Năm 2014, Grab đến Việt Nam khi khái niệm “ứng dụng đặt xe công nghệ” còn xa lạ với nhiều người. Ngày đó, hành khách khó mà biết trước giá cả, thông tin tài xế, hay lộ trình di chuyển của mình. Với các bác tài, việc phải chờ đợi hàng giờ mà có khi không nhận được cuốc xe nào, cũng không biết hành khách cần mình đang ở đâu,... khiến cho cơ hội thu nhập của họ bị hạn chế.
Từ đây, lần lượt dịch vụ GrabTaxi, GrabBike và GrabCar ra đời như lời giải cho những khó khăn khi di chuyển của người dân. Hành khách có thể biết trước giá tiền họ phải chi trả và lộ trình chính xác cho từng chuyến xe, trong khi đối tác tài xế Grab được đào tạo bài bản để sẵn sàng “chuyển đổi số”, có quy chuẩn phục vụ hành khách, có nhiều cuốc xe hơn nhờ nền tảng Grab, qua đó gia tăng cơ hội thu nhập cũng như cải thiện sinh kế.
Giữa nhịp sống hiện đại, ngày càng nhiều người Việt không có đủ thời gian để vào bếp tự chuẩn bị bữa ăn hay đến các nhà hàng yêu thích ở vị trí tương đối xa và thưởng thức bữa ăn ngon với quỹ thời gian ít ỏi. Bởi vậy, nhu cầu đặt món ăn trực tuyến của người dân Việt Nam gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, nhờ thường xuyên ra thực địa để lắng nghe những khó khăn của tiểu thương, đội ngũ nhân sự Grab phát hiện ra rằng những nhà hàng nhỏ, tiệm tạp hóa hay sạp hàng tại các khu chợ truyền thống thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, tối ưu hiệu quả vận hành với nguồn nhân lực và ngân sách hạn chế.
GrabFood và GrabMart ra đời từ những nhu cầu thực tế ấy, với mục tiêu không chỉ mang đến những bữa ăn ngon, những đồ dùng thiết yếu một cách nhanh chóng, mà còn mở ra một hành trình kinh doanh thuận lợi hơn cho các tiểu thương.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, liên tục đổi mới sáng tạo cùng sự thấu hiểu nhu cầu địa phương, sau 10 năm, Grab đã trở thành siêu ứng dụng với hơn 15 dịch vụ hằng ngày, từ di chuyển, giao nhận đồ ăn, đến vận chuyển hàng hoá,...
Cũng nhờ nền tảng ứng dụng cung cấp đa dịch vụ, Grab đã mang đến cho đối tác tài xế nhiều cơ hội gia tăng thu nhập hơn. Đặc biệt, những cải tiến công nghệ được cập nhật thường xuyên cũng góp phần không nhỏ giúp họ tối đa hóa hiệu quả từng phút hoạt động trên nền tảng Grab. So với ngày đầu ra mắt dịch vụ GrabBike vào năm 2014, tính trung bình trong năm 2024 đối tác tài xế Grab 2 bánh có số chuyến xe tăng trưởng thêm đến 30% trong một giờ trực tuyến trên nền tảng.
Bên cạnh việc nâng cao cơ hội thu nhập, Grab còn thường xuyên hợp tác với các tổ chức Chính phủ và đối tác để cung cấp các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng. Tính đến nay, hơn 200.000 đối tác tài xế Grab đã được nâng cao kỹ năng thông qua các khóa đào tạo trên GrabAcademy.
Ngoài đồng hành “trên từng cây số”, Grab đã sát cánh với các đối tác tài xế trong mọi thời điểm. Điển hình phải kể đến chương trình “Chung tay vượt khó” dành riêng cho Đối tác Tài xế tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, hay chương trình “Điều ước sau tay lái” nhằm giúp các bác tài khó khăn thực hiện mong ước của họ. Đặc biệt, Grab đã triển khai chương trình “Nữ đối tác tài xế Grab” với mục đích đào tạo chuyên biệt các chủ đề, nhằm giải quyết các vấn đề phổ biến cho đối tác tài xế nữ.
Với các đối tác nhà hàng, ngoài tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng trên nền tảng số, các sáng kiến mới của Grab như “Voucher nhà hàng” hay “Đặt đơn nhóm” cũng giúp họ thu hút thêm khách hàng đến dùng bữa trực tiếp tại quán. Đặc biệt, họ còn có thể chủ động khởi tạo các chiến dịch quảng bá trực tuyến và ngoại tuyến linh hoạt thông qua hàng loạt các tính năng Quản lý tiếp thị trên GrabAds.
Ngoài ra, Grab đã hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để giúp đối tác tài xế và đối tác thương nhân có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận lợi. Trong vòng 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2023, số lượng đối tác tài xế và đối tác thương nhân nhận được khoản vay từ ngân hàng đã tăng gấp 3 lần.
Trong hành trình 10 năm tại Việt Nam, Grab cũng mang đến nhiều tác động tích cực cho người dân địa phương, thông qua các dự án hỗ trợ cộng đồng. Điển hình, Grab đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai dự án “Xây cầu đến lớp” trong giai đoạn 2020-2024.
Dự án đã xây dựng và đưa vào sử dụng 8 công trình cầu dân sinh, trong đó gồm hai cây cầu ở Vĩnh Long, hai cây cầu ở Hà Giang, một cây cầu ở Tiền Giang, một cây cầu ở Quảng Trị và hai cây cầu ở Lai Châu.
Thông qua hợp tác với các Bộ ban ngành, Grab đã triển khai dự án GrabConnect nhằm kết nối nông sản địa phương từ nông dân đến tay người tiêu dùng cả nước. Nhờ mạng lưới đối tác nhà hàng GrabFood, đối tác cửa hàng GrabMart, hay tiểu thương sử dụng dịch vụ GrabExpress sẵn có từ nền tảng, một mạng lưới giao thương thuận lợi, rộng lớn được ra đời.
Đến nay, Grab đã giúp hơn 1.000 nông dân và hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo về kỹ năng số, thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội và các giải pháp tiếp thị. Nhờ đó, sau 3 năm triển khai, chiến dịch Lễ hội Trái cây mùa hè của Grab đã giúp tiêu thụ hơn 800 tấn nông sản địa phương thông qua GrabMart.
Bình luận (0)