Anh cởi áo quăng vô máy giặt, rót một ly nước cam, cầm ra ban công ngó ngược ngó xuôi, nhìn những cánh tulip đủ màu bắt đầu úa tàn, nhường chỗ cho khóm đỗ quyên trắng, đỏ đang khoe sắc, báo hiệu mùa hè sắp đến. Cuối tháng tư giao mùa, trời chầm chậm chuyển từ xuân sang hè, mưa rả rích mỗi chiều, để sang tháng năm cây cỏ tốt tươi - “April showers bring May flowers” - như người ta vẫn nói. Thỉnh thoảng, trời lại giật mình trở lạnh. Chưa kịp mở điều hòa đã vội bật sưởi lên rồi. Thời tiết xứ này giống cô gái quá lứa lỡ thì, đỏng đảnh đỏng đa chẳng biết đâu lần hết.
Mọi bữa phải tám giờ tối anh mới đi làm về nhưng hôm nay thì sớm. Lúc chiều, sau khi nói chuyện với luật sư xong, anh chẳng còn tâm trí đâu mà ngồi cắt tỉa, dũa móng cho người ta nữa. Không cẩn thận, cắt phạm da, chảy máu, Mỹ đen không chịu trả tiền, mà còn chửi cho một trận bù đầu, đi kiện cáo tùm lum, mắc công phải đi năn nỉ, hầu hạ tụi nó.
Luật sư bảo, Sở di trú đã từ chối đơn xin re-entry permit (1) của anh rồi. Họ bảo tại sao tới giờ mà thủ tục xin thẻ xanh vẫn chưa hoàn tất? Anh nổi điên nhắn cho Hương chỉ một dòng duy nhất: “Em thật là khốn nạn và mất dạy!” rồi tắt máy, xin phép chủ lái xe về.
Bốn mươi hai tuổi, giữa một chiều phố thị không nắng, chẳng mưa, buồn hắt buồn hiu tưởng chừng không còn sức sống, Trung nghẹn ngào tự hỏi, mình đang làm cái quái quỷ gì trên đất nước này?
2.
Giữa lúc kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, đón nhận một làn sóng đầu tư khổng lồ từ các nước trong khu vực và trên thế giới; khi bạn bè hạnh phúc lập gia đình, có vợ có chồng, sinh con đẻ cái, ổn định cuộc sống ở các công ty nước ngoài bằng chức trưởng phòng, phó giám đốc, lương mỗi tháng vài ngàn đô; hoặc đang chễm chệ ngồi đếm tiền ở các công ty do họ làm chủ, thì chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Trung nhắm mắt, phủi tay trước tất cả cơ hội, quyết tâm bỏ nước ra đi. Hương, cô bạn gái hụt năm xưa, gọi về thủ thỉ, mấy tiệm nails của em bên này không người coi ngó. Tụi nhỏ cứ đau ốm hoài. Bạn trai em không thích dính dáng tới nghề ôm chân Mỹ đen. Anh muốn qua đây không? Mình làm thủ tục kết hôn giả theo diện hôn phu hôn thê vài tháng là có visa. Chứ đi theo diện kết hôn, em phải về Việt Nam ký giấy tờ lâu lắc, rồi chờ gọi phỏng vấn nữa thì trễ mất. Qua đây mình làm đám cưới. Khi nào có thẻ xanh mười năm thì ly hôn. Năm năm sau anh có quốc tịch, mặc sức đổi đời, làm tỉ phú đô la, giàu sang tột bực. Không cần cày thêm chi cho khổ, nghỉ hưu sớm, chu du vòng quanh thế giới.
