Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 27.4, Đoàn giám sát cho biết, qua nghiên cứu một số vụ án, Đoàn giám sát kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và toà án nhân dân xem xét lại một số vụ án nhằm bảo đảm xử lý đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
Có trường hợp công an xã tổ chức hòa giải các vụ xâm hại trẻ em
Theo báo cáo, cơ quan điều tra đã khởi tố 7.119 vụ và 7.211 bị can xâm hại trẻ em. Hầu hết các trường hợp bắt, tạm giữ đều được chuyển xử lý hình sự. Tỷ lệ kết thúc điều tra, đề nghị truy tố đạt cao. Việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bị viện kiểm sát hủy bỏ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, chưa chính xác, bỏ lọt tội phạm; một số vụ vi phạm thủ tục tố tụng, chưa bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em.
Cụ thể, Đoàn giám sát cho rằng, trong xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ở giai đoạn đầu, một số vụ việc, cán bộ công an tuyến cơ sở còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc với trẻ em nên thu thập tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không bảo đảm điều tra thân thiện với trẻ em; một số trường hợp để lộ thông tin của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, làm trẻ em bị tổn thương trong quá trình xác minh, điều tra.
Có trường hợp công an cấp xã tổ chức hòa giải giữa người tố giác và đối tượng bị tố giác về những vụ việc xâm hại trẻ em, mà theo quy định thì loại việc đó không được hòa giải, dẫn đến chậm trễ, khó khăn trong việc xử lý sau này.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho rằng, các vụ việc xâm hại trẻ em thường không có người làm chứng, nhưng do áp lực sợ oan sai nên nhiều vụ việc, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đòi hỏi phải có người chứng kiến trực tiếp là không phù hợp với thực tế, dẫn đến vụ việc kéo dài hoặc không khởi tố được; có những vụ việc chậm khởi tố do ngại trách nhiệm, đến khi dư luận phản ứng mới tích cực xử lý; một số vụ việc khởi tố về tội nhẹ hơn tội đối tượng đã thực hiện gây bức xúc trong dư luận. Một số vụ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đoàn giám sát cũng cho biết, tại một số địa phương có tình trạng nhiều vụ án phải tạm đình chỉ điều tra với lý do chưa xác định được bị can hoặc chưa biết bị can đang ở đâu, trong đó có những vụ sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể sẽ phải đình chỉ điều tra và không xử lý được đối tượng phạm tội.
Báo cáo dẫn chứng, tại TP.HCM, tạm đình chỉ 112 vụ/24 bị can (trong đó chưa xác định được bị can nhưng đã hết thời hạn điều tra 88 vụ án, không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra 22 bị can).
Trong khi đó, tại Tây Ninh cũng tạm đình chỉ 10 vụ xâm hại tình dục do chưa xác định được bị can nhưng đã hết thời hạn điều tra. Cần Thơ tạm đình chỉ 5 vụ/2 bị can. Quảng Ninh tạm đình chỉ 5 vụ (trong đó 1 vụ do chưa xác định được bị can).
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng vẫn được viện kiểm sát chấp nhận
Tương tự, đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đối với vụ án xâm hại trẻ em, báo cáo cho hay, tỷ lệ giải quyết án đạt cao (98,5% số vụ, 98,7% số bị can); việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam được kiểm sát chặt chẽ, không để xảy ra việc lạm dụng các biện pháp ngăn chặn; 100% vụ án về xâm hại trẻ em được truy tố đúng thời hạn, hầu hết các trường hợp truy tố đều đúng tội danh.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng cho rằng, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại trẻ em một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, để kéo dài, thiếu chính xác; một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Một số trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng vẫn được viện kiểm sát chấp nhận.
Còn để xảy ra một số trường hợp cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội danh nhẹ hơn tội bị can đã thực hiện, mặc dù chứng cứ rõ ràng, song vẫn được viện kiểm sát phê chuẩn gây bức xúc trong dư luận, như vụ đối tượng Nguyễn Trọng Trình hiếp dâm bé gái 9 tuổi trong vườn chuối ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Vẫn còn trường hợp tòa án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì lý do giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và bỏ lọt người phạm tội; có trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung theo hướng thay đổi tội danh từ tội dâm ô sang tội hiếp dâm.
Kết quả làm việc trực tiếp của Đoàn giám sát tại một số địa phương thấy rằng, một số trường hợp sự phối hợp giữa điều tra viên và kiểm sát viên chưa chặt chẽ, dẫn đến có những vụ án đơn giản nhưng vẫn phải gia hạn, kéo dài thời gian giải quyết.
Bình luận (0)