Một số nước phương Tây muốn đưa sinh viên đến Việt Nam học tập, vì sao?

Ngọc Long
Ngọc Long
25/10/2024 15:31 GMT+7

Không chỉ chào đón người học từ Việt Nam, một số nước còn chú trọng hỗ trợ sinh viên bản địa đến Việt Nam học tập, thực tập... để hiểu thêm về văn hóa và con người.

Một số nước phương Tây muốn đưa sinh viên đến Việt Nam học tập, vì sao?- Ảnh 1.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu về cơ hội du học New Zealand trong một hội thảo mới đây tại TP.HCM do chính phủ nước này tổ chức

ẢNH: NGỌC LONG

Trở thành điểm đến giáo dục quốc tế tại khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu mà ngành giáo dục ĐH của Việt Nam hướng tới, nhất là ở bối cảnh nhiều nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Singapore ngày càng thu hút du học sinh. Ở chiều ngược lại, một số nước như New Zealand, Úc cũng đang vận hành nhiều chương trình đưa sinh viên bản địa đến Việt Nam để tìm hiểu về con người và văn hóa châu Á.

Tài trợ toàn phần đến Việt Nam

Trao đổi với Thanh Niên bên lề ngày hội giáo dục New Zealand tổ chức cuối tuần trước ở TP.HCM, ông Ben Burrowes, quyền Giám đốc điều hành khối quốc tế ở Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), nói Việt Nam là nước duy nhất được tất cả các phân khúc giáo dục của New Zealand đầu tư trong số các thị trường trọng điểm, từ trung tâm tiếng Anh, trường phổ thông, trường phi công đến các cơ sở giáo dục ĐH...

Không chỉ hào hứng đón người học Việt Nam, ông Burrowes nói cũng muốn thấy nhiều sinh viên New Zealand đến Việt Nam hơn. Để thúc đẩy điều này, ENZ đang có chương trình Học bổng Thủ tướng cho châu Á (PMSA), tài trợ sinh viên New Zealand bậc ĐH, sau ĐH đến các nước châu Á để tham gia các khóa học ngắn hạn, chính quy hay đi thực tập, nghiên cứu trong thời gian quy định.

"Chúng tôi đang muốn khuyến khích nhiều sinh viên đến Việt Nam hơn thay vì chỉ chọn Trung Quốc hoặc Singapore. Sự dịch chuyển hai chiều này giúp công dân New Zealand nhận được nhiều giá trị. Bởi, khi đến một nơi mà bạn là thiểu số, bạn sẽ học được cách đối nhân xử thế, cách để cảm thấy được chào đón, cũng như học hỏi thêm từ những nền văn hóa, quan điểm khác biệt, phục vụ cho hành trình sau này", lãnh đạo ENZ nhìn nhận.

Theo ENZ, từ 2013 đến nay, 3.685 công dân New Zealand đã đến châu Á và Mỹ Latinh thông qua các chương trình Học bổng của Thủ tướng cho châu Á. Riêng ở châu Á, sinh viên bản địa có thể chọn một trong những điểm đến: Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hoặc Việt Nam với thời lượng chương trình tối thiểu 6 tuần.

Sinh viên nước ngoài hỗ trợ Việt Nam

Tại Úc, chính phủ nước này đã khởi động Kế hoạch tân Colombo (NCP) vào năm 2014, một sáng kiến nhằm giúp sinh viên Úc có thêm kiến thức sâu sắc, hiểu biết về châu Á đồng thời tăng cường liên kết nhân dân các nước. NCP có 2 loại, một là chương trình học bổng lên đến 19 tháng để học khóa chính quy, ngôn ngữ, thực tập và nhận cố vấn; hai là chương trình trao đổi linh hoạt cho các khóa chính quy, ngôn ngữ, thực tập, nghiên cứu... ngắn hơn.

Một số nước phương Tây muốn đưa sinh viên đến Việt Nam học tập, vì sao?- Ảnh 2.

Nhóm sinh viên Úc thuộc chương trình NCP tham quan Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức vào năm 2022

ẢNH: HUB

Tại Việt Nam, chương trình NCP đã được triển khai từ đầu năm 2014, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết trong một thông cáo báo chí. Chương trình mang đến cơ hội cho sinh viên Úc học tập tối đa một năm tại các trường ĐH đồng thời có thể đi thực tập ở doanh nghiệp địa phương như một phần trong chương trình đào tạo. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Úc, hơn 5.000 sinh viên Úc đã đến Việt Nam tính đến năm 2024.

Bình luận trên tờ ABC News gần đây, giáo sư Trần Thị Lý cùng học giả danh dự Trevor Goddard từ ĐH Deakin (Úc), cho rằng các đối tác, cộng đồng địa phương rất mong muốn được tham gia sâu hơn vào việc thiết kế, thực hiện các chương trình NCP. Khi hiểu và tôn trọng mong muốn này, vị thế của họ sẽ là đối tác phát triển bình đẳng, thay vì chỉ là "người tiếp nhận" thụ động các sáng kiến từ Úc.

Đây là kết quả nghiên cứu sau khi nhóm tác giả khảo sát 1.371 sinh viên, cựu sinh viên từ 40 ĐH Úc, cùng 298 cuộc phỏng vấn với những cộng đồng ở Úc và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và không chỉ giúp sinh viên Úc, NCP còn có thể hỗ trợ các cộng đồng sở tại thực hiện được những mục tiêu riêng, như củng cố quan hệ hợp tác với các ĐH và tổ chức Úc, nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội...

Chẳng hạn, một đối tác Việt Nam cho biết sự có mặt của sinh viên Úc thông qua chương trình NCP giúp quảng bá thương hiệu của trường và thu hút thêm sinh viên địa phương. Trong khi đó, một tổ chức phi chính phủ Việt Nam chia sẻ sinh viên Úc đã cùng hợp tác với sinh viên Pháp để quảng bá du lịch Đà Bắc (Hòa Bình) khi làm phim giới thiệu cảnh đẹp và văn hóa ở nơi đây, sau đó được đăng trên trang web du lịch của vùng này.

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong hồi tháng 8 công bố sẽ thực hiện 3 thay đổi chính với NCP từ năm 2025, trong đó nêu rõ sẽ tăng gấp đôi số học bổng dài hạn cho các trường ĐH, tập trung mạnh hơn vào việc học ngôn ngữ bản địa, tăng thời lượng tối thiểu của các khóa trao đổi ngắn hạn từ 2 lên 4 tuần... nhằm giúp sinh viên phát triển tốt hơn, cũng như để chương trình NCP hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.