Thiên đường nước Mỹ và tương lai xán lạn Hương vẽ ra thật lung linh, kỳ ảo, đủ sức lôi Trung ra khỏi Sài Gòn yêu dấu đã bắt đầu đông đúc, ô nhiễm, kẹt xe, ngập lụt, dẫu có rất nhiều cơ hội để làm giàu. Một đêm không trăng sao, cũng chẳng mây mù giăng lối, ngồi trên tầng cao nhất của khách sạn Grand cổ kính giữa lòng thành phố, Trung cầm tay Nhàn vỗ về thương hỏi, em có đủ lòng tin đợi anh không? Hai mươi bảy tuổi, nét xuân thì khá nhạt phai trên khuôn mặt trái xoan dịu dàng của cô gái quê, đã lặng lẽ yêu anh và chấp nhận tính khí bốc đồng, hợm hĩnh. Nhàn cắn chặt môi, chậm rãi hỏi, bao lâu? Ly dị cô ấy xong là anh về cưới em liền. Năm năm nữa anh làm thủ tục bảo lãnh em sang, con tụi mình có quốc tịch Mỹ, mặc sức đi khắp thế gian mà không cần xin visa này nọ. Không lạ gì tánh khí của người mình thương mến, Nhàn chỉ nói được một câu trong nước mắt, nếu sau này không còn thương em nữa, nhớ nói, đừng để em mòn mỏi đợi chờ đến hết kiếp nhen anh.
Chỉ sau hai tuần đắn đo ngắn ngủi, Trung chuyển gần hết cổ phần công ty cho Tuấn, bán hai miếng đất ở quận 7 và căn hộ nhỏ trong hẻm Lê Văn Sỹ, bỏ lại Sài Gòn nhiều kỷ niệm, hôn ngấu nghiến tạm biệt người tình như ngày mai trời sập, nhờ hai đứa em chăm lo cho má, quyết định ra đi.
Mười lăm ngàn chuyển cho Hương khi anh có visa, đặt chân sang Mỹ.
Thêm năm ngàn chuyển khoản để hai người đi đăng ký kết hôn.
Hai mươi ngàn nữa để cô ấy làm thủ tục bảo lãnh chờ phỏng vấn.
Số tiền còn lại sẽ giao đủ khi anh cầm được thẻ xanh.
Mọi thứ tưởng trơn tru, đi theo quỹ đạo. Chỉ cần một tháng làm quen với cuộc sống bên này, lấy bằng lái xe và học sơ nghề cắt dũa móng tay là anh có thể tới tiệm quản lý, chuẩn bị làm giàu nhanh chóng.
Nhưng cuộc đời đôi khi không giản đơn như người ta vẫn nghĩ.
Ba tiệm nails Hương làm chủ thật ra đã bán lại cho người ta cả rồi, cô chỉ đi làm công kiếm mỗi tháng ít ngàn bạc lẻ. Sau khi nhận bốn mươi ngàn trong tay, cô bảo bạn trai, ba của bốn đứa nhỏ, không chấp nhận bạn gái mình có hôn thú giả với người khác. Lỡ phóng lao thì phải theo lao. Cái giá năm mươi ngàn đô biến thành sáu mươi, bảy mươi, rồi tám mươi để mọi việc thông suốt. Đơn đã gửi đi nhưng ngày phỏng vấn chưa bao giờ thấy có. Thư từ, bưu phẩm gởi tới địa chỉ nhà Hương. Gọi hỏi, cô bảo vẫn chưa thấy gì. Cứ chờ đi. Khi nào có thì em báo. Trong một lần nóng ruột, anh vô tình lên mạng kiểm tra hồ sơ, thấy INS (2) đã gửi giấy mời gọi phỏng vấn đến hai lần trong nửa năm. Trung giận dữ gọi cô hỏi tại sao lại nói dối. Nhiêu đó tiền vẫn chưa đủ thỏa mãn hay sao mà không chịu báo cho anh biết tháng ngày? Hương bảo đủ rồi, không cần ồn ào như thế. Hồi xưa bỏ tui chạy theo con đó anh đâu cần biết tui sụp đổ, điên dại đến nửa năm trời? Anh có chịu nghe những lời van xin, năn nỉ quay trở lại không mà giờ lên giọng hét la này nọ?
