Khẳng định sinh viên Việt Nam trên đất Mỹ
Rời Việt Nam khi mới 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Ngọc Bích đã khẳng định khả năng của mình với tấm bằng danh giá này. Trước đó, Ngọc Bích đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị khác.
Ngoài việc học, Thân Lê Ngọc Bích còn tham gia những hoạt động xã hội, từ thiện, tình nguyện, chuyên môn... Bạn tâm sự: “Học tập là chính nhưng bên cạnh đó mình cũng tham gia các hoạt động để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống”.
Giải 50 sinh viên giỏi nhất nước Mỹ là giải thưởng hằng năm do hội đồng giáo sư, tiến sĩ ở các trường ĐH bình chọn từ hơn 200 trường ĐH trên toàn nước Mỹ. Giải thưởng này căn cứ trên nhiều phương diện như thành tích trong học tập, tham gia về chuyên môn, tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện...
Trong đó, sinh viên được lọt vào danh sách này phải có điểm tích lũy trung bình (GPA) của 2 năm đầu ĐH đạt từ 3.8 - 4.0. Trong số 50 sinh viên này, Ngọc Bích là sinh viên quốc tế được bình chọn là giỏi nhất nước Mỹ năm 2005.
Ngoài giải thưởng danh dự dành cho sinh viên giỏi nhất nước Mỹ, trong 2 năm đầu học ĐH, Ngọc Bích còn chiếm được nhiều giải thưởng khác. Giải The Most Promising Biology Underclassman Award (tạm dịch là giải thưởng cho sinh viên ưu tú và triển vọng nhất trong khoa sinh học) dành cho sinh viên các năm đầu; National Dean’s List (giải danh dự quốc gia) cho 2% - 3% sinh viên giỏi toàn quốc và University Dean’s List (giải danh dự trường ĐH) dành cho 10% sinh viên đứng đầu của trường ĐH.
Vừa học, vừa làm để kiếm sống
Không như những sinh viên du học khác, Thân Lê Ngọc Bích vừa học vừa phải kiếm sống. Ngọc Bích nói: “Năm nào mình cũng đi làm thêm, một mặt để có tiền, mặt khác để cho quen với công việc. Ở bên này khi xin việc người ta rất chú trọng yếu tố này”.
Ngọc Bích cho biết, những năm trước bạn làm 2 việc bán thời gian, làm ở nhà hàng Nhật và làm phụ trách nghiên cứu, còn bây giờ chuyển qua làm trong văn phòng khoa hóa của trường, mỗi tuần 14 tiếng. Số tiền kiếm được cũng đủ chi trả các khoản tiền ký túc xá, mua tài liệu sách vở...
Bạn tâm sự, hồi đầu nhiều hôm vừa học xong bạn phải đi làm luôn, mệt lắm nhưng vẫn phải chịu đựng nếu không làm thì sẽ không có tiền, sau rồi cũng quen dần và công việc bây giờ thì đỡ vất vả hơn rồi.
Đền ơn nuôi dưỡng
Để có được những kết quả như trên, ngoài sự nỗ lực không ngừng của Ngọc Bích, bên cạnh đó là sự động viên của những người thân, đặc biệt là của cha mẹ.
Bà Lê Thị Kim Chung, mẹ của Ngọc Bích, không thể nén nỗi cảm xúc vui sướng khi được tin con gái lọt vào giải 50 sinh viên học giỏi nhất nước Mỹ. Trong giọt nước mắt vui sướng, bà nói: “Đây là sự đền đáp công nuôi dưỡng quý giá nhất mà tôi được nhận từ đứa con xa nhà”.
Là một người mẹ như bao người mẹ khác, bà Chung từ lâu đã quan tâm sát sao đến việc học của con. Bà cho biết, thời gian đầu đưa con đi học ngoại ngữ bà còn đóng tiền để 2 mẹ con cùng học một lớp ngoại ngữ buổi tối.
Ngoài việc học văn hóa, bà còn hướng cho Ngọc Bích học đàn, những hiểu biết rộng về xã hội. Bà Chung nói: “Tôi luôn tâm niệm các con tôi phải được học và có những hiểu biết rộng về mọi mặt, từ đó mới phát triển được toàn diện”.
Theo Người lao động
Bình luận (0)