Với Sài Gòn - Thị thành hoang dại của Khải Đơn, người đọc có thể tìm thấy một Sài Gòn trăn trở đầy giấc mơ của những người nhập cư, từ nỗi buồn của một người bán hàng rong, đến cái bất an sâu kín bên trong một kẻ rời bỏ quê hương đi mưu sinh.
Một Sài Gòn đầy hoang dại trong mắt tác giả trẻ Khải Đơn |
“Sài Gòn có tiền. Muốn sống thì làm. Muốn điên cuồng giàu có, thì làm. Thành phố là sự công bình ngỗ ngược của một hạt nhân chống lại cả một đất nước không cần quan tâm và tôn trọng sức lao động... Không có sự so đo chèn ép nào, không ai có lịch sử, không cần đến quá khứ. Cứ làm việc, thiêu thân, và sống” - Khải Đơn viết về hình ảnh những con người đã rời quê hương đi tìm một “miền đất hứa” như vậy. Sài Gòn là nơi để đến, kỳ vọng. Người ta thắp lửa trong tim, mang vào thành phố. Có người tìm thấy tổ ấm, tình yêu và sức mạnh của mình giữa Sài Gòn. Nhưng cũng có người đã gục ngã, tổn thương và đánh mất chính mình.
Tập tản văn Sài Gòn - Thị thành hoang dại của Khải Đơn được chia thành 4 phần: Thị thành hoang dại, Sài Gòn - tại sao để yêu, Chợ giấc mơ và Kỷ niệm đóng đinh vào phố. Mỗi phần là một cung bậc và trải nghiệm cô ghi nhận được từ chính cuộc sống của mình trong đô thị, và cả qua những cuộc phỏng vấn cô xin gặp bạn đọc để cùng chia sẻ.
Đó là Sài Gòn của Khải Đơn, góc tối đen của những người quê lên phố chờ đợi người thân mình chết vì căn bệnh ung thư. Sài Gòn bất an trong tim của từng người trong buổi chiều tan sở triều cường gặp tai nạn, về những hàng cây bị cắt trụi, về giấc ngủ đêm của người lái xe ôm không nhà cửa. Sự bất an lan ra rồi người ta dần xa nhau, dần vô cảm vì quá nhiều sợ hãi ở thành phố.
Khải Đơn viết: “Dẹp bỏ đi hết bận tâm, nghi hoặc, thì dòng kênh đen thui, nơi đã sinh ra những anh chị giang hồ, sinh ra xóm ma túy, xóm liều, xóm đá, sinh ra chị làm gái, anh buôn hàng, thì cũng đã sinh ra một thứ cảm xúc mỏng manh khiến những ai sống ở đây đều cần đến dòng kênh. Một khoảng thở. Một nơi để mắt nhìn ra xa. Một chút độ ẩm cho ngày cực khô nóng. Gió lành - có mùi khó thở. Một nguồn cung cấp loài cá kỳ lạ, một cái hồ tắm cũng kỳ lạ không kém”.
Hay như cách cô mô tả cái ước vọng bên trong của những con người đến đây: “Ở Sài Gòn, mật độ của những giấc mơ dày thật dày, nhiều thật nhiều và mãnh liệt như năng lượng chảy theo nhiều triệu chiếc xe máy trên đường. Người càng giàu càng bán được nhiều giấc mơ, kẻ càng nghèo càng thu vén nhiều giấc mơ để đem ra chợ đời bán”.
Sài Gòn - Thị thành hoang dại là cuốn sách thứ hai của Khải Đơn
|
Nhân vật của Sài Gòn - Thị thành hoang dại là một thế giới như "miền Viễn Tây", có ông xe ôm, người sống trong chung cư, với cô bán cà phê hay bà hàng rong ôm thúng đi ngoài phố, có cả người thanh niên mới chập chững vào đời ôm ấp tất cả vào Sài Gòn để kỳ vọng đổi thay, đủ những hỗn loạn, nỗi sợ, và sự hoang mang vây quanh họ. Sài Gòn hoa lệ trở thành điển hình của những mỏi mệt trong cuộc sống hằng ngày, nơi gương mặt của những người trẻ ẩn nấp trong quán cà phê. Họ sống với Sài Gòn nhưng không thể yêu nó, bởi trái tim để ở quê nhà. Sài Gòn hỗn loạn, dữ dội và khủng khiếp với cuộc sống con người nhưng cũng đầy cô đơn.