Trong cơn lửa giận ngút trời không kiềm chế được, Trung muốn lái xe chạy tới nhà tung cho Hương chết tươi. Còn không sẽ thuê người viết đơn lên INS kể hết sự tình để họ xử con khốn nạn này, rồi mặc kệ bản thân ra sao cũng được. Nhưng gần cả trăm ngàn đô bỏ ra giờ thành công cốc? Bị tống về Việt Nam thì còn gì nhục nhã cho bằng? Nó bị bỏ tù rồi nhìn bốn đứa nhỏ bơ vơ không chỗ tựa nương cũng đâu làm mình sung sướng? Thôi thì ráng “mềm nắn rắn buông”, biết đâu nó sẽ nghĩ lại mà tiếp tục làm hồ sơ bảo lãnh cho yên thân yên thể.
Nhưng tất cả sự đợi chờ rồi cũng tan như bọt biển.
Ước mơ đổi màu hộ chiếu của anh bao nhiêu năm vẫn chưa thành sự thật.
Trung mới chạm tới chỉ một nửa thiên đường.
Niềm khao khát được đi vòng quanh nước Mỹ, từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, băng qua dãy Rocky hùng vĩ, men theo dòng Mississippi màu mỡ phù sa, đi qua những thảo nguyên đồng cỏ mênh mông Midwest đầy lốc xoáy để lên miền bắc giá lạnh tuyết phủ lúc đông về, cuối cùng cũng đã thành sự thật. Nhưng đó không phải chuyến roadtrip trên chiếc Jeep phong trần, thong thả, nghỉ dưỡng, chụp hình, hưởng thụ mà biến thành chặng hành trình dạt trôi rày đây mai đó. Từ California, anh xuống Texas, Florida, lên Georgia, North Carolina, tới New York, Boston, qua Wisconsin, Minnesota, chạy tới Utah, Wyoming và hiện thời dừng lại ở Virgina bốn mùa tươi thắm.
Mười hai mùa đông dài viễn xứ, mỗi bang Trung dừng lại không quá một năm. Anh làm đủ thứ nghề, từ thợ nails, tới phục vụ, bồi bàn, xây dựng nhà cửa ở các công trường, tới nông dân trồng trọt, cưa xẻ gỗ. Hễ nghe bạn bè giới thiệu chỗ nào có job nhiều tiền là anh ghé lại làm. Ở vài bữa nửa tháng chưa kịp quen với phố phường, đô thị anh lại tiếp tục đi tìm miền đất khác. Với cái bằng lái và tấm giấy hôn thú được ký ở Cali, Trung chẳng có thêm một mảnh giấy lận lưng nào nữa hết. Trong khi một vài đứa bạn anh quen, cũng kết hôn giả, hoặc sang đây du học rồi ở lại lập gia đình, giờ đã ổn định, làm chủ hai ba tiệm nails, bốn năm tiệm tóc, hay sáu bảy tiệm phở, nhà hàng, an phận với cuộc sống đều đều, chầm chậm, riêng anh vẫn lông bông, rày đây mai đó không biết điểm dừng. Trung nơm nớp sợ một ngày nào đó lái xe ra đường, cảnh sát vịn lại, kiểm tra hồ sơ, phát hiện ra anh là kẻ sống bất hợp pháp, không đủ tư cách pháp nhân, rồi chỉ ngày hôm sau họ mua cho cái vé một chiều, tống lên máy bay và không bao giờ trở lại mảnh đất này như mấy gã Mễ Tây Cơ cao lớn, mỗi sáng đi làm anh vẫn thấy ngồi đứng lố nhố trước Home Depot hay 7-Eleven. Cứ hai ba tuần có thêm vài gương mặt mới, những người cũ đi đâu mất cả. Chắc nơi này khó làm ăn nên họ bỏ qua bang khác kiếm sống. Mà cũng có thể, họ bị đuổi về nước mất tiêu rồi.
