gần đây mới có hai người hiến tạng. Trong số này, từ một người hiến là thanh niên 20 tuổi, chúng tôi đã ghép thận cho hai người, gan cho một người, van tim cho hai người, giác mạc cho hai người nữa.

Một người không may nhưng đã có bảy người khác được cứu, đó là nghĩa cử cao đẹp nhất được xã hội tôn vinh.

Nhưng vấn đề là chưa có nhiều người hiến tạng, chúng ta phải tuyên truyền được như Thái Lan, Đài Loan, để những người không may vượt lên được vấn đề tâm linh, sau đó là lo hậu sự để họ được ấm lòng. Nếu có những người hiến chết não mới cứu được nhiều người, như ở Mỹ cũng chỉ 12% ca ghép là tạng hiến từ người sống, còn lại là từ người hiến chết não.

Điều đó, theo tôi, là phải huy động sự tham gia của toàn xã hội chứ không thể một tổ chức, một cá nhân làm được.

* Thưa ông, những người bệnh nào có thể hi vọng được cứu sống từ kỹ thuật ghép tạng?

Ba bệnh viện đủ điều kiện ghép tim

Hiện tại Bộ Y tế đã thẩm định và cho biết Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Nhi T.Ư đủ điều kiện thực hiện ghép tim. Ngoài ra Bệnh viện Việt Đức cũng đang chuẩn bị để triển khai đề tài ghép tim trên người.

Dịp này, ông Nguyễn Tiến Bình, giám đốc Học viện Quân y - đơn vị thực hiện ca ghép tim đầu tiên từ người hiến chết não, cho biết bệnh nhân được ghép tim đầu tiên - ông Bùi Văn Nam, 48 tuổi - đã ăn uống, tiếp xúc được, không sốt và có thể được ra viện trong hai tuần tới. Bệnh nhân Nam mắc chứng cơ tim giãn, suy tim độ 4 đã nhiều năm và đây là nhóm bệnh nhân có thể chỉ định ghép tim.
- Những bệnh như suy thận mãn, suy tim, suy gan, viêm gan giai đoạn cuối kèm ung thư gan, đặc biệt là các bệnh cơ tim và mạch vành không còn biện pháp điều trị nào khác.

Về thời gian sống sau ghép, ca ghép gan cho bệnh nhân ung thư gan đầu tiên của chúng tôi đã hơn ba năm và đến nay bệnh nhân rất khỏe mạnh. Với các bệnh nhân được ghép tạng (gồm ghép van tim, thận và gan) trong tháng 5 vừa qua thì đến nay tất cả đều đã được ra viện trong tình trạng khỏe mạnh.

Trong số này có một bệnh nhân không cùng nhóm máu với người hiến tạng, người cho nhóm O, người nhận nhóm A, nhưng kết quả ghép vẫn rất tốt. Hai người được ghép van tim cũng có kết quả tốt.

Hiện nay đang có 50-60 trường hợp chờ nhận thận, 15 trường hợp chờ nhận gan tại bệnh viện chúng tôi. Nếu có tạng hiến chúng tôi có thể thực hiện ghép tạng thường quy, vì tất cả các ca ghép trong tháng 5 vừa qua đều là cấp cứu, phải lấy tạng và ghép trong đêm nhưng kết quả đều tốt.

Chúng tôi cũng đang cố gắng để có một trung tâm ghép tạng tại Bệnh viện Việt-Đức, hiện con người, trang thiết bị đã có đầy đủ, chỉ cần thu xếp phòng ốc.

* Có một vấn đề là Luật lấy, hiến ghép mô, tạng và hiến, lấy xác đã được thông qua bốn năm, nhưng đến nay mới có những người chết não hiến tạng đầu tiên và những ca ghép đầu tiên. Theo ông, lý do nào khiến kỹ thuật này gặp khó khăn?

- Trước đây là tự phát, người bệnh tìm được tạng hiến thì được ghép, nhưng đến nay Bộ Khoa học - công nghệ đã chủ trì một đề tài khoa học, các cơ quan liên quan đều phải cố gắng tối đa. Một vấn đề nữa là vẫn có người lo ngại chẩn đoán chết não có chính xác không.

Ở bệnh viện chúng tôi, chẩn đoán chết não được thực hiện bởi ba phương tiện hiện đại là chụp mạch não, điện não đồ, siêu âm Doppler xuyên sọ, trong khi yêu cầu chỉ cần làm một phương pháp là đủ chẩn đoán chết não.

* Chi phí ghép tạng và thuốc chống thải ghép là cản trở lớn đối với bệnh nhân Việt Nam. Theo ông, đâu là giải pháp để hỗ trợ bệnh nhân?

- Chi phí một ca ghép thận tại Việt Nam từ 200-250 triệu đồng, so với nước ngoài thì rẻ bằng 1/3-1/2. Về thuốc chống thải ghép, bệnh nhân ghép gan chỉ cần số thuốc bằng 1/2 so với bệnh nhân ghép thận, tuy nhiên bảo hiểm y tế mới chi trả 1/2 chi phí thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân.

Chúng tôi cũng mong muốn bảo hiểm y tế chi trả nhiều hơn cho bệnh nhân được nhận tạng, như thế sẽ đỡ khó khăn hơn cho họ.

Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.