* Khoai tây núi (Nhật Bản): Khoai tây núi được mài ra ăn với cá ngừ sống và trứng cút... cũng sống nốt! Khi mài khoai tây núi, nó sẽ tiết ra một chất nước nhờn sanh sánh, nhưng hoàn toàn chẳng có mùi vị gì cả.
* Hành hăng (Mỹ): Có mùi cực kỳ mạnh mẽ của họ nhà hành. Nó để lại dư vị khủng khiếp trong hơi thở, nên một số trẻ em Mỹ tai quái đã áp dụng biện pháp này để được nhà trường cho về nhà nghỉ ngơi!
* Dương xỉ violin (đông bắc Mỹ): Đó là phần mầm non mới mọc, xoắn tít của dương xỉ, trông rất giống phần đầu của cây đàn violon, dùng như một loại rau ăn vào mùa xuân, được du nhập từ người Canada di cư vào những năm 1700. Cũng giống như thịt nấu tái có thể làm bạn phát bệnh, dương xỉ ăn sống hay nấu tái có thể làm bạn ói mửa, chóng mặt và tiêu chảy. Mới đây, một nhà hàng ở New York đã nhận được 40 đơn kiện từ những khách hàng ăn dương xỉ xào nhanh trong 2 phút. Các viên chức của Sở Y tế đã lấy mẫu thử nhưng không phát hiện thấy thuốc trừ sâu hay vi khuẩn. Kết luận của họ là loại dương xỉ này có chứa một độc tố bị phân hủy do nhiệt trong thời gian chế biến từ 10 đến 15 phút.
* Ambuyat (Brunei): Người Brunei ăn tất cả mọi bộ phận của cây cọ sago, nhưng thú vị nhất có lẽ là thân cọ. Nó được bào nhuyễn như mùn cưa, đun sôi với nước trong nhiều giờ, cho đến khi nó sánh lại như ximăng hay cao su thì mang ra ăn. Dùng chiếc nĩa lăn nhiều vòng như khi ăn mì ống, chấm khối cao su này với bơ đậu phộng, vì nó rất nhạt. Phải ăn lúc còn nóng, nếu để nguội nó sẽ trở thành khuôn nhựa plastic cứng ngắc. Ăn món này có thể giúp giảm cân, do nguyên liệu chủ yếu là nước.
* Sên biển (Hàn Quốc): Sên biển được nuôi sống trong thùng. Khi ăn thì vớt ra, thái lát, bỏ ruột, chấm với nước sốt, giòn rau ráu!
* Cá mòi sống (Đan Mạch, Hà Lan): Cá mòi sống ướp lạnh được bọc quanh một miếng dưa chua hay hành, cắm xuyên que, là món ăn chơi thường được bán trên đường phố.
* Shiokara (Nhật Bản): Đó là cá hay mực sống, chấm với mắm ruột cá hay ruột mực. Còn ceviche (Mexico, Tây Ban Nha) là cá sống ngâm nước chanh để qua đêm.
* Harkal (Iceland): Món khoái khẩu của người Iceland là cá mập đầu nhỏ Greenland, gọi là harkal. Lúc còn sống, thịt harkal rất độc. Thịt cá mập được gói lại, chôn sâu 1,5 đến 2m dưới mặt đất, lên men trong vài tuần rồi đem phơi nắng vài tuần. Harkal cứ việc xé ra cho vào miệng. Chỉ có du khách và dân thành thị mới được phục vụ harkal cắt miếng vuông nhỏ, cắm vào cây tăm.
* Gà tây 3 trong 1 "turducken" (Mỹ): Đó là gà tây rút xương được nhồi vịt rút xương và bên trong nữa là gà rút xương. Món ăn 3 tầng theo kiểu búp bê Nga này do đầu bếp Paulprudhomme nghĩ ra vào đầu những năm 1980.
* Gan ngỗng nhồi (Pháp, Hungary): Đây không phải là gan ngỗng được nhồi gia vị mà là gan từ một con ngỗng bị nhồi, cốt là để làm món patê gan. Đôi khi lá gan to gần 2kg, khiến chú ngỗng không thể chịu đựng nổi. Patê gan ngỗng là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.
* Chuột (Bắc Thái Lan): Người dân tộc thiểu số Karen ở vùng núi bắc Thái Lan coi chuột là món ăn chủ lực. Chuột được nướng nguyên con, chấm với tương ớt thật cay và dùng với xôi nóng.
* Sữa... người (Trung Quốc): Một nhà hàng ở thủ phủ tỉnh Hồ Nam, phục vụ các món ăn được nấu với sữa mẹ. Đầu bếp nhà hàng lý giải: "Khách hàng vừa thưởng thức được một bữa tiệc sữa người vừa cảm nhận được tình thương của mẹ".
* Thằn lằn (Philippines): Những con bò sát này dài độ 0,3 đến 0,6m và có khi là 1,2m. Thịt nó rất thơm ngon. Tuy nhiên, thằn lằn được dân miền núi ưa chuộng hơn dân thành phố.
* Ấu trùng giòi Huhu (New Zealand): Ấu trùng giòi là món ăn truyền thống của bộ tộc Maori ở New Zealand, nghe nói là có hương vị như gà chiên bơ!
* Kiến (ở Bắc Australia): Món ăn được ưa chuộng nhất của rừng là bụng của loài kiến xanh nhỏ. Dù kiến này có cơ thể và chân màu nâu, nhưng chính vùng bụng màu xanh mới là phần khoái khẩu, vì nó có hương vị chua chua, thơm thơm như... kem chanh! Còn tại Belize, người ta hay đào tổ kiến dưới đất để tìm trứng kiến. Trứng kiến cũng có hương vị như nước chanh ép pha chút rượu gừng. Người Thái Lan thì có món kiến hay trứng kiến vàng trộn với ớt và nước chanh. ở Colombia, kiến được rang vàng, cho vào bao giấy, bán tại các rạp chiếu phim.
* Tarantula (Campuchia): Tại thị trấn Skuon, cách thủ đô Phnôm Pênh 55 dặm về phía bắc, nhện tarantula là món ăn rất phổ biến của cư dân địa phương cũng như du khách ghé qua. Thói quen ăn nhện này bắt đầu từ những ngày đói khổ của thời Khmer Đỏ, nhưng nó đã thấm sâu vào nghệ thuật ẩm thực và trở thành món ăn chơi ngày nay, khiến cho mỗi ngày có hàng trăm chú nhện bị săn lùng, bị cho vào chảo lửa và đem bán. Nhện rang có hương vị như cua rang.
* Rượu chuột con (Hồng Kông, Trung Quốc): Loại rượu này có mùi hăng hăng như xăng dầu.
* "Niệu liệu pháp": Ở Kenya, Tanzania, nước tiểu bò được người Masai trân trọng. Tại Ấn Độ, nước tiểu bò được dùng như thuốc an thần. Còn những người tập yoga thì thường xuyên uống nước tiểu người. Ông Gandhi sáng nào cũng điểm tâm bằng "nước thiên nhiên" do mình tạo ra.
* Chuồn chuồn (đảo Bali): Chuồn chuồn có thể được chế biến theo 2 cách: nướng trực tiếp trên bếp lửa than, nấu với tỏi, gừng, hành, tiêu, nước dừa.
Theo Thúy Hân/báo An Ninh Thế Giới
Bình luận (0)