Cho tới một ngày, anh dừng lại tiệm người bạn ở Virginia và quen được với Ngân. Trái tim cô đơn của gã đàn ông xa nhà mang ánh mắt buồn vời vợi đã làm xiêu lòng cô sinh viên mới ra trường trong một lần tới tiệm làm đẹp để đi ăn đám cưới. Anh không giấu bất cứ điều gì về tình trạng giấy tờ của mình trong lần hò hẹn đầu tiên. Trung sợ sau này biết chuyện, Ngân lại trách anh bám vào cô vì cái thẻ xanh huyền thoại như bao gã sinh viên sang đây du học, chứ chẳng một lòng gắn bó, thương yêu.
3.
Trung vo gạo đổ vào nồi, chưa kịp bật nút thì chuông điện thoại réo vang giòn giã. Anh chạy lên, nhìn vô màn hình. +84… Trung hoảng loạn, tim đập mạnh, tay chân bủn rủn đứng ngồi không vững. Trời ơi, có chuyện gì mà mới sáng sớm bên đó lại gọi qua thế này? Đừng, đừng có bất kỳ một tin dữ nào nữa hết. Mình không chịu nổi nữa đâu. Trung đưa mắt ngó điện thoại, tự trấn an mình. Nếu có chuyện khẩn cấp thì họ sẽ gọi thêm lần nữa. Chắc không sao đâu, không sao đâu.
Mà… họ gọi lại lần nữa thật. Anh điếng hết cả người. Không thể trốn tránh thêm được nữa. Trung lấy hết can đảm, nhón tay cầm máy, run run cất tiếng “Alô” đầy kinh hãi.
- Trung hả con? Má nè.
- Nhà mình có chuyện gì hả má?
- Không có gì hết. Tại tao nhớ bây thôi.
Anh thở phào như trút một gánh nặng ngàn cân trên người. Ba hồn chín vía xém chút nữa theo ông theo bà đã quay đầu trở lại.
Trung nửa muốn trách má, nửa lại thôi. Như khổng như không gọi qua chi cho tim mình rớt cái thụi. Anh đã dặn má và người nhà rất nhiều lần là không được gọi qua vào những giờ “linh”, kiểu sáng sớm hay khuya ở Việt Nam. Con số +84 trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với riêng anh mà có lẽ với nhiều người xa xứ khác. Cha mất, mẹ đau, chị bệnh, em cưới, nhà hết tiền, trời lụt, bão vô, sập mái… Hễ thấy +84 là ruột sôi từng chập, đầu óc quay mòng mòng chóng mặt thấy ghê.
- Lần sau má đừng gọi giờ này nữa nhen. Làm con sợ muốn chết.
- Ừa. Già cả rồi nên lẩm cẩm. Tuần sau giỗ ổng rồi, bây có
về không?
Tiếng má từ từ, thỏ thẻ bên tai, vậy mà Trung tưởng chừng đang nghe một lời tra gạn lẫn chút dỗi hờn, trách móc.
- Con cũng không biết nữa má à…
- Bây ráng thu xếp về thăm tao đi. Sáu bảy năm rồi còn gì.
- Dạ để con tính.
- Dạo này trở trời là tao thấy nhức mỏi trong người. Hổng biết còn bao lâu nữa.
- Má đừng nói vậy, không nên. Cứ ăn ngủ, uống thuốc đầy đủ là mọi thứ OK cả thôi mà. Con sẽ ráng tranh thủ sớm về với má.
Trung bỏ điện thoại xuống bàn, vừa kịp nghe tiếng thút thít bên kia đầu dây của má.