Khác với phần đầu, Sài Gòn - tại sao để yêu, Chợ giấc mơ và Kỷ niệm đóng đinh vào phố là những nốt trầm mềm mỏng, hệt như một tách trà rót vào lòng người những êm thấm, nhắc nhở về cuộc sống dữ dội nhưng cũng đáng yêu như cách người ta nhắc nhau về chân chống quên gạt, về những tấm bảng miễn phí dựng lên giữa Sài Gòn chật chội.
Các phần này là ngụm trà nhẹ nhàng, rót vào những người mưu sinh lập nghiệp ở đây thứ cảm giác Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình: “Họ đã không kịp hỏi nhau liệu có ai là gốc ở Sài Gòn hay không, quê quán ở đâu. Họ không kịp dành thời gian để phân biệt đứa Sài Gòn, đứa không Sài Gòn, đứa nào chất, đứa nào gốc. Chất gốc là một thứ gì đó xa lạ và đầy khoe mẽ, tuyệt không phải do con người ở vùng đất này nghĩ ra”.
Tập tản văn Sài Gòn - thị thành hoang dại cố gắng chạm tới những phần sâu kín trong tâm thức một người nhập cư lui tới Sài Gòn. Họ đơn độc, gồng mình lên để cứng cỏi, tàn nhẫn, nhưng rồi cũng chính họ lại chìa tay ra, giúp đỡ một ai đó xa lạ hệt như mình, để cảm thấy bớt cô đơn và lạc lõng giữa thành phố. Chính họ, cùng với những người Sài Gòn hiền lành và hào sảng, đã kéo giãn ra cái không khí ngột ngạt của kẹt xe, tai nạn, cướp bóc, bởi dường như người ta thấy đỡ lo sợ hơn trong buổi chiều muộn thủng lốp xe trên đường vắng, có một người lại gần giúp họ đẩy xe đến tiệm sửa gần nhất. Hay như cái bình trà đá miễn phí, nó đã trở thành biểu tượng của một lòng tốt vô điều kiện và không chút nghĩ suy.
Và như một người tình đã đi đến cuối những đổ vỡ, Sài Gòn trong Khải Đơn vẫn là tình yêu và kỷ vật gắn bó suốt thời tuổi trẻ. Nó hoang dại hệt như một ngọn cù lao, đợi chờ phù sa bốn phương nương theo con nước đắp bồi. Và hằng ngày, người ta vẫn chở theo ước vọng, giấc mơ, tài hoa cập bến thành phố mưu sinh bỏ rời những ám ảnh nghèo đói nơi quê nhà.
Như một đoạn trích trong sách thế này: “Bởi những con người đã cố gắng đến đây, chung sống với nhau trong cuộc mưu sinh dài vất vả và nặng ước vọng. Họ đã không kịp hỏi nhau liệu có ai là gốc ở Sài Gòn hay không, quê quán ở đâu. Họ không kịp dành thời gian để phân biệt đứa Sài Gòn, đứa không Sài Gòn, đứa nào chất, đứa nào gốc. Chất gốc là một thứ gì đó xa lạ và đầy khoe mẽ, tuyệt không phải do người lớn từ lâu ở vùng đất này sinh ra. Sự phù du của nguyên quán bị thổi tung thành tro bụi. Bất cần lai lịch, giữa thành phố, khi nhìn mặt nhau, người ta đánh giá nhau bằng hành xử nghề nghiệp, bằng cách chơi, bằng những hệ quả tự họ nếm trải. Lời xầm xì tỏ tường gốc tích không có chỗ dung thân. Chúng ta là người lạ mà”.
Khải Đơn là tác giả trẻ sinh sống tại Sài Gòn. Cô từng làm ở Thanh Niên Online và hiện là người viết báo tự do. Năm 2015, cô xuất bản tập tản văn đầu tay Đừng tháo xuống nụ cười, quyển sách bán được 13.000 bản chỉ vài tháng sau khi phát hành. Để viết Sài Gòn - Thị thành hoang dại, Khải Đơn đã gặp và phỏng vấn nhiều người tình nguyện chia sẻ câu chuyện của bản thân về trải nghiệm ở Sài Gòn. Các câu chuyện được ghi lại ẩn danh, hoặc sử dụng như từng phân mảnh trong quyển viết này của cô. |
Bình luận (0)