Anh ngó ngược ngó xuôi, đứng lên, ngồi xuống một hồi, tự nhiên trào nước mắt như suối. Đâu chỉ bữa nay thôi mà đã ngàn buổi chiều dài, dẫu chẳng phải cô gái trẻ theo chồng về xứ lạ, nhưng hễ chạng vạng tối là anh thấy buồn, ra cửa trước, ngõ sau, ngóng trông về quê mẹ. Trong suốt bốn ngàn ngày miệt mài ở Mỹ, đôi khi Trung quên chuyện mình còn một gia đình ở bển, quên mất có một người ngày nào cũng chóc ngóc ra trước sân ngóng bước anh về. Trung quên mình cũng là con của một người đàn bà từng thức trắng đêm bóp rượu, chườm khăn mỗi khi anh làm kinh, nóng sốt. Ba mất chẳng phụng thờ hương lửa, giờ còn có mình má mà cũng không chịu chạy về thăm viếng, bưng cơm vừa nước mỗi ngày. Để mỗi đêm trong giấc ngủ chập chờn, giật mình, mồ hôi ướt đẫm, Trung mới biết mình là một thằng con bất hiếu.
Lần về quê cuối cùng vèo một cái cũng sáu năm. Chẳng ai hay biết, ngoài gia đình và Tuấn. Trong một tháng ngắn ngủi ở Sài Gòn, Trung không đi đâu hết, chỉ quanh quẩn trong nhà nghe má kể đủ thứ chuyện trên đời và ăn mấy chục món ngon má nấu. Từng nồi canh chua cá dò cá dìa vò lá me, tô mắm thu chưng với thịt ba chỉ bằm và trứng vịt, xoong gà kho sả ớt, cá trắng kho tương gừng, ốc bươu nhồi thịt, tới nồi mắm ruốc kho sả với da heo, đậm hương vị miền Trung quê ngoại đều là sơn hào hải vị. Trung không thể kể má nghe những ngày long đong và hành trình tìm kiếm giấc mơ ở thiên đường lạ lẫm, nhưng anh có thể nói với má rằng, con thèm từng món ngon má nấu và bữa cơm đầm ấm gia đình này nhiều biết là bao.
Mỗi sáng, Trung ngồi một mình trên vỉa hè quen thuộc. Nắng xiên xiên qua vòm lá me xanh rờn, nhảy múa trên ly trà đá nâu vàng, thơm thơm đăng đắng. Giọt cà phê đen nhỏ đều xuống ly thủy tinh cũ kỹ như từng giọt thời gian chầm chậm nhẹ trôi. Vỉa hè này anh đã ngồi bao lần, từ lúc là cậu sinh viên mười tám viết hàng ngàn dòng code rối rắm, những chương trình bảo mật dữ liệu hay thiết kế gần chục cái game, mong ai đó mua, đổi đời thành Bill Gates hay Warrent Buffet giàu có. Năm tháng đi qua. Thời gian trôi mãi. Từng khoảnh khắc cuộc đời như dòng nước mưa chảy vào chiếc cống thẳm sâu, chật chội. Ly cà phê trộn đậu nành với thuốc ký ninh không có gì thay đổi. Vẫn đắng nghét như cuộc đời chìm nổi của anh.
Đêm xuống, anh ngồi giữa quán nhậu lề đường đông đúc khách. Chai Heineken mát lạnh, đĩa mồi thơm lừng, thêm cái bánh tráng mè chấm mắm ruốc ngon nhất trần đời, đủ cho một đêm suy tư ngồn ngộn. Tuấn nhắn tin bảo con nhỏ bị sốt cao, tao tới trễ xí nha. Anh bỗng nhớ Nhàn bỏng cháy. Nhớ mấy lúc cô ngồi lặng lẽ nhấp môi cho miệng bớt nhạt. Chủ yếu là phá mồi và nhìn anh uống cạn nửa thùng Ken. Nhàn kêu anh uống ít thôi, còn chở em về nhà nữa. Cằn nhằn cho vui chứ cô biết, nhiêu đây đủ thiếu gì cho cái máu bợm rượu của anh. Trung kêu đĩa mực khô chiên nước mắm, thêm đĩa lòng gà xào mì Miliket, rồi chuyển qua xoài chua chấm muối ớt hay bắp xào bơ. Chị chủ quán nhiều chuyện gặp khách quen mừng rỡ, lâu rồi không gặp. Nghe đồn anh đi Mỹ làm chủ mấy tiệm nails, giàu lắm hả? Con ghệ cũ của anh lấy chồng rồi nhưng không hạnh phúc. Thỉnh thoảng cổ vẫn ra đây ngồi một mình, gọi mấy món y chang hồi đó. Tui hỏi về anh cổ lắc đầu không nói, bảo chia tay lâu lắm rồi.
Nhàn bỏ rơi anh là đúng. Chẳng có người con gái nào dư dả lòng tin để mãi đợi gã người tình bên kia trời xa thẳm.
Đến chai thứ sáu Tuấn mới áo quần xốc xếch, ba chân bốn cẳng chạy ra. Chưa tới ngụm thứ hai Tuấn đã vỗ vai anh, la lớn. Mẹ, mày về quách cho rồi. Ở lại bên đó làm chó gì với cảnh không miếng giấy lận lưng. Công ty vẫn ăn nên làm ra. Thị trường xuất khẩu càng mở rộng. Đất nước ngày một phát triển, chứ có nghèo khổ gì đâu mà trốn chui trốn nhủi như mấy thằng tội phạm. Về đây tao chia lại nửa cổ phần để hai đứa hợp tác như xưa.
Giá mà Trung có thể bỏ hết tất cả, dừng lại những năm tháng phiêu bạt của mình theo lời Tuấn nói. Giá mà anh có thể dũng cảm xé tờ hôn thú để ở lại mãi với má và Sài Gòn. Giá mà anh có thể quên đi giấc mơ triệu phú đô la, làm chủ những tiệm nails trải dài khắp ba múi giờ rộng lớn. Vậy mà anh vẫn ngồi đây với nỗi nhớ nhà và niềm tiếc nuối mỗi ngày gặm nhấm. Trung tiếc cho mười mấy năm chạy theo giấc mơ chưa một lần thành sự thật. Anh xót cho số tiền anh đã chắt chiu gửi con khốn đó mà chẳng được gì. Trung lo mình gặp sai lầm thêm một lần nữa. Sợ phải thay đổi môi trường sống khi đã đi qua con dốc bên kia của cuộc đời.
4.
Ngân về nhà đã gần nửa đêm. Cô vào bếp lo chuẩn bị bữa ăn tối. Trung tới tủ lạnh rót ly sữa. Để xuống. Thở dài. Đi ra coi cửa nẻo. Đi vô. Ngồi xuống. Uống miếng nữa. Thở dài cái rột.
- Anh ăn gì không em hâm đồ lại cho nóng.
- Anh uống sữa dằn bụng được rồi.
- Có chuyện gì vậy anh?
- Không, không có chuyện gì đâu. Anh hơi mệt thôi.
- Đừng giấu em anh ạ.
Trung tính lờ qua chuyện khác nhưng chắc sẽ không thoát khỏi cặp mắt tinh ranh của Ngân đang nhìn mình.
- Sáng nay luật sư có gọi.
- Họ bảo sao?
- Cái đơn xin re-entry permit của anh bị từ chối rồi. Luật sư bảo phải chuyển hồ sơ sang hướng khác.
- Hướng nào anh?
- Anh bị nó bạo hành về mặt tinh thần.
- Có khả thi không?
- Không biết nữa! Họ bảo cứ thử xem sao. Sợ INS tra gạn là tại sao tới mười mấy năm sau mới nói bị bạo hành.
Giờ tới lượt Ngân thở dài tư lự. Cô tới bếp, lấy mớ xoong nồi chất vô lò nướng, đứng tần ngần một hồi lại lôi ra, bỏ lên đầu tủ. Mở tủ lạnh. Dời bình sữa ngăn trên xuống ngăn dưới. Bỏ hộp trứng từ ngăn dưới lên ngăn trên. Tặc lưỡi than, sao đồ đạc nhà mình nhiều dữ. Anh có thấy cái chảo em bỏ ở đâu không? Mà quên, hồi sáng mới đem qua cho má mượn.
- Thôi em. Đi lòng vòng làm anh chóng mặt quá. Ngồi xuống nghỉ tí heng.
Ngân ngó Trung không chớp mắt. Cúi mặt, thở dài, thương anh dễ sợ. Gần một năm xin phép ba má thuê nhà sống chung với Trung, cô thấy đôi mắt nâu vời vợi của anh ngày một buồn bã. Nhà cô ở hết bên đây, hai ba bữa lại chạy qua thăm ba, chuyện trò với má. Ngân vui sao đặng mỗi khi thấy người yêu ảo não lúc chiều về, nửa đêm trong giấc mơ ú ớ kêu tên hết người này tới người khác. Lâu lâu lại lo không dám ra tiệm làm mỗi khi nghe cảnh sát bố ráp ở mall.
- Hay cứ làm thủ tục ly dị rồi mình làm đám cưới với nhau. Còn không em về Sài Gòn với anh cũng được.
- Anh thấy tiếc…
- Luyến tiếc cái gì nữa hả anh? Cũng đến lúc phải nghĩ tới chuyện gia đình và con cái của hai đứa mình nữa chứ.
5.
Trung gác tay lên trán, mọi thứ quay mòng mòng như một mê cung mù mịt. Phía bên cạnh, Ngân đã say ngủ lắm rồi. Phải làm gì bây giờ? Ly dị hay không ly dị? Về hay không về? Ra đi hay ở lại? Anh lăn bên trái, nghiêng bên phải, trồi lên, trụt xuống mà vẫn chưa thể nào nhắm mắt. Một đỗi lâu sau, anh thở chầm chậm, ngáy đều đều, rồi chìm sâu vào giấc ngủ quá khuya.
Không đắn đo gì nữa, phải rời bỏ xứ này.
Về, về thôi!
Sắp tới nhà, sắp tới nhà rồi!
Tiếp viên trưởng bảo mọi người thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, kéo màn che cửa sổ, gấp bàn ăn trước mặt, máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tim Trung đập thình thịch. Tim Ngân đập thình thịch. Cả hai luống cuống nhìn ra cửa sổ. Bên dưới Sài Gòn lung linh, lấp lánh hàng ngàn, hàng vạn ánh đèn. Đúng rồi, Sài Gòn của anh đây rồi. Việt Nam của anh đây rồi. Còn năm phút nữa, ba phút, hai phút, một phút nữa thôi, anh sẽ chạm vào mảnh đất quê nhà sau bao ngày xa cách.
Trung vội vã chạy tới làm thủ tục hải quan, lấy đồ, lật đật dắt Ngân nhào ra cổng. Người đi đón đông quá. Sài Gòn nóng nực quá. Khung cảnh ngột ngạt quá. Nhà mình đâu? Người thân của mình đâu? Má! Má! Trời ơi má! Con nè má! Trung choàng tới ôm chầm lấy má, hun lên mặt, lên tóc, lên tay, khóc hu hu cho thỏa bao ngày xa vắng. Sao má hổng nghe lời con, ở nhà đi chớ vô đây chen lấn làm chi cho cực. Con sẽ về ngay với má thôi mà. Đó, má lại ho nữa rồi. Má mà có mệnh hệ nào thì tụi con biết sống ra sao?
Về, về thôi!
Trung giật mình thức giấc.
Gối ướt mem.
Nhưng không phải mồ hôi, mà là nước mắt.
Maryland, những ngày chớm hè 2017
(1) Một loại giấy phép (khác với visa) để được vào lại nước Mỹ.
(2) Immigration and Naturalization Service - Sở di trú
Bình luận (0)